Kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023): Khơi dậy sức mạnh “mềm” lớn lao của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay 27-2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà…cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố.

Hội thảo “80 năm đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam

Hội thảo “80 năm đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam

Hội thảo “80 năm Đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của văn kiện có ý nghĩa lịch sử; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về Văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, đề xuất kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay.

Văn hóa là hồn cốt, điểm tựa, dệt kết sức mạnh của dân tộc

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bản Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một Đảng Cách mạng về văn hoá khi Đảng mới chỉ hơn 13 năm tuổi; khẳng định văn hóa luôn sinh tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế và chính trị như một quy luật khách quan của mọi thời đại.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hoà bình, thống nhất.

Điệu múa nước ở Thánh địa Mỹ Sơn (ảnh Nguyễn Tấn Tuấn)

Điệu múa nước ở Thánh địa Mỹ Sơn (ảnh Nguyễn Tấn Tuấn)

Trải qua 80 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, phải thấy rõ rằng, bất cứ một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nào, Đảng ta đều luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương, không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đờn ca tài tử Nam bộ- Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Lê Minh Vũ)

Đờn ca tài tử Nam bộ- Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Lê Minh Vũ)

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa; từ di sản văn hóa, văn học nghệ thuật đến thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng và phát triển hệ giá trị mới của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và mục tiêu phấn đấu vì hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Thực hành Then, Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Lưu Minh Dân)

Thực hành Then, Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Lưu Minh Dân)

Từ cách đặt vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị, ngày nay, chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc rằng: văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước; cần khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”

Tại cuộc hội thảo, trên cơ sở nhìn lại giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và những tồn tại Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra một số đề xuất, định hướng cũng như giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đầu tiên là đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa. Tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hoá cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ- Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Trịnh Văn Bô)

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ- Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Trịnh Văn Bô)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra đề xuất về xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia. Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Cồng chiêng Tây Nguyên- Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Bùi Minh Tâm)

Cồng chiêng Tây Nguyên- Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh: Bùi Minh Tâm)

Theo quan điểm mà Đảng, phát triển văn hóa phải luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, rõ ràng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội Việt Nam.

Việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam.