Đề nghị Chính phủ xây dựng lại Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

ANTĐ - Theo ý kiến của đa số đại biểu ở tổ TP.Hà Nội, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế chưa rõ ràng, Chính phủ nên xây dựng lại đề án, vì đây là việc lớn liên quan đến nguồn kinh phí và đặc biệt là liên quan đến lợi ích nhiều người. 

Trước đó, vào chiều ngày 21-5, Đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tại Quốc hội. 

Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030. 

Tuy nhiên, theo Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, hầu hết các nguyên nhân nêu trong Đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.

Bên cạnh đó, các ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp.

Trước những vấn đề trên, chiều nay, (24-5), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ý kiến của đa số đại biểu ở tổ TP.Hà Nội, Đề án chưa rõ ràng, Chính phủ nên xây dựng lại đề án.

Đa số đại biểu đều cho rằng, cần xây dựng lại Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

 

(Ảnh minh họa)

Đại biểu Bùi Thị An nhận định: Thực tế đang rất cần có một đề án, tuy nhiên đề án được trình bày hôm 21-5 chưa đạt yêu cầu. Theo bà An, đề án phải cụ thể hơn nữa, cần làm rõ cái gì đã đạt được, cái gì chưa đạt, rồi mới đưa ra giải pháp cụ thể, không sẽ đi vào "vết xe cũ". Một yếu tố nữa là phải đánh giá lại sự tham gia, đóng góp của các thành phần kinh tế xem thành phần nào đóng góp tốt/không tốt, đặc biệt cần xem xét giải pháp triệt tiêu lợi ích nhóm thì mới thành công trong tái cơ cấu kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, cần phải có đề án và nhất thiết phải thông qua Quốc Hội. Tuy nhiên, đề án phải đánh giá đủ được thực trạng, khuynh hướng phát triển cũng như cơ sở pháp luật. 
Ông Sơn cũng cho rằng, cần làm lại bản đề án, đề nghị Quốc hội chưa thông qua bản đề án này, mà nên giao cho Chính phủ làm lại. Theo ông, đề án không nên là giải pháp cấp bách mà phải mang tính lâu dài.
Cũng ý kiến trên, đại biểu Đào Văn Bình nhận xét: đề án tái cơ cấu kinh tế là 1 vấn đề lớn, liên quan đến nhiều người, và nguồn kinh phí, tuy nhiên bản đề án này chưa hợp lý. Cần làm lại đề án, nhưng không thể kéo dài thời gian mà phải nhanh chóng giao cho các bộ, các ngành phối hợp cùng làm để nền kinh tế trở thành bền vững.
Một số đại biểu khác có mặt tại cuộc thảo luận cũng nhất trí rằng, đề án tái cơ cấu nền kinh tế được trình bày tại Quốc hội ngày 21-5 vừa qua quá chung chung nên rất khó để góp ý, Chính phủ phải chỉ đạo để xây dựng lại vì mục tiêu của đề án không chỉ vượt qua khủng hoảng kinh tế trước mắt mà phải đáp ứng được lợi ích lâu dài.
Sau cuộc họp tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Sáng 26-5, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Hoàng Yến; thảo luận và bỏ phiếu bãi nhiệm; biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.