Để hạn chế "thảm họa xuất bản", phải có người "gác cổng" bản lĩnh

ANTD.VN - Nhằm đưa ra những giải pháp hạn chế tối đa “thảm họa xuất bản”, sáng qua 18-11, với sự tham gia của đông đảo các Nhà xuất bản, Cục Xuất bản In và Phát hành đã tổ chức hội thảo về Công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới. Không chỉ siết lại chất lượng biên tập viên, hội thảo còn đưa ra giải pháp về công tác đào tạo, chính sách ưu đãi đối với những người “gác cổng”.

Điểm mặt vi phạm

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 60 NXB. Năm 2010 có gần 26.000 cuốn sách (khoảng hơn 277 triệu bản) được phát hành. Năm 2015, con số này tăng thành gần 30.000 cuốn (363 triệu bản sách), trong khi đó số lượng biên tập viên (BTV) ở tất cả các NXB có 1.300 người (tính cả của các đối tác liên kết).

Không thể phủ nhận thành tựu mà các BTV đóng góp cho ngành xuất bản, tuy nhiên những năm qua, các “thảm họa xuất bản”, “thảm họa liên kết” vẫn thường xảy ra, vụ sau lớn hơn, nghiêm trọng hơn vụ trước. Theo thống kê của Phòng Quản lý Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành thì các sai phạm thường tập trung vào các vấn đề như: không chuẩn xác về mốc thời gian, sự kiện lịch sử, miêu tả thô tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí không phù hợp thuần phong mỹ tục, miệt thị, hằn học vùng miền… Nếu như năm 2011, có 55 xuất bản phẩm vi phạm về mặt nội dung thì đến năm 2015 con số vi phạm là 128 và 9 tháng đầu năm 2016 đã có 87 trường hợp bị xử phạt.

Đa phần các sai phạm này bắt nguồn từ việc các NXB chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý. Giám đốc, Tổng Biên tập chưa làm tròn trách nhiệm, phó thác cho đơn vị liên kết. Một số BTV yếu kém về nghiệp vụ, thiếu thông tin, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm. Trong khi, công tác kiểm tra phát hiện sai phạm lại hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khách quan như thiếu nhân lực, thiếu cả kinh phí. Đây được xem là lý do chính dẫn đến việc các xuất bản phẩm “thảm họa” lọt lên kệ sách, bán rộng rãi ngoài thị trường.

Để hạn chế "thảm họa xuất bản", phải có người "gác cổng" bản lĩnh ảnh 2Biên tập viên phải là người có năng lực, hiểu biết rộng mới đảm bảo chất lượng ấn phẩm đến tay bạn đọc

Biên tập cũng phải có nghệ thuật

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nhận định, hiện tại, có một bộ phận BTV chỉ là người nhận bản thảo, đọc bản thảo với mục đích sửa lỗi chính tả, câu cú rồi đề xuất cấp giấy phép mà chưa làm đúng, đầy đủ quy trình biên tập, chưa có nghệ thuật biên tập và đặc biệt là trách nhiệm của người biên tập đối với bạn đọc và xã hội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã liệt kê những yếu tố mà người làm công tác biên tập buộc phải có: khả năng làm một người đọc, khả năng phát hiện, khả năng phản biện, khả năng cắt bỏ và bổ sung, khả năng cảm thụ cái đẹp và cuối cùng là khả năng đánh giá ảnh hưởng của tác phẩm đối với xã hội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, thực tế cho thấy, có những cuốn sách 20 năm trước chưa nên xuất bản và  có những cuốn sách sau 20 năm không nên ngăn cản. Sự phát triển của dân trí và dân chủ là cơ sở để người biên tập biết những gì có thể chấp nhận, có thể khuyến khích và những gì thì không.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì BTV ở ta dù được đào tạo chính quy, bài bản nhưng chưa được trau dồi nhiều về kiến thức trong thực tiễn đời sống, kiến thức chuyên ngành cũng chưa được đầu tư thỏa đáng do phải làm quá nhiều việc khác, trong đó có cả mưu sinh. Hạn chế còn do BTV mắc “bệnh văn phòng”, chưa nắm bắt được nhu cầu xã hội.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ thì một trong những vấn đề mà các BTV thường gặp là sai sót kiến thức chuyên môn. Sở dĩ có việc này là do BTV quá tải, phần do cẩu thả, phần lớn do thiếu năng lực thật sự. Chính vì thế, người làm nghề này nhất thiết phải có con mắt tinh tường và cái đầu sáng suốt. Đại diện NXB Trẻ nhấn mạnh đến tính linh hoạt của những người “gác cổng”: “Trong thời đại ngày nay, khi mà BTV một NXB không thể chỉ ngồi một chỗ chờ tác giả mang bản thảo tới cho mình biên tập, thì vai trò của người BTV trong tổ chức bản thảo và làm việc với các cộng tác viên, tác giả, dịch giả vô cùng to lớn.

Nếu một BTV không có khả năng tổ chức bản thảo, không có ý tưởng hay tư duy về dàn trang, thiết kế bìa hay ý tưởng về kênh bán hàng, truyền thông thì khó lòng trở thành một BTV giỏi”. Bên cạnh  chuyên môn, các BTV còn phải giữ vai trò là một nhà quản lý dự án sách, theo đuổi dự án sách đó đến cùng. Nghĩa là, vừa có cái đầu sáng tạo, vừa có cái đầu quản lý. Đó là yêu cầu sống còn.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học nêu ý tưởng, để tránh sai sót về nội dung cần xây dựng một Quy trình chuẩn biên tập xuất bản phẩm trên cơ sở cân nhắc giữa kỹ năng, tiêu chí, quy định để khi ban hành quy trình này phải thực sự có ý nghĩa, phù hợp, có giá trị thực tiễn và tồn tại lâu dài.

Năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức cấp thẻ hành nghề BTV Nhà xuất bản. Việc làm này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng thông đồng - xin cho trong hoạt động xuất bản phẩm, đồng thời cũng là bước để lựa chọn những BTV có năng lực. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, việc làm này đã bộc lộ rõ ưu điểm, những sai sót không đáng có trước đây đã giảm mạnh. Song, nếu nói khả quan thì chưa. Bởi lẽ, để có một BTV giỏi phải mất rất nhiều thời gian, trong đó có cả sự đãi ngộ, trân trọng của xã hội.