Dấu son “vàng” với người yêu Hà Nội

ANTĐ - “Hà Nội độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp – một thành phố tấp nập mà bạn không khỏi nhớ nhung khi bạn đi bất cứ đâu”, đó là chia sẻ chân tình của TS. Katherine Muller – Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam về mảnh đất đã níu chân bà ở lại trong suốt hơn 10 năm qua.  

Hình ảnh những cô gái đạp xe chở hoa đi bán để lại nỗi nhớ sâu sắc trong lòng “bà Tây di sản”

Di sản vô giá…

Người phụ nữ Costa Rica được mệnh danh là “bà Tây di sản” (vì cuộc hành trình âm thầm bảo tồn và nỗ lực đưa các di sản Việt Nam được cả thế giới công nhận) tâm sự, bà ấn tượng về Hà Nội bởi khả năng hòa nhập cái cũ với cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Ở đó, xen giữa những tòa nhà cao tầng và các khu kinh doanh buôn bán sầm uất là những người phụ nữ cặm cụi đạp xe chở hoa đi bán, là những quán ăn đường phố thu hút cả những ai đang vội vã lẫn những người đang chậm rãi tận hưởng một ngày trôi qua, thưởng thức bát phở bốc hơi nghi ngút. Có lẽ cũng bởi tình yêu rất khó lý giải và cắt nghĩa dành cho mảnh đất này mà bà từng thổ lộ rằng: “Nếu sau này rời khỏi nơi đây, tôi không biết sẽ thế nào, nhưng nhất định sẽ rất buồn”. Và bà cũng nghiệm ra rằng bất kể là người Hà Nội, người Việt Nam từ các tỉnh khác tới hay người nước ngoài đều được hưởng sự an bình, thưởng thức vẻ đẹp, sự sôi động và di sản của thành phố tuyệt vời này.

Những suy nghĩ chân thành này được bà Katherine Muller – Marin chia sẻ tại cuộc Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng Thủ đô – Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” diễn ra sáng nay 3-10 tại Hà Nội. Cùng với đó vị Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng không quên “mách nước” để Hà Nội có thể thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững, đơn giản từ chuyện rất nhỏ như làm sao để du khách nước ngoài có thể ngồi nhâm nhi chén trà với người dân Hà Nội, tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội qua những câu chuyện cởi mở và bình dị…

Cũng với suy nghĩ của một người yêu Hà Nội, GS Phan Huy Lê khẳng định mỗi người sống trên mảnh đất Hà Nội đều có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản cực kỳ phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân đã từng cư trú trên không gian này sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu. Kho tàng ấy chứa đựng một di tích văn hóa phi vật thể (Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long), một di tích phi vật thể đại diện nhân loại (Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc), một di sản tư liệu thế giới (82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám) cùng hàng trăm lễ hội và kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Đặc biệt  trong chặng đường 60 năm qua, sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Hà Nội đã khởi sắc và phát triển vượt bậc.

Và những dấu son

 Trong những ngày Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, một lần nữa những trang sử hào hùng về sự nghiệp đấu tranh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của quân và dân Hà Nội được làm sống lại. Trong đó không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong công tác củng cố các tổ chức Cách mạng và vận động quần chúng nhân dân. GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ – Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội nhớ lại, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Hà  Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày. Trong thời gian đó, Thành ủy Hà Nội vẫn tiếp tục lãnh đạo các tổ chức quần chúng đấu tranh bảo vệ tài sản công, tư, chống lại âm mưu gây rối, phá hoại, cưỡng ép di cư và chuyển các tù nhân chính trị, thiết bị máy móc, tài liệu vào phía Nam. Trong quá trình đấu tranh, các tổ chức quần chúng ở nội thành được mở rộng, tổ chức cơ sở Đảng được tăng cường, tự vệ trong các cơ sở sản xuất phát triển mạnh. Trên đà thắng lợi ấy, Thành ủy chủ trương nhanh chóng khôi phục phong trào ngoại thành, lấy phong trào ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành. Và khép lại cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Ngày 10-10-1954, Thủ đô sạch bóng quân xâm lược. Việc chiến đấu ngay ở trung tâm đầu não kinh tế và chính trị giữa lòng Thủ đô tuy gian khổ bội phần nhưng cũng là thắng lợi vẻ vang của Thành ủy Hà Nội.

Cũng góp phần xây dựng và giữ vững Hà Nội là điểm đến hòa bình trong suốt chặng đường 60 năm qua phải kể đến nỗ lực của lực lượng Công an Hà Nội. Trong suốt chặng đường ấy, Hà Nội còn trải qua nhiều cuộc chiến đấu cam go và gian khổ… Lực lượng Công an Hà Nội đã từng bước thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn, song vẫn luôn giữ vững tinh thần chiến đấu hết mình và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng. Để đến bây giờ, trải qua nhiều biến động của lịch sử, lực lượng Công an Thủ đô vẫn giữ được sự trong sạch, vững mạnh, tinh thần chiến đấu kiên cường và bản sắc văn hóa. Tất cả những điều đó đã góp phần làm nên bản anh hùng ca cho dấu mốc 60 năm Giải phóng Thủ đô.