Bước chuyển thần kỳ

ANTĐ - Sáng 3-10, Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” được chính thức khai mạc. Trong chặng đường 60 năm qua, Hà Nội đã lập nên những chiến công vang dội, những thành tựu đáng tự hào.
Bước chuyển thần kỳ ảnh 1

Thủ đô anh hùng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: “60 năm qua, quân và dân Hà Nội đã lập nhiều chiến công vang dội, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Hà Nội thực sự là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Hà Nội đã nhiều lần được vinh danh vì những thành tựu phát triển vượt bậc, trong đó, đáng chú ý là năm 1999, được UNESCO trao tặng danh hiệu thành phố vì hòa bình; Năm 2000, Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng và cũng đã 3 lần được đón nhận Huân chương Sao vàng. 

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, chưa bao giờ Hà Nội lại phát triển nhanh chóng, trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều đầu tư, có khả năng hội tụ và lan tỏa như ngày nay. Trên bình diện văn hóa, Hà Nội là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam - nơi hội tụ của văn minh Đại Việt, nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh. “Nhìn lại hành trình 60 năm từ sau ngày giải phóng 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội đã trải qua một chặng đường lịch sử oai hùng với những bước chuyển mình kỳ diệu”- GS.TSKH Vũ Minh Giang nói.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; Có nguồn lực con người dồi dào; có cơ hội cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Thủ đô cũng có nền tảng phong phú, đa dạng hơn về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Có thị trường được mở rộng hơn, có tính bổ sung, liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn. Tận dụng những ưu thế này, Thủ đô tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

GDP/người hiện nay tăng gấp 3 lần so với năm 1989. Bộ mặt Thủ đô được cải thiện rõ rệt, trật tự an toàn được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu, có diện tích nhỏ (152km2 với 43 vạn dân), đến nay Hà Nội đã trở thành đô thị lớn với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu người. Thành phố phát triển văn minh, hiện đại.

Luôn lắng nghe mọi ý kiến để phát triển

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, những thành tựu về chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa và danh hiệu vẻ vang Hà Nội có được là thành quả của nhân dân cả nước, nhưng trước hết phải kể đến sự đóng góp của người dân Hà Nội. Trải qua hàng nghìn năm, người Hà Nội đã tạo cho mình một phẩm chất riêng, thanh lịch, văn minh, được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước hội tụ về Thủ đô. Tuy nhiên, cơ chế thị trường đã cuốn người dân Hà Nội vào “vòng xoáy” này, khiến “cốt cách người Hà Nội” bị phai mờ, làm mai một đặc trưng riêng của Hà Nội. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật cho rằng, Hà Nội cần có kế hoạch và tiêu chí cụ thể để bồi đắp giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội trong thời đại mới “có tư duy và nếp sống đô thị; Nếp sống công nghiệp” bên cạnh người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách hiện nay của Hà Nội là cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa; chệch hướng trong xây dựng và phát triển văn hóa; nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống và nếp sống. Kéo theo đó là nguy cơ lệch chuẩn trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. TS Nguyễn Danh Tiên - Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Thủ đô cần chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tín ngưỡng cùng với đó cũng không ngừng tiếp nhận văn hóa của nhân loại, đáp ứng chuẩn mực văn hóa mới trong giai đoạn cách mạng mới.

 Đánh giá về những thách thức của Thủ đô, đồng chí Phạm Quang Nghị cho hay, tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số cơ học, kinh tế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế, sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế và vị thế của Thủ đô. “Vì vậy, Hà Nội cần tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển Thủ đô xứng tầm là trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, khoa học… Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thành phố Hà Nội luôn trân trọng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để khắc phục yếu kém, phát triển vững mạnh” - đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.