Đau lòng trẻ tử vong do uống nhầm xăng, dầu...

ANTĐ - Ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc súng.... là vô vàn những tai nạn thương tâm có thể để lại cho trẻ di chứng nặng nề, thậm chí đã cướp đi sinh mạng của trẻ.

Tính mạng như "Ngàn cân treo sợi tóc"

Gần đây nhất, vào ngày 1-10, bé Thị Kim Tuyến, 1 tuổi ở ấp 9, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước bị tử vong do uống nhầm xăng đựng trong vỏ chai trà xanh C2. Vụ việc đau lòng này một lần nữa là tiếng chuông báo động về sự nguy hiểm  tính mạng của trẻ do sự bất cẩn của người lớn... vì từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm như vậy xảy ra.

Vào tháng 12-2009, do gia đình không để mắt tới trẻ nên bé Trần Viết T. (22 tháng tuổi, ở Hải Dương) đã uống nhầm dầu hôi. Thay vì đưa cháu đến ngay bệnh viện, người nhà T đã móc họng để cháu nôn ra trước khi đưa đến viện cấp cứu nhưng khi đến BV thì T. đã ngưng thở. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản và chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng cháu đã tử vong 1 ngày sau đó.

Tháng 2-2010, cháu L. N. B. Tr (13 tháng tuổi, sống tại quận Nhà Bè, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng khó thở tím tái, có biểu hiện suy hô hấp nặng, thở co rút lồng ngực, độ bão hòa oxy máu động mạch chỉ còn 82% (bình thường là 94-98%).  Theo người nhà của bé Tr., do bận bịu trong những ngày giáp tết, mẹ bé đã để bé chơi một mình trong nhà, vô tình cháu thấy chai nước trà xanh đựng dầu hôi, không đậy nắp, để dưới gầm bàn, tưởng là nước nên lấy uống dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Sáng 23-7-2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã cứu sống một bé trai trai tên Đ.H.H (3 tuổi), ngụ ở Bình Dương uống nhầm chai axit sulfuric. Tiến hành chụp ngay Xquang phổi cho thấy, bé H bị viêm phổi hít. Ngay lập tức bé được đặt thở oxy, đặt ống thông dạ dày dẫn, lưu chất độc hại còn sót lại trong dạ dày, truyền dịch, uống kháng sinh để điều trị viêm phổi hít.
Ngày 20-7-2010, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cấp cứu cho bệnh nhi tên Phùng Quốc D., 7 tuổi, ngụ tại Long An vì uống nhầm thuốc độc. Bé D. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, 2 mắt lờ đờ, miệng đầy nhớt, đồng tử đã co lại. Bệnh nhi được cấp cứu bằng phương pháp rửa dạ dày và cho uống than hoạt tính. Sau khi điều tra bệnh sử, các bác sĩ xác định loại thuốc mà bé D. uống phải là Lenfos 50EC, tên hóa học là chlorpyrifos ethyl thuộc nhóm lân hữu cơ dùng để diệt mối.
Ngày 19-7 vừa qua, BV Nhi đồng I cũng đã tiếp nhận cháu ẻ Tr. H. G. Ph. 14 tháng tuổi, sống ở Quận 3 TP.HCM trong tình trạng khó thở, tím tái. Gia đình bệnh nhân cho biết, cháu Ph.được ba mẹ đưa lên nhà bà ngoại ở Củ Chi chơi. Trong lúc mọi người đang ngồi nói chuyện phía trước nhà, Ph “lẻn” bò vào dưới quầy bán vàng bạc chơi mà người nhà không hay. Một lúc sau, không thấy Ph đâu, mọi người chạy vào trong nhà đi tìm, phát hiện em nằm dãy dụa ho sặc sụa, tím tái, xung quanh có nhiều hột nhãn, giấy vụn,... và một ly nước thuốc rửa vàng bị ngã đổ.
Cách đây không lâu, 2 bệnh nhi Đàm Thị Kim N (3 tuổi) và Đàm Thị Hồng H (4 tuổi) cùng trú ở Bắc Kạn đã nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, co giật. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu nên sau một giờ đồng hồ N đã tử vong, còn H may mắn được cứu sống. Theo tìm hiểu của các bác sĩ, mẹ của 2 bé là chị Nông Thị H sau khi đi phun thuốc ngoài đồng về đã để chai thuốc trừ sâu dưới gầm sàn gần chỗ N và H đang chơi. Vì không biết nên hai cháu đã mang ra để uống.
 Tìm hiểu những cách sơ cứu căn bản là điều vô cùng quan trọng Ảnh minh họa

Tìm hiểu những cách sơ cứu căn bản là điều vô cùng quan trọng
Ảnh minh họa


Bé gặp nạn, bạn nên làm gì?

Theo các bác sĩ Nhi khoa, trẻ dưới 3 tuổi rất hiếu động và luôn muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh. Chính vì vậy, bất cứ thứ gì trẻ cũng đều muốn cầm và cho lên mồm, điều này vô cùng nguy hiểm vì chỉ cần một phút lơ là, thiếu chú ý của các bậc phụ huynh cũng có thể làm trẻ gặp nạn. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức phòng, chữa khi trẻ ngộ độc là vô cùng quan trọng.

Sau đây là một số biện pháp sơ cứu cho trẻ trước khi đưa trẻ nhập viện:

Bỏng lửa và nước sôi: Khi bé bị bỏng, cần ngay lập tức nhúng phần cơ thể bị bỏng (thậm chí cả người) vào nước lạnh (chậu nước, bể nước sạch, vòi nước đang chảy...) rồi đưa trẻ đến ngay trạm y tế gần nhất.

Ong đốt: Bình tĩnh và thận trọng dùng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim... để khều kim chích ra. Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau (Không nên đắp trực tiếp nước đá lên chỗ ong đốt).

Rắn cắn: Buộc chặt phía trên chỗ bị cắn, chú ý không thắt chặt quá, không để lâu quá 30 phút. Rạch nhẹ da ở vết cắn, có thể dùng mồm để hút máu ở vết cắn ra. Dùng dầu long não bôi lên vết cắn, uống chè nóng để trợ tim mạch, nếu ngạt phải được hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân sau đó cần phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được xử lý.

Ngộ độc dầu hỏa, xăng, chất tẩy rửa: Cùng với việc nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của nhân viên y tế thì việc cần làm đầu tiên là bạn hãy giữ bao bì các loại thuốc hoặc bình chứa đã gây cho trẻ ngộ độc xem có ghi thông tin gì về việc lưu ý để có thể làm ngừng ảnh hưởng của chất độc; Hãy cho con bạn uống 60 đến 90ml nước hoặc sữa để làm sạch thực quản. Cần hết sức bình tĩnh cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết, mẫu chất độc, bình đựng chất độc, liều lượng… để dễ tìm cách chữa trị.

Nếu bị ngộ độc do tiếp xúc qua da: cần cởi bỏ quần áo trẻ, rửa da bằng xà phòng và nhiều nước, tránh chà xát mạnh vì sẽ làm chất độc thấm qua da nhanh hơn. Nếu trẻ hít phải khí độc, lập tức đưa ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa. Sau khi sơ cứu, đưa trẻ đến bệnh viện ngay, không được chậm trễ.

Nuốt phải dị vật: Đặt trẻ dọc theo cánh tay của bạn, mặt trẻ quay xuống dưới, vỗ mạnh vào giữa lưng trẻ 5 lần, giữa mỗi lần đều kiểm tra xem dị vật đã ra khỏi họng trẻ chưa. Nếu dị vật không còn vướng vào họng trẻ nữa bạn hãy dùng ngón tay út lấy dị vật ra khỏi miệng trẻ. Nếu dị vật vẫn chưa lấy ra được, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

Điện giật: Khi trẻ bị điện giật, cần ngắt dòng điện ngay lập tức bằng các vật cách điện như gậy, que gỗ và kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu bệnh nhân vẫn còn thở và tim vẫn đập, chỉ mê man bất tỉnh cần được kích thích bằng cách gọi nhiều lần, giật tóc, té nước vào mặt rồi nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Để đề phòng, những ổ điện vừa tầm với của trẻ trong nhà cần được bịt kín bằng băng keo chuyên dùng.