Đấu giá tài sản Nhà nước: Không kiểm soát chặt, của công sẽ thành của riêng

ANTD.VN - Góp ý vào dự án Luật Đấu giá tài sản ngày 14-9, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng dàn xếp “quân xanh, quân đỏ” để lách luật, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu giá tài sản Nhà nước hiện còn rất phổ biến. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu góp ý tại phiên họp

Dàn xếp “quân xanh, quân đỏ” 

Góp ý vào mục chế tài xử lý đối với các hành vi đấu giá tài sản Nhà nước sai phạm, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đánh giá, thực tiễn cho thấy, tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá tài sản vẫn là vấn đề nhức nhối, gây nhiều bức xúc.

Vì thế, việc sửa đổi luật này phải làm sao ngăn chặn cho được tình trạng dàn xếp trong quá trình thực hiện đấu thầu, đấu giá tài sản, bịt được các kẽ hở. “Thực tế có doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, đấu giá tài sản Nhà nước thì hồ sơ rất hoành tráng nhưng đến khi kiểm tra mới thấy hoạt động èo uột. Thậm chí có nhiều bài học đau lòng hơn là khi đấu thầu đấu giá xong rồi mới phát hiện đó là những công ty ma… Ai sẽ kiểm soát và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đó? Luật này vẫn chưa làm rõ” - ông Võ Trọng Việt nêu quan điểm.

Trước đó, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thẩm tra dự án luật, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng dàn xếp “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Ông Võ Trọng Việt phân tích thêm, đã là đấu giá tài sản Nhà nước thì phải làm sao vì lợi ích tập thể, lợi ích của đất nước, tránh khi tiếp cận lại tính toán vì lợi ích tổ chức, cá nhân mình. Muốn vậy, luật phải quy định chặt chẽ để người tham gia đấu giá có muốn “lách” cũng không được. “Ví dụ đấu giá làm từ thiện thì thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, trong khi đấu thầu, đấu giá tài sản Nhà nước thì thủ tục nhiêu khê, rườm rà nhưng hiệu quả thấp. Chúng ta nên suy nghĩ điều này” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh băn khoăn.

Luật hóa một doanh nghiệp là vô lý

Một nội dung khác còn nhiều ý kiến băn khoăn là quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Trước đó, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua tiếp thu ý kiến, dự thảo Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung quy định tài sản đấu giá là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua là thuộc tài sản đấu giá, khi VAMC lựa chọn bán thông qua đấu giá.

Mặt khác, dự thảo luật quy định VAMC được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, trong trường hợp VAMC tự đấu giá thì vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc của luật. 

Chưa yên tâm về tính minh bạch của quy định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc luật có quy định giao cho VAMC hưởng quyền đấu giá tài sản thì rất khó đảm bảo khách quan.

Theo Chủ tịch Quốc hội, VAMC là một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, thậm chí còn chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động mà lại được đưa vào gắn với một điều luật cụ thể là hết sức vô lý. “Luật thì phải bao quát, phải lâu dài chứ không thể trong luật lại giao đặc ân cho một doanh nghiệp cụ thể như thế được” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, nếu đưa VAMC vào luật này thì có nghĩa chúng ta luật hóa luôn VAMC dù doanh nghiệp này mới được ra đời theo một nghị định của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm rõ thêm, không chỉ riêng VAMC mà Bộ Tài chính cũng có công ty thu mua nợ xấu, nên không thể quy định riêng cho một doanh nghiệp như vậy.