Đạo diễn trẻ: Đam mê chưa đủ thành danh

(ANTĐ) - Gần đây, những người yêu điện ảnh bỗng dưng… tò mò trước một cái tên lạ lẫm - đạo diễn Nguyễn Thế Vinh. Mới 25  tuổi,  nhưng anh  đã được nhận làm đạo diễn chính của bộ phim truyện nhựa “Hoa đào ơi hoa đào” (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, do Hãng phim truyện I sản xuất). Sự tò mò ấy xen cả sự ngạc nhiên lẫn hồ nghi, bởi theo giới chuyên môn, một đạo diễn sinh năm 1985, mới ra trường đã được nhận một kịch bản phim nhựa tiền tỷ, quả là điều chưa có trong tiền lệ của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn trẻ: Đam mê chưa đủ thành danh

(ANTĐ) - Gần đây, những người yêu điện ảnh bỗng dưng… tò mò trước một cái tên lạ lẫm - đạo diễn Nguyễn Thế Vinh. Mới 25  tuổi,  nhưng anh  đã được nhận làm đạo diễn chính của bộ phim truyện nhựa “Hoa đào ơi hoa đào” (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, do Hãng phim truyện I sản xuất). Sự tò mò ấy xen cả sự ngạc nhiên lẫn hồ nghi, bởi theo giới chuyên môn, một đạo diễn sinh năm 1985, mới ra trường đã được nhận một kịch bản phim nhựa tiền tỷ, quả là điều chưa có trong tiền lệ của điện ảnh Việt Nam.

Tất nhiên, để được giao kịch bản này, thành tích trước đó của Nguyễn Thế Vinh cũng được gom góp khá dày dặn: tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn điện ảnh, khoá 23, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; đoạt giải “Cánh diều Bạc” trong LHP ngắn toàn quốc năm 2007; nhận giải “Ong vàng” trong LHP ngắn sinh viên lần 2 cùng năm.

Khi được nhận về làm việc tại Hãng phim Truyền hình Việt Nam, Vinh làm trợ lý đạo diễn cho các bộ phim truyền hình dài tập như “Gió làng Kình” (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), “Nhà có nhiều ô cửa sổ” (đạo diễn Phi Tiến Sơn)… Mặc dù, xung quanh chuyện Nguyễn Thế Vinh được nhận làm đạo diễn chính của phim nhựa “Hoa đào ơi hoa đào” còn có những câu chuyện “hậu trường”, song việc những đạo diễn trẻ như Nguyễn Thế Vinh được nhận làm một bộ phim nhựa ở tuổi 25, đang tạo nên một cái nhìn cởi mở trong làng điện ảnh về các đạo diễn trẻ.

“Hoa đào ơi hoa đào” bộ phim nhựa tiền tỷ của đạo diễn Nguyễn Thế Vinh

“Hoa đào ơi hoa đào” bộ phim nhựa tiền tỷ của đạo diễn Nguyễn Thế Vinh

Thế hệ đạo diễn điện ảnh 7X, 8X đang làm nên một đợt sóng mới trong công nghiệp điện ảnh và truyền hình Việt Nam với nhiều gương mặt mới và hàng trăm tập phim đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả như Nguyễn Mạnh Hà với các phim “Người chiếu đèn”, “Ôi! mẹ chồng”, “Khách đến chơi xuân”, “Siêu mẫu xì-trum”, “Lập trình cho trái tim”;  Bùi Thọ Thịnh với “Gió làng Kình”, “Chuyện thám tử”;  Nguyễn Tiến Dũng với loạt phim về Cảnh sát hình sự như “Hành trình bí ẩn”, “Mặt nạ hoàn hảo”; Đặng Thái Huyền với “13 bến nước” - tác phẩm đã đoạt giải Bông Sen Vàng thể loại phim truyện video năm 2009…

Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan thuận lợi để các đạo diễn trẻ có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng trên mảnh đất vốn một thời không phải để dành cho họ. Trước hết, sự tăng kênh của các nhà Đài đã tạo ra nhiều “giờ vàng” để chiếu phim Việt. Cùng với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân lớn nhỏ như BHD, Lasta, Lạc Việt, Chánh Phương, M&T Picture…

 Các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, các công ty sản xuất phim quảng cáo, các chương trình tin tức, phóng sự, ký sự, talkshow, showgame, reality show… là cơ hội mở cho các đạo diễn trẻ làm việc và khẳng định chỗ đứng của mình. Một vài đạo diễn trẻ hợp “gu” với thị trường, thị hiếu của khán giả, đã được các hãng phim tư nhân mời về làm đạo diễn với giá “đắt như tôm tươi”. Họ cho rằng, người trẻ bao giờ cũng dễ dàng và nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu cần thiết để “hai bên cùng có lợi” mà không phải câu nệ vào bất kỳ một thứ hình thức nào.

Tuy nhiên, bên cạnh những cánh cửa rộng mở đa chiều dành cho các đạo diễn trẻ thử sức, thì họ cũng có những bất cập song hành. Nói về điều này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, thế hệ đạo diễn trước, có thể “từ tốn” bước vào sự nghiệp do điều kiện của một thời làm phim bao cấp, còn với các đạo diễn ngày nay, sự vào nghề của họ đồng nghĩa với cuộc mưu sinh, thử thách với quy luật thải loại khắc nghiệt, mà trong điện ảnh quy luật thải loại lại càng khốc liệt hơn, bởi mỗi cuộc “thử nghiệm” đều tốn tiền tỷ.

Các đạo diễn trẻ phải tự khẳng định, tự chứng minh được rằng, mình đáng tin hơn người khác. Nhà đầu tư bỏ tiền ra có một mục tiêu rõ ràng là phải thu hồi vốn, sau đó mới là “hỗ trợ tài năng trẻ”. Vậy muốn có lần thử sức thứ hai, có nghĩa là lần thứ nhất không được thất bại. Đó là điều khác biệt (từ ngoại cảnh) giữa các đạo diễn lớp trước với thế hệ mới vào nghề hôm nay.

Dù vậy, các đạo diễn trẻ đang có một chân trời rộng mở, với lòng đam mê và thời gian dài phía trước, chúng ta có thể tin rằng, họ sẽ có những tác phẩm thuyết phục được các nhà chuyên môn cũng như đọng lại trong lòng công chúng. Nói như đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1979, Hãng phim Truyền hình Việt Nam: “Tôi đến với nghề đạo diễn không phải vì ánh hào quang của nó mà đến với nó bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê. Không phải lúc nào những người trẻ như chúng tôi cũng có thể làm được đến tận cùng những ý tưởng của mình. Tôi nghĩ rất khó có thể nói trước được tương lai của mình sẽ như thế nào nhưng bây giờ tôi chỉ luôn tâm niệm là làm việc hết sức mình. Yêu nghề, thì chắc chắn nghề chẳng phụ”.

Lam Anh