Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đất rừng phương Nam” sẽ làm sống lại ký ức của hàng triệu khán giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 25 năm, An và Cò trong bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” hy vọng tái ngộ khán giả trong năm 2022 với phiên bản điện ảnh mang tên “Đất rừng phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch. Khởi động dự án sau 5 năm chuẩn bị, dù chưa chính thức tìm được An và Cò cho phim, nhưng vị đạo diễn có biệt danh Dũng “khùng” tự tin khẳng định, đây sẽ là dự án điện ảnh làm sống lại ký ức của hàng triệu khán giả.

Trải nghiệm thú vị

- Phóng viên: Nghe nói, anh và ê-kíp đã mua bản quyền làm phiên bản điện ảnh của “Đất rừng phương Nam” từ cách đây 5 năm. Vì sao đến giờ nó mới được khởi động trong khi năm nào anh cũng làm phim?

- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Đúng là chúng tôi đã có bản quyền để làm phim này từ 5 năm trước và cũng nghĩ đến việc thực hiện ngay. Nhưng lúc đó tôi muốn “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh phải là bộ phim lớn, một bức tranh đa sắc màu về con người, cảnh vật, văn hóa vùng đất Nam Bộ. Chỉ cho đến hiện tại, khi nền điện ảnh nước nhà phát triển, tôi mới tin rằng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện. Với tôi, đây là một dự án có thời gian chuẩn bị lâu nhất.

Đất phương Nam phiên bản truyền hình với những gương mặt in sâu vào ký ức

Đất phương Nam phiên bản truyền hình với những gương mặt in sâu vào ký ức

- Vì sao anh cho rằng bây giờ mới là thời điểm thích hợp để thực hiện dự án?

- Trước đây, do chưa đủ điều kiện về kỹ thuật, máy móc, cho nên ê-kíp làm bộ phim truyền hình không đủ tự tin để làm phần “rừng”, mà chỉ thực hiện phần “đất”. Đến nay, chúng tôi tự tin sẽ thực hiện được đầy đủ cả 2 phần đó, bù đắp lại những gì mà phiên bản truyền hình chưa làm được. Ngoài ra, thời điểm này, bên cạnh việc nhà sản xuất cũng chịu đầu tư hơn thì khán giả cũng không chỉ chăm chăm vào những phim mang chất giải trí có kinh phí vừa phải, mà cần cả những tác phẩm sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa hơn.

Phim truyền hình “Đất phương Nam” là một kỷ niệm đẹp trong đời làm phim của tôi. Việc làm lại bộ phim rất hay vì bản truyền hình được làm cách đây đã hơn 25 năm. Trước đây, khi tôi làm phim “Đất phương Nam”, điều kiện làm phim vẫn còn đơn sơ, kỹ thuật quay, máy, đèn, dựng, in tráng phim đều thuộc loại cơ bản nhất. Tôi tin rằng bây giờ chuyển qua bản điện ảnh, với lợi thế của kỹ thuật, phim có thể mô tả hoành tráng hơn. Tôi tin bộ phim sẽ hấp dẫn, hiện đại và trẻ trung hơn

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

- Đã 25 năm trôi qua kể từ khi làm bộ phim truyền hình, việc lựa chọn bối cảnh xưa cũ chắc chắn là rất khó, nhất là ê-kíp sản xuất còn muốn giữ lại yếu tố “rừng” như nguyên tác “Đất rừng phương Nam”. Việc lựa chọn bối cảnh phim có khiến các anh gặp khó khăn không?

- May mắn trong quá trình đi chọn bối cảnh, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ đạo diễn Huỳnh Bá Phúc - nhà làm phim tài liệu tài năng của miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó là sự hỗ trợ của tỉnh An Giang và Đài Truyền hình An Giang. Cơ bản đến giờ, về vấn đề bối cảnh, chúng tôi có thể an tâm.

- Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người thực hiện phiên bản truyền hình nổi tiếng “Đất phương Nam” đã giúp đỡ anh thế nào trong dự án này ở vai trò cố vấn? Với bản thân anh, bộ phim ngày đó của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có tác động ra sao khi thực hiện dự án này?

- Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã cố vấn cho chúng tôi trong khâu kịch bản, trao đổi về ý nghĩa văn hóa Nam Bộ, quan trọng nhất, ông là người phản biện của tôi trong dự án này. Tôi là một fan hâm mộ phiên bản truyền hình “Đất phương Nam”. Gia đình ba má tôi cũng là người miền Tây. Tôi làm phim này thứ nhất là muốn kể về khí chất hào sảng, trượng nghĩa lẫn sự trù phú của vùng đất Nam Bộ trên màn ảnh rộng. Thứ hai là muốn tái hiện một lần nữa những câu chuyện thú vị, hấp dẫn mà “Đất phương Nam” phiên bản truyền hình cách đây 25 năm chưa thể thực hiện do thiếu thốn cả về kinh phí lẫn kỹ thuật. Đó chắc chắn sẽ là trải nghiệm thú vị cho cả tôi và khán giả.

Áp lực lớn giúp chúng ta “lớn” hơn

- Anh coi đó là trải nghiệm thú vị, nhưng chắc hẳn cũng sẽ đầy áp lực khi phiên bản truyền hình trước đó thực sự đã trở thành bộ phim “quốc dân” trong lòng khán giả?

- Áp lực sẽ giúp chúng ta cố gắng, trách nhiệm hơn. Áp lực càng lớn thì có khi lại làm chúng ta “lớn” hơn!

- Anh từng chia sẻ: “Nếu không tìm được An thì sẽ không quay”, điều đó chứng tỏ mức độ quan trọng của nhân vật chính. Hiện giờ việc casting thế nào?

- Tôi nhớ mãi gương mặt, nụ cười của 2 nhân vật chính là bé An và bé Cò trong phiên bản truyền hình, nhớ mãi không thể quên được. Hiện nay, chúng tôi đang tìm kiếm các diễn viên để vào vai những nhân vật bất hủ của “Đất rừng phương Nam”. An là nhân vật có tính cách gần gũi, là cậu bé sống trên thành phố nhưng bị đẩy vào cảnh lưu lạc trên hành trình đi tìm cha.

An là sợi dây xuyên suốt bộ phim với những trải nghiệm gặp gỡ, sống cùng với con người, cảnh vật, văn hóa của vùng đất miền Tây Nam Bộ. Nhân vật An không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa khán giả với bộ phim, mà còn là khán giả với lịch sử. An như một đại diện để truyền tải cảm xúc và tinh thần của bộ phim đến khán giả. Hiện giờ đã có hàng trăm hồ sơ gửi về cho đoàn phim. Qua các hồ sơ video, tôi cảm thấy rất vui vì các em và gia đình rất yêu mến dự án này. Các em nhỏ bây giờ cũng khá tài năng. Tất nhiên để tìm được An, Cò, Xinh là rất khó.

- Casting diễn viên nhí đã khó, làm việc với diễn viên nhí còn khó hơn. Anh có bí quyết gì trước khi bắt tay vào dự án không?

- Không chỉ làm việc với thiếu nhi, bộ phim này còn tập trung nhiều điều khó nữa như các con vật, sông nước và cả chiến tranh… Tôi cũng chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả ngoài việc hãy đặt tình yêu của mình vào nhân vật và câu chuyện.

- Ngoài đảm bảo tinh thần nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, anh có “giữ một liên kết” nào với phiên bản truyền hình “Đất phương Nam” ngoài cố vấn Nguyễn Vinh Sơn không?

- Chắc chắn khán giả sẽ gặp được một số nhân vật đặc biệt của bản phim truyền hình với vai trò khách mời trong bản điện ảnh.

- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành!

Bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” ra mắt năm 1997, dài 11 tập, kể về cậu bé An mồ côi mẹ, tha phương đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa. Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu - nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Sau khi phát sóng, tác phẩm gây ấn tượng, trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển với nhiều thế hệ khán giả. Bài hát trong phim (Bài ca đất phương Nam) do Lư Nhất Vũ sáng tác, Tô Thanh Phương trình bày đã in đậm trong lòng công chúng suốt từ đó tới nay. Sau khi phim ra mắt, những diễn viên như Hùng Thuận (trong vai An), Phùng Ngọc (trong vai Cò), Lê Quang (trong vai Võ Tòng), Mạnh Dung (trong vai ông Ba bắt rắn), Cát Phượng (trong vai vợ Tư Mắm)... được công chúng cực kỳ yêu mến.

“Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh dự kiến ra mắt năm 2022 đánh dấu sự hợp tác của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng với những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh như nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh, giám đốc âm nhạc Đức Trí. Đồng thời, dự án điện ảnh này còn có sự tham gia đặc biệt ở vai trò cố vấn sản xuất của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người từng làm nên thành công của “Đất phương Nam” bản truyền hình năm 1997.