"Đánh thức" di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo và nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù chưa được công nhận như một loại hình di sản riêng biệt nhưng các nhà máy công nghiệp của Hà Nội đã góp phần làm nên diện mạo cho Thủ đô qua từng thời kỳ. Thực tế chứng minh, những nhà máy cũ, nếu được “đánh thức” sẽ trở thành các không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Theo Nghị định số 167 năm 2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Hà Nội có 9 cơ sở công nghiệp phải di dời khỏi khu vực nội đô gồm: Nhà máy Bia Hà Nội; Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Công ty Thuốc lá Thăng Long; Công ty In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty In Báo Nhân dân; Công ty In Báo Hà Nội Mới; Nhà xuất bản Nông nghiệp.

Ảnh: Lam Thanh

Ảnh: Lam Thanh

Trong số các cơ sở nhà, đất thuộc diện phải di dời khỏi nội thành có 4 nhà máy là dấu ấn của ngành công nghiệp nhẹ, gắn với sự phát triển Thủ đô gồm: Nhà máy Bia Hà Nội (quận Ba Đình) có diện tích hơn 52.000m2. Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) có diện tích hơn 64.000m2. Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) có diện tích hơn 200.000m2. Nơi nghiên cứu công nghệ ngành hóa chất, sản xuất thuốc tuyển quặng của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) có diện tích 30.000m2.

Trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu không gian công cộng cho người dân đến vui chơi, giải trí, thì việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô sẽ tạo nên những khoảng “không gian vàng” để chính quyền thành phố cải tạo, biến các không gian công nghiệp thành các không gian sáng tạo, các địa điểm giao lưu, học tập.

“Trong hoạt động thực tế, ở Việt Nam lại chưa có khái niệm di sản công nghiệp. Trong khi trên thế giới, khái niệm này đã xuất hiện vào những năm thập niên 80. Việt Nam có các công trình công nghiệp có giá trị di sản, nhưng chưa có di sản công nghiệp. Vì khái niệm này chưa được pháp lý hóa, chưa đưa vào các văn bản pháp luật nên chưa thể bảo vệ các di sản này. Đó chính là rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại Việt Nam”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan (Đại diện mạng lưới Bảo tồn Di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam)

Theo đánh giá của giới chuyên môn, các nhà máy thuộc diện di dời sở hữu hệ thống nhà xưởng có dấu ấn kiến trúc công nghiệp của một thời kỳ. Hơn thế, các nhà máy này lại có diện tích lớn, không gian khoáng đạt. Từ những gì còn sót lại, giới làm nghề là những kiến trúc sư, họa sĩ, kỹ sư xây dựng hoàn toàn có thể kiến tạo lại và tạo ra các không gian nghệ thuật, vừa là điểm đến tham quan, vừa là không gian thư giãn, giúp người dân lấy lại sự cân bằng. Như một liều thuốc thử cho điều này, trong tháng 11-2023, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, điểm nhấn chính cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo và nghệ thuật.

Với diện tích hơn 20ha, các hoạt động lễ hội diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đa dạng, phong phú, điểm nhấn là các không gian Pavilion và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình mang tính biểu tượng cho lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao. Lễ hội thu hút 230.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và được đánh giá là một mùa lễ hội thành công nhất của năm 2023.

Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo

“Sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, đơn vị sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đánh giá lại hiệu quả của hoạt động, từ đó sẽ có đề xuất, kiến nghị thành phố, các bộ, ngành về việc sử dụng, tái thiết các di sản công nghiệp trên địa bàn thành phố hiệu quả và bền vững. Bằng việc gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện 6 sáng kiến, trong đó có 3 sáng kiến cấp độ địa phương là kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội, chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội và 3 sáng kiến cấp độ quốc tế gồm Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, tổ chức Diễn đàn mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á năm 2023, Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Để thực hiện 3 sáng kiến cấp độ địa phương, Hà Nội rất cần quỹ đất để các nhà sáng tạo thực hiện. Với việc biến các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo, Hà Nội có đầy đủ khả năng và năng lực để thực hiện công việc này. Xu hướng này không mới mẻ với thế giới khi có nhiều nhà máy cũ đã được chuyển đổi thành các không gian sáng tạo. Trong đó có một số công trình nổi tiếng như: Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum (Nhật Bản) được vận hành từ năm 1898, đến năm 1985 đã chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp. Hay mỏ than công nghiệp Zeche Zollverein tại Đức với diện tích 100ha, được vận hành từ năm 1851 và đến năm 1986 được chuyển thành Công viên Văn hóa đa năng…”.

Ông Đỗ Đình Hồng (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội)

Còn tháp nước Hàng Đậu sau 129 năm nằm im lìm ở trục giao thông quan trọng của Hà Nội đã được “đánh thức” bằng nghệ thuật. Công trình được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, lung linh sắc màu, tiếng nước chảy róc rách được nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện. Điều đặc biệt, các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế. Âm thanh của tiếng nước rơi được thu âm và phát trực tiếp, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng giúp không gian tháp nước như được mở rộng.

“Hà Nội rất quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố. Di sản công nghiệp đang được nhiều quốc gia nhìn nhận như một phần của văn hóa, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được quan tâm và thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo của xã hội. Nhìn từ các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế sáng tạo phát triển, di sản công nghiệp được đầu tư, phát huy hiệu quả cao”.

Phạm Thị Lan Anh (Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội)

Trong những ngày diễn ra, tháp nước Hàng Đậu đã thu hút 20.000 lượt người tới tham quan. Sức hút từ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo cho thấy người dân Thủ đô có một nhu cầu lớn với các không gian công cộng độc đáo. Trong khi đó, Hà Nội đang cất giữ một tiềm năng vô cùng lớn, chỉ chờ được khai thác một cách hợp lý từ các cơ sở công nghiệp, các cơ sở hạ tầng bị hoang hóa.