Đành ngậm đắng, nuốt cay

ANTĐ - Uống chè chát mãi thành quen, lại thấy vị ngọt nơi cổ họng. Lâu lắm không uống cà phê, hôm nọ trót dại “chơi” một tách, đắng ngắt như thuốc. Mất ngủ cả đêm.

- Tôi uống hàng ngày mà còn thấy đắng họng nữa là. Vị đắng ấy không phải trong cà phê mà từ bên ngoài.

- Chắc người ta lại cho thêm “kẹo đắng” khi sao tẩm, pha chế chứ gì?

- Không phải thế. Hàng trăm doanh nghiệp nước ta chuyên kinh doanh cà phê đã và đang “chết đứng”, “chết” từ chân vì nhiều đại gia “cà phê thế giới” đang đầu cơ, thao túng nguyên liệu ngay trên “vương quốc” cà phê Tây Nguyên.

- “Ăn có mời, làm có khiến”. Ở “vương quốc” cà phê Robusta số 1 thế giới sao họ lại ngang nhiên lộng hành như thế?

- Chính là ta “trải chiếu hoa” mời gọi doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào chế biến “sâu”. Nhưng họ thừa khôn ngoan, lách rào, tranh mua và xuất khẩu hàng trăm tấn cà phê hạt. Đẩy hàng trăm doanh nghiệp ta phá sản, nông dân thì è cổ bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để vun trồng, chăm sóc vườn cà phê.

- Cà phê Việt đắng ngắt là tại ta chứ đâu phải tại nước ngoài. Nhưng nay, cả xứ sở dừa Bến Tre, dân điêu đứng phải cầm dao chặt bỏ những rừng dừa bạt ngàn, thì tại ai?

- Hơn cả nước ngoài là nước láng giềng. Không chỉ dừa tươi, cơm dừa mà cả ngành sản xuất thạch dừa đều nằm trong tay “chỉ đạo, điều hành” của thương lái Trung Quốc. Ban đầu họ đến từng hộ dân thu mua giá cao, rồi mở đại lý, dẫn đến “sốt” nguyên liệu. Sau đó hạ giá xuống đáy.

- Bao cay đắng khi làm ăn với họ như dứa, dưa, nay lại dừa. Sao ta không sáng mắt, khôn ra?

- “Khôn ăn người, dại người ăn”. Ta chỉ được cái “khôn nhà dại chợ” nên cũng đành ngậm đắng, nuốt cay.