Bi kịch từ thế giới người đồng tính (2)

Đằng sau hôn nhân... của người đồng tính

ANTĐ - Khi tự mình cho rằng không thể sống thiếu nhau, những cặp đôi đồng tính chung sống với nhau như “vợ chồng”. Mạnh dạn, công khai hơn, đã có những cặp đôi đồng tính tổ chức đám cưới.  Thậm chí, xu hướng gay và les tự nguyện chung sống với nhau cũng đã xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.

Hôn nhân với người bình thường - Bi kịch không lối thoát

Đã ngoài 30 tuổi, với vẻ ngoài đẹp trai, lịch lãm, xuất thân Hà Nội, lại sinh ra trong gia đình khá giả, ai cũng đặt câu hỏi: “Tại sao tới giờ này anh vẫn chưa có người yêu”.  Long sợ nhất là đi đâu mọi người cũng đặt câu hỏi: Lấy vợ đi. Mặc dù được rất nhiều cô gái xinh đẹp, chân dài để ý nhưng Long đều không thích. Long là một gay sống kín. Trong những mối quan hệ với người đồng tính, Long chỉ yêu theo kiểu tình một đêm, không bao giờ để lại số điện thoại hoặc liên lạc tiếp lần thứ 2, tránh mọi sự ghen tuông và phiền hà có thể phát sinh. Tuy nhiên, khi chạm ngưỡng 30 tuổi, trước sức ép của gia đình, Long cuống cuồng đi tìm một người vợ. Lấy vợ rồi, sinh một đứa con nhưng Long không hề có một chút cảm giác hứng thú bên vợ. Anh vẫn bí mật quan hệ với giới đồng tính bên ngoài. Người vợ không thấy chồng quan tâm đến thì đâm cáu bẳn, ghen tuông vô cớ. Nhưng đến một ngày, cô cũng phát hiện anh là người đồng tính và quyết định ly hôn.

Đây không phải là kết cục hôn nhân của riêng Long mà hầu hết những người đồng tính khi lấy một người bình thường, bi kịch đều xảy ra khi người chồng, người vợ phát hiện ra một nửa của mình có vấn đề về giới tính. Câu chuyện về Đặng Tấn Đạt (48 tuổi, Vĩnh Long) đã giết vợ do nghi vợ bị đồng tính là một trong những bi kịch đau lòng. Hai người đã kết hôn được 15 năm và có một con chung. Đầu năm 2008, thấy vợ thường xuyên vắng nhà và lui tới một người phụ nữ hàng xóm đồng thời có những cử chỉ lạ. Đạt đã gọi vợ ra ngoài hỏi cho ra nhẽ nhưng lại bị chị gạt đi. Buồn phiền, chán nản, Đạt nghĩ vợ mình bị đồng tính và đã nảy sinh ý định giết vợ. Đêm đó, Đạt cầm dao đâm vợ nhiều nhát rồi tự sát nhưng mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu. Kết thúc người vợ bị chết và bản án 17 năm tù dành cho Đạt.

Chị Trần Minh Hòa, một đồng tính nữ chia sẻ: Thực tế, có rất nhiều cuộc hôn nhân giữa người bị đồng tính kết hôn với người bình thường, song không có cuộc hôn nhân nào có hạnh phúc. Hạnh phúc nếu có chỉ là sự giả tạo. Khi người đồng tính tìm được một nửa đích thực của mình thì họ có thể đánh đổi tất cả, vứt bỏ tất cả để chạy theo tình yêu ấy. Rất khó để có thể đóng kịch suốt cả cuộc đời. Bởi cuộc sống vợ chồng của người đồng tính và những người bình thường sẽ là cực hình, là bi kịch mà tất cả các cặp hôn nhân kiểu này không thể vượt qua được. Thanh Hương, 30 tuổi, Hà Nội nói: Bi kịch xảy ra khi chồng tôi biết tôi là đồng tính. Anh ấy suốt ngày dằn vặt, chửi bới và sỉ nhục tôi. Nhưng ly hôn thì anh ấy không đồng ý. Tôi không biết phải giải thoát bằng cách nào nhưng cuộc sống như trong địa ngục. Nếu được quyết định lại, tôi thà không lấy chồng, sống một cuộc sống tự do, đi lại thoải mái với những người cùng giới, còn hơn trói mình với một người mà mình không yêu, để rồi làm khổ mình, khổ cả người khác.

Hôn nhân đồng giới - Sự phản đối của dư luận

Hiện nay, cụm từ “đồng tính” không còn xa lạ. Ở nhiều nước trên thế giới, người đồng tính được coi là người thuộc giới tính thứ 3 và họ được xác nhận giới tính, họ có thể kết hôn, quan hệ hôn nhân của họ được pháp luật bảo vệ như mọi công dân bình thường khác. Tuy nhiên, với quan niệm truyền thống và quy định pháp luật của nước ta hiện nay, chuyện “đồng tính” vẫn được liệt vào danh sách những vấn đề “nhạy cảm”. Theo Khoản 2, Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn"; và Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 còn quy định "nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính". Do đó, khi những cặp đồng tính tổ chức đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên đám cưới đồng tính nam đầu tiên được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh tại một khách sạn với 100 khách mời, và bị nhiều người dân phản đối. Tiếp theo, ngày 7-3-1998, hai người đồng tính nữ làm đám cưới tại Vĩnh Long, nhưng giấy xin phép kết hôn không được chấp nhận. Sau các đám cưới này, Quốc hội thông qua đạo luật cấm hôn nhân đồng tính vào tháng 6-1998. Song sau đó, những đám cưới đồng tính vẫn liên tục được tổ chức. Năm 2007, Đinh Công Khanh và Nguyễn Thái Nguyên cũng tổ chức lễ cưới tại Canada, nơi mà hôn nhân đồng tính được công nhận từ năm 2005. Tháng 12-2010, tại Hà Nội, đám cưới giữa chú rể Quang Minh (tên thật Ngô Diễm Huyền), 19 tuổi và cô dâu là Thùy Linh (19 tuổi) hiện là sinh viên cũng gây xôn xao dư luận. Ngày 4-6-2011  vừa qua, tại tòa nhà sự kiện Fornever đường Nguyễn Thông, TP HCM, một đám cưới được tổ chức sang trọng giữa hai nhân vật có nickname Nell và Pin. Chuyện các cặp đôi đồng tính tổ chức đám cưới tạo nên những luồng dư luận trái chiều, bên cạnh những cá nhân bày tỏ sự ủng hộ cũng rất nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng chuyện kết hôn giữa những người đồng giới là không thể chấp nhận, việc tổ chức đám cưới chỉ mang tính hình thức nên vô nghĩa…


Les lấy gay - có là giải pháp

Quá bức bách với định kiến xã hội, muốn làm vui lòng gia đình và che giấu đi giới tính thật của mình, nhiều les và gay đã quyết định lấy nhau. Tờ hôn thú trở thành “tấm bình phong” che chắn mọi ánh mắt nhìn và nghi ngờ về một người đồng tính thuộc “giới thứ 3”. Lo sợ những phản ứng tiêu cực từ cha mẹ, gia đình mình, bằng ngoại hình nữ tính, Nguyễn Phương Thảo, 25 tuổi, muốn che giấu tình yêu của mình bằng “bình phong” là người yêu nam giới song song với tình yêu nữ giới. Thảo cho rằng: Nếu lấy một người đàn ông bình thường, les sẽ vất vả hơn trong cuộc sống thường ngày bởi phải vừa làm vợ, làm mẹ… Rồi phải diễn ngay cả trong phòng ngủ. “Nhưng nếu lấy gay, chúng tôi sẽ tránh khỏi tình trạng đồng sàng dị mộng. Vợ chồng chỉ trên danh nghĩa, ngoài việc đóng giả trước mặt mọi người, chúng tôi vẫn sống với thế giới riêng của mình. Thêm vào đó, hai chúng tôi đều khác biệt, đều yêu người cùng giới, vì vậy, dễ cảm thông với nhau, giữa chúng tôi không có bí mật, và chúng tôi có thể là bạn thân, cùng nhau chia sẻ những đau thương trong cuộc đời”. Trên các diễn đàn, nhiều tin nhắn rao vặt kiểu “Tôi là gay, muốn tìm một em les làm vợ” nhan nhản trên các trang diễn đàn.

TS Nguyễn Minh Anh, Viện Xã hội học cũng cho biết: Ở một đất nước mà hôn nhân và quan hệ đồng giới không được pháp luật thừa nhận thì hôn nhân giả mạo là một cách đối phó đầy sáng tạo của cộng đồng người đồng tính trước áp lực phải tuân theo khuôn phép. Đây là cách cởi mở, rất mới cho các bạn đồng tính. Mặc dù, hôn nhân này không mang tính gắn bó về mặt xác thịt nhưng nó là giải pháp tốt về mặt tâm lý vì với tình cảm riêng tư với người cùng giới mà họ đã phải rất khổ sở. Tuy nhiên les và gay trước khi lấy nhau cần phải suy nghĩ thật kỹ. Hai người cần gặp luật sư để biết về Luật gia đình và làm những thủ tục pháp lý tránh chuyện phiền phức sau này như tranh tụng quyền nuôi con, chia tài sản, quyền thừa kế…

Ở những quốc gia công nhận giới tính thứ ba và cho phép hôn nhân đồng giới thì vấn đề giải quyết hậu hôn nhân giữa những cặp đôi đồng tính không mấy khó khăn bởi pháp luật đã có quy định rõ ràng. Nhưng ở nước ta giới tính thứ ba chưa được công nhận, pháp luật nghiêm cấm chuyện kết hôn giữa những người đồng giới. Khi các cặp đồng tính về sống chung với nhau thì vấn đề tài sản riêng và tài sản chung giữa họ rất khó tách bạch. Và khi họ có ý định  ly hôn, thì tài sản chung sẽ không thể phân chia dựa vào nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn của vợ chồng theo Luật Hôn nhân gia đình mà giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự. Như vậy các cô dâu chú rể trong hôn nhân đồng giới cần nắm rõ quy định trên trong quá trình xác lập quan hệ sở hữu đối với tài sản riêng cũng như tài sản chung giữa hai người trong quá trình chung sống.