Đại biểu Quốc hội đề xuất cách giải quyết tình trạng quy hoạch "treo", xung đột quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quy định Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, có thể lấy ý kiến phản biện độc lập nhưng không bắt buộc, dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” …

Thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 về giải thích từ ngữ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành còn chưa rõ ràng, chỉ là “cụ thể hóa” quy hoạch cấp cao hơn, nhưng không làm rõ ranh giới nội dung và thẩm quyền với các loại quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch xây dựng, đô thị.

Việc này gây chồng chéo khi lập quy hoạch chuyên ngành so với quy hoạch đô thị, nông thôn hoặc quy hoạch cấp tỉnh; có thể dẫn đến tranh chấp thẩm quyền giữa các bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

Về tình trạng quy hoạch "treo" và xung đột quy hoạch chưa được xử lý triệt để, đại biểu phân tích, tại khoản 3 Điều 5 cho phép quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch chuyên ngành được “lập đồng thời”.

Đại biểu kiến nghị cần có thêm điều khoản quy định rõ nguyên tắc xử lý mâu thuẫn về nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện các loại quy hoạch. Bởi mặc dù Luật đã đề cập việc tuân thủ các luật liên quan nhưng không nêu rõ cơ chế xử lý so với các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ.

Điều này có thể gây khó khăn, nhất là khi lập các loại quy hoạch ngành, kỹ thuật hay khi thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch, dễ dẫn đến xung đột trong triển khai thực hiện. Do đó, cần thiết lập một cơ chế xử lý, giải quyết xung đột sớm trước khi thẩm định và sử dụng công cụ kỹ thuật hỗ trợ như Hệ thống thông tin địa lý để kiểm soát chồng lấn giữa các quy hoạch.

Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, tuy nhiên về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị thường có độ vênh hoặc hai ngành triển khai chưa đồng bộ. Do đó, khi thực hiện Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đại biểu kiến nghị chỉ tuân thủ quy hoạch cấp trên liền kề với các lý do: Quy hoạch cấp trên liền kề đã cụ thể hoá Quy hoạch cấp trên nữa;

Khi thực hiện quy hoạch phát triển đô thị đã lấy ý kiến các ngành trong đó có ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường (về sử dụng đất), do vậy nếu thực hiện Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối chiếu với quy hoạch cấp trên thì đề xuất áp dụng quy hoạch cấp trên liền kề là quy hoạch đô thị. Quy định này cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng chồng chéo quy hoạch ở bước thực hiện, các dự án không bị đắp chiếu hoặc giảm đáng kể quy hoạch treo như thời gian qua.

Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 5 quy định: “Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng”, tuy nhiên chưa có tiêu chí phân vùng, cơ sở xác định hay thời điểm cụ thể, dễ tạo ra vùng quy hoạch không rõ bản sắc, bỏ sót các vùng động lực kinh tế - xã hội, hoặc gây chồng lấn hành chính. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện để lập quy hoạch vùng nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi, nhất là trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính như hiện nay.

Về Hội đồng thẩm định quy hoạch, theo dự thảo Luật, Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ tập thể, có thể lấy ý kiến phản biện độc lập nhưng không bắt buộc, chỉ trong trường hợp cần thiết.

Điều này dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nếu cơ quan lập quy hoạch cũng kiểm soát quá trình thẩm định hoặc mời các thành viên “nội bộ”. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung cơ chế bắt buộc có phản biện độc lập đối với quy hoạch quan trọng như quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, và quy hoạch tỉnh - đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhận định.