Cuốn sách tiết lộ cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chống lạm phát và khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là Chủ tịch thứ 14 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben S. Bernanke đã có những chia sẻ về cách FED chống lạm phát và khủng hoảng trong cuốn sách "Chính sách tiền tệ thế kỷ 21".

Vấn đề tiền tệ tại nước Mỹ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Theo Wall Street Journal, lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm. Giá cả leo thang đang ngấu nghiến mức tăng lương danh nghĩa, khiến mức lương được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 3,6% trong năm qua - bất chấp thị trường việc làm đang rất nóng. Giữa lúc đó, cuốn sách “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21” ra đời đã trở thành một trong những cuốn sách quan trọng nhất để hiểu về tài chính của nước Mỹ.

“Chính sách tiền tệ thế kỷ 21” là cuốn sách đầu tiên bàn về lịch sử chống lạm phát và khủng hoảng của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) – cơ quan quản lý chính sách tiền tệ Mỹ của hiện tại và tương lai chủ yếu thông qua lăng kính lịch sử, nhằm giúp người đọc hiểu được Fed đã làm thế nào để đạt được vị trí như ngày nay, học được gì từ những thách thức đa dạng phải đối mặt, và có thể phát triển như thế nào trong tương lai.

Cuốn sách được viết bởi Ben S. Bernanke – người giữ chức Chủ tịch Fed từ năm 2006 đến năm 2014 và là một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới. Kể câu chuyện tiền tệ trong khoảng thời gian 70 năm, cuốn sách mang đến cái nhìn tổng quan về quá trình hoạch định chính sách của Fed, cho thấy những thay đổi trong nền kinh tế đã thúc đẩy những đổi mới của Fed như thế nào cũng như những thách thức mới mà Fed phải đối mặt, bao gồm: lạm phát quay trở lại, tiền điện tử, rủi ro bất ổn tài chính gia tăng và các mối đe dọa đối với tính độc lập của chính Fed.

Ngoài việc giải thích các công cụ hoạch định chính sách mới của hệ thống ngân hàng trung ương, “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21” còn kể lại những khoảnh khắc kịch tính mà với đó, các quyết định của Fed dưới triết lý của những người từng chèo lái tổ chức này đã tạo nên nhiều tác động đáng kể. Đặc biệt là trong khoảng thời gian phải đối phó với đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang đã triển khai một loạt công cụ chính sách đặc biệt giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và nền kinh tế Hoa Kỳ. Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông đã cho các doanh nghiệp Mỹ vay trực tiếp, mua hàng nghìn tỷ đô la chứng khoán chính phủ, bơm đô la vào hệ thống tài chính quốc tế và xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ mới nhấn mạnh vào việc tạo việc làm.