Cuộc chơi riêng của “những gã đầu bạc”

ANTĐ - Đều đặn mỗi năm một lần, các trại sáng tác kịch bản sân khấu vẫn được tổ chức nối nhau. Tìm kiếm kịch bản hay là mục đích cuối cùng nhưng sự thiếu vắng của các “bóng hồng” hay các tác giả trẻ khiến trại sáng tác thiếu đi sức sống. Dân trong nghề vẫn nói vui, đó chỉ là cuộc chơi của những gã đầu bạc. 

Một cảnh trong vở kịch nói “Điều ước thiêng liêng”

“Bóng hồng” cũng hàng U60

Khác với không khí của Hội Nhà văn Việt Nam, các trại sáng tác bao giờ cũng rôm rả, tươi tắn bởi đầy đủ các bậc lão làng cho đến tác giả trẻ. Còn ở trại sáng tác kịch bản sân khấu lại khá trầm lắng, thậm chí buồn đến hiu hắt khi nhìn đi nhìn lại vẫn là những gương mặt cũ, mái tóc nhuộm màu thời gian và người trẻ nhất cũng đã gần… 60. Dù tình hình sân khấu phía Bắc ảm đạm, nhưng Hội Sân khấu Hà Nội và Trung ương vẫn “dốc tiền” để động viên người sáng tác. Song, cái khó của các hội lại nằm ở chỗ không biết làm thế nào cải thiện được thành phần tham dự. Tác giả trẻ vốn đã hiếm nay lại càng hiếm hơn cùng với sự tụt dốc của sân khấu. Đã thế, tác giả nữ lại càng khó khăn hơn. Với đặc thù công việc, rất ít chị em có đủ sức khỏe và đủ độ kiên trì theo đuổi nghề đến cùng. Thế nên, mấy năm trở lại đây, các trại sáng tác của hội Trung ương và Hà Nội, thành phần tham dự chính vẫn là cánh các “cụ ông” kéo nhau lên Đại Lải, Tam Đảo, đi Nha Trang, Vũng Tàu. 

Nhớ lại cách đây độ chục năm, khi một số trại sáng tác có sự hiện diện của các “bóng hồng”, thuộc hàng U60, nhà biên kịch Phạm Văn Quý vẫn không quên không khí rôm rả của các trại sáng tác “Có các chị em đi cùng, cánh anh em nam giới còn có cái mà tếu táo, trêu đùa nhau. Buổi sáng ngủ dậy, đi ra hành lang đứng ngắm cảnh, thấy chị tập thể dục, đánh eo cũng thấy vui vui. Có chị em đi cùng, chuyện bếp núc cũng an tâm hơn. Giờ thì chỉ còn mấy ông với nhau, không phải chúng tôi không có niềm vui nhưng đúng là vẫn thấy thiếu vắng”. Nói là vậy nhưng với các tác giả lão thành đi “trại” không có nữ không phải là vấn đề quá lớn. Trời mùa hè nóng như thiêu như đốt, tuy BTC cố gắng thu xếp mỗi “cụ” một phòng có điều hòa nhưng do tuổi cao, có “cụ” từ chối thứ tiện nghi hữu ích đó mà cứ xoay trần ra mà viết. Nếu như có các chị, các “cụ” lại phải ý tứ hơn mỗi lần có khách đến chơi. Đằng này, cùng cánh nam giới, việc sang phòng đàm đạo kịch bản, các “cụ” quần đùi, “áo không số” thoải mái.

Kịch bản hay không được dàn dựng

Đi trại sáng tác ngoài việc tìm kiếm kịch bản hay thì việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau là điều rất quan trọng. Cũng chính bởi thành phần tham dự trại sáng tác chỉ có các “cụ ông” với nhau nên độ quyết liệt trong các cuộc tranh luận về sửa chữa kịch bản cũng giảm hẳn, thường thiên về tính bình phẩm. Điều này thật khác với các trại sáng tác cách đây nhiều năm khi thành phần tham dự đa dạng và sinh động hơn. Các “cụ” vẫn bảo “Văn mình, vợ người”, anh em sửa bài cho nhau, nhiều lúc hăng quá cộng với tính tự ái của mỗi người thành ra mất lòng, bực bội trong lòng. Hay có những chuyện vui mà khi kể ra mọi người sẽ thấy thật vui khi đến với các trại sáng tác cách đây nhiều năm. Chẳng là, có tác giả trẻ vừa hoàn thành xong kịch bản, vội vàng gọi mọi người đến đọc một đoạn tâm đắc nhất. Tác giả vừa khóc vừa đọc rất đồng cảm với số phận nhân vật. Sau  màn “biểu diễn” kết thúc, cả nhóm phá lên cười vì chẳng có gì đáng để khóc cả. Kịch bản này khi nộp cho Hội đã phải chỉnh sửa rất nhiều nhờ vào sự góp ý của các bậc cha chú. 

Về lực lượng sáng tác như vậy nhưng các trại sáng tác hiện nay còn đáng buồn hơn với các kịch bản được hoàn thành nhưng đành xếp xó. Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSƯT Thanh Trầm cho biết: “Hội vẫn thường kêu gọi các nhà hát dàn dựng kịch bản hay được hoàn thành từ các trại sáng tác. Nhưng kêu gọi là một chuyện còn các nhà hát có bắt tay vào dàn dựng hay không, chúng tôi không thể can thiệp được”. Ngay cả Hội Sân khấu Việt Nam, hiện trạng này cũng không khá khẩm hơn là mấy, bởi xét cho cùng, việc tìm nguồn kịch bản của các nhà hát, các đài phát thanh, truyền hình lại phụ thuộc vào các mối quan hệ thân cận giữa tác giả và đơn vị đó. Đây cũng chính là điều khó với các tác giả trẻ muốn khẳng định tài năng và làm giảm nhuệ khí trước mong muốn gắn bó với sân khấu. Trong khi các bậc đàn anh còn đang chật vật để tìm đầu ra cho kịch bản, huống hồ lớp đàn em còn non nớt cả về trình độ và các mối quan hệ. Chính vì thế, các trại sáng tác kịch bản sân khấu bao năm nay chỉ là cuộc chơi riêng của các “gã đầu bạc”.