Con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tiết lộ về "bóng hồng" trong ca khúc của cha ​

ANTD.VN - Nghệ sĩ Đoàn Đính – con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chia sẻ có một “bóng hồng” nổi tiếng là nguyên mẫu trong bài hát của cha mình hiện vẫn còn sống và đang ở TPHCM.

Thông tin này được nghệ sĩ Đoàn Đính chia sẻ với mọi người trong chương trình “Giai điệu tự hào tháng 10 – Tình trong lá thiếp” phát sóng vào 20h10 ngày 29-10 trên kênh VTV1. Theo đó, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết có một “bóng hồng” nổi tiếng là nguyên mẫu của ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” mà cha mình sáng tác.

Người đàn bà đẹp này từng là một ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Mộc Lan. Những năm 1950, Mộc Lan là cái tên được giới trẻ lúc bấy giờ săn đón và thần tượng không chỉ bởi giọng hát họa mi ngọt ngào mà còn bởi vẻ đẹp đài các rực rỡ. Hiện bà vẫn đang sống tại TPHCM.

Theo nghệ sĩ Đoàn Đính – con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, có nhiều nhầm lẫn cho rằng Mộc Lan là người Hà Nội. Sự thực bà là người gốc Hải Phòng, tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, trong một gia đình đông anh em. Vốn có giọng hát trời phú và ngoại hình xinh đẹp, cô bé Ngà sớm được phát hiện và nhanh chóng trở thành một ca sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ. Và để xướng tên cô trong những chương trình ca nhạc, nhạc sĩ Lê Thương đã đặt nghệ danh cho cô là Mộc Lan.

Nghệ sĩ Đoàn Đính cho biết, kỳ thực đây là một mối tình say đắm nhưng vô vọng mà cha ông dành cho người con gái đẹp ấy. Khi Đoàn Chuẩn đem lòng yêu Mộc Lan, nữ ca sĩ đã có chồng, và chồng cô cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Những năm chiến tranh, phương tiện giao thông còn bị hạn chế, cho nên những cuộc gặp gỡ, hẹn hò càng trở nên vô cùng khó khăn. Không lâu sau khi Mộc Lan vào Sài Gòn, cha ông đã đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua bạn bè, Đoàn Chuẩn mới biết rằng Mộc Lan đã có chồng, và chồng nàng cũng là một tài tử, nghệ sĩ nổi danh, nhạc sĩ Châu Kỳ.

Con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tiết lộ về "bóng hồng" trong ca khúc của cha  ​ ảnh 2

Cũng theo lời kể của nhạc sĩ Đoàn Đính thì cha mình đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn gửi hoa tặng Mộc Lan mỗi sáng sớm nhưng ẩn danh. Bà xúc động lẫn tò mò về kẻ si tình bí ẩn nên biên thư cảm ơn, với những lời lẽ ẩn ý nhờ ông chủ tiệm hoa chuyển tới tay người tặng. Khi biết người tặng hoa cho mình là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, bà Mộc Lan xúc động. Một ngày, người phụ nữ đẹp nhận được cánh thư từ phương Bắc, trong đó có bài hát với tựa đề "Gửi người em gái miền Nam".

Để tỏ lòng trân trọng người đẹp, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang. Nghệ sĩ Đoàn Đính kể rằng, cha mình giữ những bí mật trong đời tư và âm nhạc với vợ con, nhưng lại tiết lộ nhiều với bạn bè, trong đó có Từ Linh, người sinh thời vẫn được xem là tri kỷ của ông hoàng nhạc tình. Sau này, khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất đi, Đoàn Đính đã thu thập nhiều tài liệu về cha và lưu giữ như những kỷ niệm đáng trân trọng trong cuộc đời vị nhạc sĩ hào hoa.

Con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tiết lộ về "bóng hồng" trong ca khúc của cha  ​ ảnh 3

Trong chương trình “Giai điệu tự hào tháng 10 – Tình trong lá thiếp”, “Gửi người em gái miền Nam” được NSƯT Tấn Minh thể hiện đã mở ra không gian nhẹ nhàng, lãng mạn nhờ bản phối mang phong cách Soul Jazz quyến rũ. Giọng hát Tấn Minh lúc trầm lúc bổng kết hợp với những đoạn ngắt và nhả quãng vô cùng tinh tế  cũng mang lại nhiều cảm nhận mới mẻ.

Nhạc sĩ Văn Ký với tư cách là thành viên hội đồng bình luận khi được hỏi về màu sắc âm nhạc phong lưu, đậm “chất” Hà Nội của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã chia sẻ: “Âm nhạc sang trọng và lẳng lơ. Thêm nữa, tiếng đàn guitar Hawaii làm cho sự lẳng lơ càng rõ nét. Bất cứ là gì cũng khiến người ta rung động và thật, đó là điều đó quý. Nghệ thuật sẽ có giá trị khi thật, lẳng lơ thật thì nó đẹp. Nếu mất đi giai điệu, âm điệu này của Đoàn Chuẩn thì là sự mất mát của Hà Nội và không nhỏ”.

Một nhạc sĩ khác trong Hội đồng bình luận của chương trìnhg là nhạc sĩ Đức Trí lại thắc mắc về 2 câu cuối trong ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”: “Người đi trong dạ sao đành/ Ðường quen lối cũ ân tình... nghĩa xưa”. Đức Trí bảo khi còn là chàng sinh viên Nhạc viện, anh không hiểu vì sao một bài hát có chất nhạc mang âm hưởng châu Âu như vậy lại có hai câu kết mang âm hưởng dân gian. Thế nhưng, sau khi thấy nghệ sĩ Đoàn Đính chơi đàn Guitar hawaii thì anh hiểu vì sao âm hưởng đó lại xuất hiện. Bởi Guitar hawaii là cây đàn đặc biệt mà người miền Nam thời đó hay dùng để đánh cải lương, một cây đàn diễn đạt âm nhạc Việt Nam rất trọn vẹn.

Cũng trong “Giai điệu tự hào tháng 10 – Tình trong lá thiếp”, khán giả sẽ được nghe lại những sáng tác bất hủ của nhiều nhạc sĩ tài danh khác.

Trở lại với bối cảnh sau hiệp định Genève, đất nước bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Trong vòng khoảng 300 ngày (tháng 9/1954 đến tháng 7/1955), đã có hơn 1 triệu người di dân từ hai miền, để lại đằng sau mẹ già, con thơ và những mối tình say đắm. Có rất nhiều ca khúc ra đời trong hoàn cảnh này, chứa đựng nỗi lòng kẻ ở người đi. Từng lời ca câu hát đều như gói ghém nỗi niềm của người nghệ sĩ, nói hộ cái tôi cá nhân của con người với những rung cảm sâu sắc.

Cũng trong một cuộc hành trình dài đằng đẵng chưa biết ngày về, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã gặp một người đàn ông tên là Phan Đồng, nhân viên trạm đèn Cửa Tùng. Năm 1954, ông Đồng từ biệt vợ con tập kết ra Bắc. Mỗi ngày, ông đều nhìn về phía bờ Nam, nơi có người vợ trẻ và những đứa con thơ trong nỗi nhớ cồn cào gan ruột. Câu chuyện ấy khiến nhạc sĩ Hoàng Hiệp xúc động, viết nên những lời ca từ nhớ nhung của “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bài hát này được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1955.

PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái kể, nghệ sĩ Văn Hanh về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được bầu làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài. Cùng năm ấy, ông hát ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ông hát xong, một tạ thư được gửi về trong đó, có rất nhiều lá thư chứa đầy nước mắt. Thính giả chia sẻ rằng bài hát này đụng đến tình tự của sự chia cắt, giai điệu thăm thẳm ở trong lòng người nghe. Sự chia cắt đấy, nó được nói bằng giọng hò bên bờ sông giới tuyến.

Tiến sĩ Minh Thái chia sẻ, cha của bà là người đầu tiên hát ca khúc này, thế nhưng mới đây ông mới được nhận danh hiệu NSƯT. Bà kể thêm:“Có nhiều khán giả rất muốn biết mặt người hát quá, nên ông phải ra Nhà Kèn tượng đài Lý Thái Tổ hát. Khi ông hát thì ông có khóc, ở dưới chị em cũng khóc như mưa. Khi ông nín chị em cũng nín, rất nhiều tràng vỗ tay rầm rầm. Nhiều chị em muốn làm quen và hỏi: anh có vợ chưa?, khi ấy bố tôi trả lời: đã có vợ và những bốn đứa con gái”.

Trong chương trình, ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” được thể hiện bởi ca sĩ Vân Khánh. Bài hát được nhạc sĩ Thanh Phương phối lại bằng một tiết tấu nhẹ nhàng, điểm xuyết thêm những nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn tranh như vẽ nên bức tranh về một bến bờ miền quê xa khuất chân trời luôn trong tim của nhạc sĩ và những người phải xa quê trong thời chiến.

Cũng trong “Giai điệu tự hào tháng 10”, ca khúc chủ đề “Tình trong lá thiếp”của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được 2 giọng ca Quang Hào và Huyền Trang thể hiện xúc động. Chất liệu âm nhạc world music mới mẻ sẽ mang đến một hơi thở hiện đại cho một bài hát vốn đã quá quen thuộc. Nhưng chất dân tộc của bài hát này không hề mất đi nhờ lối hát nhẹ nhàng đầy cảm xúc của Quang Hào - Huyền Trang và tiếng đàn tranh đậm đà cảm xúc quê hương.

Ca khúc “Áo lụa Hà Đông” (Nhạc: Ngô Thụy Miên; Lời: Nguyên Sa) trong “Giai điệu tự hào tháng 10” cũng có một cách thể hiện khác với giọng ca của Hồ Trung Dũng. Rất khó để so sánh với sự thể hiện của danh ca Tuấn Ngọc, nhưng Hồ Trung Dũng cũng đã tìm ra được cách riêng của mình khi thể hiện bài hát này. Bản phối mang phong cách hiện đại kết hợp với tiếng đàn tranh trong đoạn intro rất gây "cảnh" cho người nghe.

Năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Việt tập kết ra Bắc còn vợ vẫn ở miền Nam. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán, năm 1957 ông đã sáng tác "Tình ca" khi đang học Trường Âm nhạc Việt Nam. Một trong những giai thoại kể rằng bài hát được viết khi ông nhận được thư của vợ, sau khi bức thư đã đi vòng vèo những chặng đường dài, từ Sài Gòn sang Paris, vòng qua một số nước rồi mới về tới Hà Nội.

Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Việt đang ở số 4 Lý Nam Đế - ngôi nhà nổi tiếng của các văn nghệ sĩ quân đội một thời. "Tình ca" là một bài hát về tình yêu quê hương vừa da diết vừa mãnh liệt trong một giai điệu đẹp và tràn đầy cảm xúc. Thông thường ca khúc này hay được các giọng ca thính phòng thể hiện, tuy nhiên, "Giai điệu tự hào tháng 10" có một sự thử nghiệm mới mẻ qua giọng hát của Trung Quân idol. Lúc cao vút, lúc nhẹ nhàng, lúc da diết như lời tự sự, Trung Quân idol đã khiến nhiều khán giả trẻ có mặt trong trường quay của chương trình rưng rưng, “nổi da gà”.

"Bài ca hy vọng" (sáng tác: Văn Ký) được thể hiện một cách lắng đọng qua giọng ca của hoạ mi Khánh Linh. Vẫn còn đó sự hào sảng nhưng trong trẻo hơn, lắng đọng hơn. Giọng hát của Khánh Linh kết hợp với tiếng đàn guitar acoustic mộc mạc tinh tế đưa người nghe trôi vào một miền hy vọng đẹp đẽ đầy cảm xúc.

Sáng tác năm 1958, bài hát kể lại câu chuyện về những người chiến sĩ trong lao tù Côn Đảo. Những khi bị khủng bố ác liệt nhất, họ vẫn bí mật truyền đi thông điệp để kết nối và cùng hát sáng tác này, lời ca thầm thì xuyên qua những bức bách, chết chóc chốn lao tù, động viên nhau đoàn kết, vững lòng chiến đấu, tin tưởng vào thành quả cuối cùng, cho dù có phải hy sinh tính mạng.

Ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội" được nghệ sĩ Thái Thanh hát năm 1971 sau đó bị lưu kho. Đến năm 1991, Hồng Nhung thu âm lại và bài hát trở nên rất nổi tiếng. Khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhà thơ Tô Như Châu chưa một lần đặt chân đến Hà Nội.

Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, nhạc sĩ Tô Như Châu mang trong lòng một “bóng hồng” đất Hà thành và vì thế tình cảm với mảnh đất ấy cũng trở nên lãng mạn, thi vị hơn.

Trong "Giai điệu tự hào tháng 10", nhạc sĩ Thanh Phương đã thêm đã thêm vào phần intro của bài hát "Có phải em mùa thu Hà Nội" một đoạn nhạc mộc Acoustic với ngón nghề guitar điêu luyện được nhiều người nhận xét là “không thể chê vào đâu được”. Bản phối khí kết hợp rất nuột với giọng hát đầy chất tự sự của ca sĩ Hồng Nhung.

Khán giả sẽ bất ngờ với tiếng guitar mộc mạc sâu lắng cùng giọng hát của diva Hồng Nhung: vẫn trong trẻo nhưng đằm thắm hơn nhờ những trải nghiệm sau bao năm tháng của một nữ ca sĩ gốc Hà thành. Tuy nhiên, khi người nghe vẫn đang chìm đắm trong không gian acoustic thì bất ngờ lại được đưa quay trở lại với lối phối gần với bản cũ.