Con đường lầm lỗi của nữ hiệu phó tiểu học mong thoát đời nghèo khó

ANTĐ - “Tôi hay chê cuộc đời sao méo mó/ Sao tôi không tròn ngay tự trong tâm?”.

Vô tình tôi đọc được một bài thơ “Cảm ơn cuộc đời” có đoạn viết: “Nếu ai đã có lần bất cần sự sống/ Hãy đón hạt sương mai trên một cành hoa…”. Tự dưng tôi thấm thía vô cùng, từng lời thơ như lời cảnh tỉnh, nhắc nhở lương tâm làm người trong tôi “sống sao cho đáng sống” bởi: “Tôi hay chê cuộc đời sao méo mó/ Sao tôi không tròn ngay tự trong tâm?”.

Những ngày thơ ấu nghèo khó và nhiều mơ ước

Thật vậy, lỗi lầm của tôi gây ra quá lớn, để đến giờ phút này, tôi vẫn chưa tha thứ cho mình, dù cuộc đời tôi, chưa ai hiểu bằng tôi, dù quá khứ đen tối của tôi, đến giờ coi như đang dần khép lại, nhưng lương tâm tôi lúc nào cũng day dứt, hối hận, ăn năn.

Đêm nay cũng như mọi đêm, tôi thao thức không ngủ được. Hồi ức về những năm tháng đã qua bỗng dưng quay về như một đoạn phim quay chậm.

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo khổ, luôn bị chiến tranh tàn phá, vùng đất anh hùng thuộc mười tám thôn vườn trầu đã đi vào lịch sử. Khi tôi vừa tròn 1 tuổi vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, là năm chiến tranh diễn ra rất ác liệt, ba má tôi luôn bồng tôi trên tay, để chạy trốn những trận càn của giặc. Những ngày cuối năm 1975, tôi đã chứng kiến cảnh mưa bom bão đạn, rồi khoảnh khắc hòa bình tới vào ngày 30 tháng 4 lịch sử. Những người dân quê tôi khi ấy đã vui mừng hô to hai từ "giải phóng", nhưng lúc ấy tôi chưa nhận thức được "giải phóng" nghĩa là gì. Tôi cứ thế lớn lên theo năm tháng, cuộc sống yên bình, không còn cảnh chạy giặc, đào hầm, không còn nghe súng nổ. Nhưng đất nước mới giải phóng khốn khó trăm bề, gia đình tôi phải lội ruộng ra đồng hái rau, bắt ốc, ăn cơm độn bo bo, lúa mì.

Không lâu sau má tôi sinh em bé, gia đình đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hàng ngày đi học về tôi phải trông em cho má để ba sửa xe, má buôn bán, cho chị em có cái ăn cái mặc. Thời gian cứ thế trôi đi, bố mẹ tôi sinh thêm hai đứa em nữa, điệp khúc đói nghèo vẫn đeo bám gia đình tôi. Vì thấy tôi ham học nên ba má vẫn cố gắng lo cho tôi đi học, dù cái ăn có lúc còn chưa đủ. Các anh chị em trong nhà đều nghỉ học, nhường cho tôi đi học, nuôi ước mơ thành cô giáo.

Tôi thi đỗ vào trường trung cấp sư phạm, ra trường và trở thành cô giáo. Đó là ngày vui nhất đối với gia đình tôi. Tôi thật hạnh phúc và thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi một gia đình dù nghèo nhưng tràn ngập tình yêu thương. Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên tôi đứng trên bục giảng, đứng trước những đứa trẻ ngây thơ, tôi rất bối rối. Rồi công viêc dần đi vào ổn định. Tôi được nhận tháng lương đầu tiên. Cầm trên tay khoản tiền đầu tiên kiếm được trong đời, tôi đã khóc vì hạnh phúc. Tôi đưa hết những đồng tiền này cho má, tuy ít ỏi nhưng đó là thành quả ăn học bao năm và đó cũng là biết bao giọt mồ hôi cực khổ của ba má, của anh chị em dành cho tôi. Tôi thấy mãn nguyện với công việc này. Hàng ngày tôi vẫn đi dạy học. Các em tôi đã lớn, biết phụ giúp bố mẹ, gia đình cũng bớt cực khổ.

Phạm nhân Huỳnh Thị Vân Khanh.

Vì mơ ước thoát nghèo, tôi đã làm hỏng cuộc đời mình

Từng trải qua tuổi thơ nghèo khổ, tôi luôn mơ ước một cuộc sống tươi sáng hơn, đầy đủ hơn. Nên tôi cố gắng nỗ lực phấn đấu làm việc và được đồng nghiệp tin tưởng. Từ một tổng phụ trách đội, kiêm Bí thư đoàn trường, tôi trở thành Phó Hiệu trưởng trường tiểu học của vùng quê nghèo khó Bà Điểm.

Tôi lập gia đình năm 1992, chồng tôi bán kem ở trường, khi đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống trở nên khó khăn kinh khủng. Những ngày nghỉ hè thất nghiệp, rồi con đau yếu, bệnh tật, vợ chồng tôi phải về ở nhờ gia đình chồng.

Nghèo túng dẫn đến cãi cọ rồi ly thân 5 năm trời. Năm 1997, thấy cảnh vợ chồng tôi cơm không lành, canh không ngọt, ba má tôi mua cho chúng tôi một căn nhà cấp bốn để vợ chồng con cái sống với nhau hạnh phúc. Tổ ấm của tôi bắt đầu được vun đắp và trở nên bình yên từ ngày đó. Hàng ngày công việc của tôi và chồng đều ở trường nhiều hơn ở nhà, tôi luôn dắt con theo bên cạnh, vừa dạy học, vừa trông con, dù có hơi cực nhọc nhưng vợ chồng tôi không cảm thấy nề hà. Đến khi con tôi tập làm quen với nét chữ đầu tiên, vợ chồng tôi vẫn công việc thường ngày và sống trong yên bình, hạnh phúc.

Khi con tôi bắt đầu lớn lên, tôi bắt đầu thường xuyên trăn trở về cuộc sống. Vợ chồng tôi phải cố gắng dành dụm, chắt chiu, nhưng cuộc sống nghèo khổ vẫn đeo bám chúng tôi. Chồng tôi giao tôi quản lý tiền bạc và lo mọi chi phí cơm gạo trong gia đình. Hàng ngày, tôi đi dạy học bằng chiếc xe đạp cũ kĩ. Khi đồng nghiệp mời đi ăn tiệc, tôi rất mặc cảm. Tôi luôn mơ ước cuộc sống khá giả hơn, để không ai khinh thường mình và chồng con có được cuộc sống đầy đủ hơn.

Một ngày, có người chỉ dẫn cho tôi vay tiền ngân hàng, rồi cho mượn lại với lãi suất cao để kiếm lời. Tôi đã làm theo và không ngờ rằng vì thế mà tôi mắc sai lầm để đến nỗi phải vướng vào vòng lao lý. Có tiền vay được, tôi lấy tiền sửa lại căn nhà cấp bốn thành một căn nhà khang trang, mua xe honda mới, sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà. Tiền lời kiếm được không đủ tiền đóng lãi suất ngân hàng, nên tôi lấy tiền mua bán hàng ngày và lương giáo viên bù đắp thêm cho đủ đóng lãi hàng tháng. Khi đó tôi chỉ thấy hạnh phúc, mãn nguyện về cuộc sống đầy đủ của mình khi thấy chồng con được ăn ngon, mặc đẹp, bớt khổ sở.

Nhưng tôi đã lầm. Tôi suy nghĩ quá đơn giản về cuộc sống hiện tại, còn thực tế lại không đơn giản như tôi nghĩ, mà luôn đầy rẫy khó khăn, cạm bẫy. Cuộc sống đầy đủ, ấm êm, hạnh phúc không được bao lâu thì tôi đã phải trả giá. Những người tôi cho mượn tiền gặp khó khăn, làm ăn thất bại, sự việc đã trở nên tồi tệ. Tôi hoàn toàn bế tắc, luôn ám ảnh bởi tiền bạc. Vì phải đóng lãi suất và trả vốn theo định kỳ ngân hàng nên tôi phải đi vay mượn khắp nơi để cứu vãn. Thời điểm đó, các ngân hàng mới thành lập tạo điều kiện cho giáo viên vay tiền để sửa chữa nhà, chăn nuôi và phát triển kinh tế. Dù điều kiện thỏa thuận dễ nhưng vẫn không giáo viên nào dám vay vì sợ thiếu nợ.

Đúng lúc đang túng quẫn, ngân hàng lại về trường đòi nợ thường xuyên, nên vì sĩ diện và danh dự, tôi đã tiếp tục sai lầm, sai lầm sau nghiêm trọng hơn sai lầm trước. Tận dụng chức vụ đang có, tôi câu kết với một số đối tượng làm giả hồ sơ, giả danh các giáo viên và công nhân của trường Tây Bắc Lân để vay tiền. Bằng cách người đứng tên vay tiền là thật, nhưng giấy tờ giáo viên và công nhân viên vay tiền là giả, tôi đã vay được một số tiền lớn của ngân hàng. Khi ngân hàng muốn bổ sung bất cứ thứ gì, tôi đều chủ động hoàn tất bằng hồ sơ giả. Tôi cắt dán, đem photo rồi giả chữ ký cô hiệu trưởng để ký vào hồ sơ.

Tiền vay được, tôi chi trả cho người vay giúp tôi theo thỏa thuận trước đó, rồi cố gắng lấy khoản tiền này bù đắp lại khoản tiền kia. Đúng là càng vay nhiều lại càng nợ nhiều. Khi cùng đường, sai lầm nối tiếp sai lầm, tôi mượn tiền nóng bên ngoài để trả ngân hàng, điệp khúc vay chỗ này đập chỗ kia cứ thế lặp đi lặp lại. Quá túng quẫn, tôi lại tiếp tục làm giả hồ sơ giáo viên để vay thêm tiền, trong số nạn nhân của tôi có cả chị chồng tôi. Chỉ trong một thời gian mà tôi đã thực hiện 89 vụ làm giả tài liệu của trường Tây Bắc Lân để vay 8 ngân hàng. Khi mọi việc đã quá tồi tệ rồi, tôi thường xuyên trải qua những ngày tháng sống trong lo âu, hoảng loạn. Tôi mất ăn mất ngủ và tiếp tục trượt dài trong những sai lầm cho đến ngày sự việc bị vỡ lở vào cuối năm 2003.

Khi mọi việc đổ bể, tôi trốn lên huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai sinh sống lay lắt giữa khu vùng núi này rồi lại trốn về quận Tân Phú làm thuê làm mướn đủ việc từ cắt ớt, xay tỏi đến buôn bán ngoài chợ. Khi đêm về, giữa căn phòng trọ quạnh hiu, hầu như ngày nào tôi cũng khóc. Tôi rất đau khổ và ân hận về việc làm của mình. Nỗi nhớ chồng con, nhớ học trò, nhớ gia đình khiến tôi quay quắt. Nhưng đã quá muộn, tôi đã không thể quay lại những năm tháng yên bình trước đây.

Tôi đang sống và học cách quên đi những sân si trong lòng

Ngày tôi trốn nợ, trong nhà chỉ có mấy trăm nghìn đồng. Tôi chỉ kịp hôn đứa con gái yêu, để lại 50 nghìn đồng ăn sáng rồi bỏ đi. Chồng con tôi không hề hay biết những việc tôi đã làm nên khi chồng tôi biết được mọi chuyện, anh ấy đã giận tôi vô cùng, anh ấy đem lòng thù hận tôi, tìm tôi khắp nơi. Vì tôi đã gây ra cho anh ấy không chỉ sự nhục nhã mà còn biết bao ảnh hưởng khác. Tôi làm những việc lừa dối giáo viên trong trường, chồng tôi đã không còn được buôn bán ở trường nữa. Con tôi đến trường bị bạn bè xa lánh, học hành sa sút. Gia đình tôi sụp đổ hoàn toàn.

Tháng 5 năm 2004, tôi được gia đình đưa ra đầu thú tại Công an thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày đầu sống trong trại giam Chí Hòa, tôi hoảng loạn, đau khổ tột cùng và lo sợ đủ thứ. Dù tôi đã vào tù để trả giá cho lỗi lầm của bản thân, nhưng bên ngoài xã hội kia, người thân của tôi phải chịu bao nỗi nhục, nỗi oan vì tôi. Gia đình chồng tôi chì chiết ba má tôi, cho rằng ba má tôi đã xúi giục tôi làm chuyện bậy và cắt đứt mối quan hệ với tôi. Họ bắt con tôi không được về bên ngoại, không cho nhắc đến tên tôi và không cho đi thăm tôi. Có giáo viên trường tôi cầm chai thuốc rầy đến nhà tôi tự tử vì ngân hàng liên tục đến nhà đòi nợ. Ba má tôi không chịu được nên đổ bệnh, mỗi người nằm một chỗ.

Những ngày nằm trong trại giam Chí Hòa, tôi luôn muốn cầu trời cho ba tôi được mạnh khỏe, gia đình tôi được bình an. Tôi đã khóc hết nước mắt, đã nhiều lần tìm đến cái chết nhưng không thành. Những lời động viên, an ủi của cán bộ, của chị em trong buồng giam đã an ủi, động viên tôi. Tôi phải sống vì ba má tôi, vì con tôi, vì người thân của tôi.

Hơn ai hết, tôi đã trải qua và đã thấm thía luật Nhân - Quả ở đời. Tôi đã hủy diệt hạnh phúc của mình để giờ phải nhận lấy kết cục cay đắng này. Giá như tôi tỉnh táo hơn trước những cám dỗ của đồng tiền thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Tôi bị tuyên án 21 năm tù giam khi 37 tuổi. Tôi xấu hổ với chính bản thân mình vì hành động và việc làm của tôi đã không xứng với danh hiệu "nhà giáo" mà xã hội đã tin tưởng giao cho tôi.

Thời gian đầu ở Trại giam Xuân Lộc, tôi rất tủi thân. Tôi làm việc chậm chạp và thường xuyên khiến đội bị ảnh hưởng về năng suất lao động. Các chị em phạm nhân trong đội lại phải xúm vào làm giúp tôi mỗi người một chút. Những lúc đó có người giận, mắng tôi: "Cô giáo không lo dạy học mà lại đi lừa đảo" khiến tôi ứa nước mắt.

Những bài thơ thể hiện khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời của Huỳnh Thị Vân Khanh.

Nhưng tôi luôn động viên mình rằng còn có nhiều phạm nhân có hoàn cảnh khổ hơn mình nhiều, như phạm nhân Trần Thị Kim Anh quê ở Hải Phòng, thụ án chung thân về tội giết người, mồ côi cha mẹ, không một người thân thăm gặp. Vậy mà cô ấy vẫn luôn đặt niềm tin vào ngày mai, dù có muộn màng. Cô ấy nói với tôi dù ngày trở về tóc đã pha sương, tuổi đã xế chiều, nhưng cô ấy vẫn muốn thực hiện tâm nguyện cuối cùng là được trở về quê xưa thắp hương cho mẹ. Kim Anh thường động viên tôi phải dùng nghị lực của mình để vượt qua vấp ngã và vượt qua chính mình.

Với sự động viên của những chị em đồng phạm, tôi tiến bộ rất nhanh, xóa bỏ dần những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Hàng ngày, tôi lao vào công việc lao động, cố gắng cải tạo tốt để trở thành người có ích, xóa bỏ tội lỗi đã gây ra. Tôi luôn chấp hành nội quy trại giam, tự giác lao động, sống hòa đồng, thân thiết với chị em phạm nhân. Tôi được mọi người thương mến và gọi là cô giáo. Vào đến nơi này, vẫn đươc gọi bằng cái tên thân thương ấy, tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

Tháng 12 năm 2009, được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, tôi được phạm nhân tín nhiệm bầu làm thường trực Ban Tự quản. Công việc của tôi là làm sổ sách, tổng hợp thi đua, phát thanh bản tin mỗi chiều và nhiều công việc khác. Hơn 7 năm tù đã trôi qua, nhìn lại và trải nghiệm, tôi đã nhận ra rằng những ngày tháng khổ nhục đã qua là do chính tôi gây ra, không thể đổ thừa cho số phận. Tôi phải cố gắng hết sức để cải tạo, hy vọng sớm được trở về với gia đình.

Gia đình tôi đã vị tha với tôi. Cứ vài ba tháng, người thân của tôi lại lên thăm tôi một lần, động viên tôi phấn đấu cải tạo. Năm ngoái ba tôi mất, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ba tôi trăn trối lại ông đã tha thứ cho tôi và kêu anh chị em hãy cố gắng chăm lo cho tôi đến ngày hết án, động viên tôi cải tạo tốt. Khi nghe tin ba mất, tôi khóc hết nước mắt. Nhưng khi thấy má từ Hóc Môn lặn lội lên thăm, dáng người gầy yếu, tóc bạc trắng, tôi đã cố nuốt ngược nước mắt để không làm má đau lòng. Hình ảnh má càng làm tôi cố gắng cải tạo để trở về chuộc lại lỗi lầm với má.

Những đêm về trong trại giam, đối diện với bóng tối và bốn bức tường, đầu óc tôi vẫn không ngơi nghĩ đến chồng con. Suốt 7 năm qua, chưa một lần chồng tôi đưa con lên thăm tôi. Tôi hiểu và tôi không oán trách, vì đó là lỗi của tôi. Ở nơi đây, tỉnh dậy sau những cơn mơ, tôi thường mơ thấy hình ảnh đứa con gái ốm yếu đi học về không ai đưa đón. Tôi đã đi một phần ba thời gian chấp hành bản án, nhưng tôi không dám mơ mộng đến việc mình sẽ được xét đặc xá, vì tôi không biết làm cách nào để thi hành số hình phạt bổ sung với hơn 700 triệu đồng. 21 năm tù là cái giá phải trả, nhưng tôi luôn ấp ủ và hy vọng sự khoan hồng, vị tha của pháp luật để sớm đến ngày được tự do, trở về với gia đình, xã hội. Tôi sẽ cố gắng làm ăn lương thiện để có cơ hội bù đắp lại cho những nạn nhân của mình.

Tôi nhận ra một điều, muốn người khác trân trọng mình, thì trước hết phat biết trân trọng chính bản thân mình. Mọi thứ mất đi đều có thể lấy lại được, trừ danh dự. Giờ đây sóng gió đã đi qua, gia đình tôi đã trở lại cuộc sống bình thường, tôi hoàn toàn yên tâm cải tạo. May mắn cho tôi là môi trường cải tạo tại trại giam Xuân Lộc rất tốt. Tôi được điện thoại liên lạc với gia đình và thăm gặp một tháng một lần. Chiều thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi được hát karaoke, được xem phim. Ở đây chúng tôi còn có nhà may, còn có nơi làm đẹp cho phụ nữ. Người nhà tôi khi nghe tôi kể về cuộc sống ở đây đã vô cùng ngạc nhiên thốt lên: "Cuộc sống trong tù như thế thì đầy đủ quá".

Ở trong trại giam, tôi lấy công việc làm vui, tôi lưu giữ một lời chúc Tết của một phạm nhân trong trại: "Chúc chị giữ mãi màu đỏ trên cánh tay của chị..." để mỗi lần hết một ngày khi tự kiểm những việc làm trong ngày, tôi thấy sai điều gì sẽ tự sửa ngay điều đó. Bác Hồ từng nói: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu thì mất dần đi...". Giờ tôi đã đứng lên rất mạnh mẽ, quyết tâm chuộc lại lỗi lầm bằng ý chí của mình. Tôi từ bỏ mọi ý nghĩ chán đời, buông xuôi, tôi chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp.

Hôm nay tôi kể ra câu chuyện về bước ngoặt sai lầm về cuộc đời của mình, không phải để biện minh tội lỗi mình gây ra. Lòng tôi được thanh thản, nhẹ nhàng, vì tôi đã viết lên tất cả sự thật, đã tự tin đối diện với thực tế. Tôi đã và đang học cách từ bỏ đi những sân si trong lòng mình, đặt niềm tin vào cuộc sống, tin vào ngày mai tươi sáng...

Huỳnh Thị Vân Khanh

(Phạm nhân phân trại số 5, Trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai)