Hội sách Hà Nội 2016:

Cơ hội "vàng" quảng bá sách Việt ra thế giới

ANTD.VN - Việc rất nhiều thương hiệu sách và đối tác trong ngành xuất bản từ nhiều quốc gia trên thế giới lần đầu tiên tham gia Hội sách Hà Nội 2016 giúp cho độc giả Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với các đầu sách ngoại văn có bản quyền - vốn có thị phần khá ít ỏi hiện nay, đồng thời cũng mở ra những “cơ hội vàng” để quảng bá sách Việt tới thế giới. 

Sách ngoại văn có bản quyền đang đến gần hơn với độc giả Việt Nam

Mở đường cho sách ngoại văn

Điểm nổi bật nhất trong Hội sách Hà Nội, được tổ chức từ ngày 6 đến 10-10 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đó là sự góp mặt của 20 nhà xuất bản, tập đoàn xuất bản uy tín đến từ 13 quốc gia trên thế giới.

Từ những thương hiệu sách nổi tiếng ở châu Âu như Cambridge, Oxford (Anh), Copperath (Đức), Glanat (Pháp), Susseaeta (Tây Ban Nha), Graph-Art (Hungary) cho đến các đơn vị xuất bản lớn của châu Á như Japan UNI Agency, Frobel- kan (Nhật Bản), Zikrrul (Indonesia), Kyowon (Hàn Quốc)…  đều được quảng bá tại hội sách.

Nếu như trước đây, sách ngoại văn tồn tại trên thị trường sách Việt Nam nổi bật nhất vẫn là dòng sách ngoại ngữ, thì tại hội sách lần này có sự xuất hiện của khá nhiều dòng sách khác như sách văn học, sách kỹ năng sống, sách giáo dục, sách văn hóa… 

Bà Trần Thị Nga, giám đốc thương hiệu của Công ty truyền thông Con Sóc (Squirrel         Communication Co.SCC), đơn vị đại diện bản quyền của các thương hiệu quốc tế tham gia hội sách năm nay cho hay, chỉ tính riêng trong năm 2015, công ty này đã đưa về Việt Nam khoảng 2.000 đầu sách có bản quyền.

Hoạt động trong lĩnh vực bản quyền gần 30 năm, bà Trần Thị Nga nhận định, dòng sách khoa học, giáo dục, văn học sẽ là những dòng sách chủ đạo nhận được sự quan tâm hơn cả của độc giả tại Hội sách. 

Tuy nhiên, cũng theo bà Nga, một trong những rào cản để sách ngoại văn tiếp cận với thị trường Việt Nam nói chung và các Hội sách nói riêng đó chính là giá sách còn tương đối cao so với năng lực đáp ứng từ phía những đơn vị xuất bản trong nước cũng như khả năng chi trả của người mua sách.

“Chẳng hạn với các đối tác của Nhật Bản, họ thường niêm yết cố định giá bán lẻ là bao nhiêu thì họ mới bán bản quyền. Nhưng thị trường Việt Nam lại không đáp ứng được. Bởi vậy, nhiều nhà xuất bản có thể làm bìa sách đẹp, chất lượng giấy tốt để bán với giá cao nhưng bên cạnh đó có phân khúc thấp hơn để nhiều độc giả cũng có thể sở hữu được sách” - bà Trần Thị Nga cho biết. 

Tín hiệu tích cực

Độc giả ngày càng mua và đọc nhiều sách ngoại văn tại hội sách là tín hiệu tích cực của ngành xuất bản trong xu hướng hội nhập nhanh chóng hiện nay. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, làm thế nào để từ hội sách có thể giới thiệu những đầu sách Việt đến những nhà chuyên môn, các đối tác xuất bản trên thế giới là một câu chuyện khác.

Nhận định về điều này, bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) - một trong những hội chợ sách lớn nhất thế giới nhận định, “Việt Nam đang dịch rất nhiều sách của nước ngoài, nhưng có vẻ như các tác giả Việt Nam phải cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ Chính phủ để có thể đẩy mạnh hơn việc quảng bá sách ra thị trường quốc tế”. 

Bà Claudia cho biết, nước Đức đã và đang áp dụng chính sách ưu tiên về thuế cho ngành xuất bản khi sách chỉ chịu mức thuế rất nhỏ so với các mặt hàng khác. Ngoài ra, hàng năm Chính phủ nước này dành ra nguồn kinh phí nhất định để tổ chức những chương trình đưa văn hóa đọc ra ngoài biên giới nước Đức như các hội thảo, hội nghị, các chuyến đi giới thiệu sách.

Quan trọng hơn, nước Đức thành lập một quỹ riêng để hỗ trợ việc chuyển ngữ sách bằng tiếng Đức ra các ngôn ngữ khác và Viện Goethe của Đức, với văn phòng đại diện trên 100 quốc gia đang là cầu nối hiệu quả thực hiện sứ mệnh đưa những tác phẩm của Đức ra thế giới. 

Nhận định vai trò quảng bá sách Việt ra thị trường thế giới của hội sách, bà Claudia cho hay: “Tôi nhận thấy rằng Hội sách ở Hà Nội được tổ chức khá tốt với sự tham gia của rất đông các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Mô hình phố sách là điểm khá đặc biệt so với thế giới, chứng tỏ sự quan tâm của Hà Nội đối với việc phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị xuất bản Việt Nam có mặt trong những hội chợ sách quốc tế. Tôi cho rằng, chỉ có tham dự những sân chơi như vậy, sách Việt Nam mới được độc giả thế giới biết đến nhiều hơn”.