Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” sẽ được trình Chính phủ phê duyệt. Nếu đề án được thông qua, hàng nghìn cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Nâng cao chất lượng nguồn lực là yếu tố quan trọng để mở rộng thị trường
Tiếp cận thị trường tiềm năng
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố, tính đến quý III-2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp. Trong số đó có trên 200.000 lao động có trình độ cử nhân, thạc sỹ. Bộ LĐ-TB&XH dự báo, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong thời gian qua, xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết số lượng lớn việc làm cho lao động phổ thông, lao động có trình độ chuyên môn thấp. Do đó, việc hướng đến xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật được kỳ vọng sẽ giúp có thêm cơ hội việc làm cho người thất nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, mục tiêu của đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, tìm hướng giải quyết việc làm cho số lao động đã qua đào tạo đang thất nghiệp hoặc chưa có việc làm ổn định. Đây là hướng đi mới, không chỉ đem lại cơ hội việc làm mà còn góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nhiều nước trong và ngoài khu vực đang cần nguồn lao động chất lượng cao và có chính sách khuyến khích tiếp nhận. Tuy nhiên, đề án cũng đặt rõ mục tiêu thương thảo với các đối tác, dựa trên nhu cầu sẽ mở từng thị trường chứ không thể mở đồng loạt.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ định hướng đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức. Lao động trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Đối với lao động trong lĩnh vực cơ khí có thể sang làm việc tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông. Lao động trong ngành đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi lao động tại Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Bán rẻ chưa chắc đắt khách
Đề án xuất khẩu lao động chất lượng cao được xây dựng với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả lớn, tăng thêm cơ hội việc làm tại các thị trường tốt, thu nhập cao. Tuy nhiên, khi bàn đến câu chuyện nếu được triển khai, đề án sẽ tạo việc làm cho 200.000 cử nhân cao đẳng, đại học đang thất nghiệp nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tỏ ra khá băn khoăn.
Mỗi năm, số lượng điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản, Đức chỉ khoảng 300-400 người. Số lao động có trình độ cao, có chứng chỉ quốc tế làm việc ở các công ty nước ngoài cũng rất ít. Vậy thì làm thế nào để đưa được nhóm lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài?
Theo đánh giá của các chuyên gia nhân sự quốc tế, nhìn chung lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng, nên nếu muốn xuất khẩu lao động chất lượng cao thì cần tăng cường đào tạo các kỹ năng này
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng, khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế, chúng ta không thể nói chúng ta có gì mà phải xem thị trường đó cần gì. Đối với những thị trường phái cử được lao động chất lượng cao, các doanh nghiệp phải đánh giá được khả năng đáp ứng về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức độ nào. Do đó, nếu chỉ dựa vào con số 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng đang dư thừa ở Việt Nam, không ai có thể khẳng định, sẽ xuất khẩu được nguồn lao động chất lượng cao này.
Khách quan mà nói, rõ ràng 200.000 cử nhân đang thất nghiệp là con số rất lớn, song không phải bằng cấp luôn tỷ lệ thuận với trình độ chuyên môn. Chưa kể, dù có hơn 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp nhưng lại không có con số thống kê chính thức về từng nhóm đối tượng, ngành nghề đào tạo cụ thể. Để sàng lọc được những người có năng lực nằm trong số lao động có “chất xám” đáp ứng được yêu cầu của thị trường tuyển dụng nước ngoài lại là câu chuyện khác. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia nhân sự quốc tế, nhìn chung lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng, nên nếu muốn xuất khẩu lao động chất lượng cao thì cần tăng cường đào tạo các kỹ năng này.
Phương trình nhiều ẩn số
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ phê duyệt. Những năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc. Mặc dù vậy, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn khá hạn chế.
Đề cập đến tính khả thi của dự án, các chuyên gia lao động cho rằng, nếu được triển khai thì đề án sẽ mang lại hiệu quả lớn cho hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Cơ hội rộng mở, nhưng để tiếp cận được với các thị trường tiếp nhận nguồn lao động chất lượng cao vẫn là bài toán còn nhiều ẩn số. Người lao động ngoài sức khỏe, cần phải có trình độ chuyên môn tương đương với kỳ vọng của các thị trường. Do đó, nâng cao chất lượng lao động được xem làm yếu tố then chốt để hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển bền vững.
Tương tự như lao động phổ thông, vấn đề cần lưu ý đối với lao động đã qua đào tạo đại học, cao đẳng muốn tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động này cần phải được bồi dưỡng về ngoại ngữ, văn hóa ứng xử, tay nghề hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận lao động.
Theo ông Phạm Viết Hương, dù lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng đều trong 3 năm nay, song các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng lao động. Do đó, muốn triển khai đề án, trước mắt phải có những nghiên cứu chính xác, đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động các nước. Sau đó, phải xem xét, đánh giá nguồn cung nhân lực của Việt Nam để có cơ sở dữ liệu thực hiện. Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiến hành rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn; lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia, doanh nghiệp, tiến hành xây dựng đề án.
Song với việc xây dựng đề án, Cục cũng tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới ký Hiệp định hợp tác lao động với Rumani, Singapore; Hiệp định về bảo hiểm xã hội với CHLB Đức và Hàn Quốc; Hiệp định về tuyển dụng có tổ chức công dân Việt Nam sang làm việc trên lãnh thổ Liên bang Nga; Thỏa thuận về hợp tác lao động với Đài Loan (Trung Quốc), Isarel, Algieri; Thỏa thuận hợp tác phái cử tiếp nhận thực tập sinh theo Luật Bảo hộ thực tập sinh và triển khai chương trình thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đúng quy định với Nhật Bản.