Chuyện về một chiếc bè vượt Thái Bình Dương

(ANTĐ) - Trong Hải trình Kon-Tiki (chiếc bè mang tên vị Vua Mặt Trời trong truyền thuyết của người da đỏ Nam Mỹ), Heyerdahl trước hết tìm cách chứng minh thuyết của ông rằng chính người da đỏ Nam Mỹ đã vượt đại dương đến sinh cơ lập nghiệp trên các đảo Thái Bình Dương.

Chuyện về một chiếc bè vượt Thái Bình Dương

(ANTĐ) - Trong Hải trình Kon-Tiki (chiếc bè mang tên vị Vua Mặt Trời trong truyền thuyết của người da đỏ Nam Mỹ), Heyerdahl trước hết tìm cách chứng minh thuyết của ông rằng chính người da đỏ Nam Mỹ đã vượt đại dương đến sinh cơ lập nghiệp trên các đảo Thái Bình Dương.

Năm 1947, để chứng minh cho giả thuyết về người Anh-điêng châu Mỹ ở Thái Bình Dương vốn không được công nhận, nhà thám hiểm người Na Uy Thor Heyerdahl cùng 5 cộng sự đã tự đóng bè gỗ vượt  hơn 4.300 dặm đường biển trong 102 ngày. Chuyến đi có tính chất lịch sử này đã được ghi lại trong Hải trình Kon-Tiki, cuốn sách ngay lập tức trở thành best-seller và được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới. 

Tác giả Heyerdahl thuật lại quá trình chuẩn bị lâu dài cho chuyến đi, từ tìm trang bị, lương thực, tài trợ…đến vào tận rừng già Ecuador tìm cây balsa để đóng bè “kích thước y hệt bè của người da đỏ” xưa mà ông đã tra cứu trong thư viện: loại bè chỉ dùng gỗ cây balsa, buộc bằng lạt tre, nứa, hoàn toàn không dùng một sợi cáp sắt nào, bất chấp mọi cản ngăn của các chuyên gia rằng chiếc bè sẽ “không chịu quá một tuần lẽ hay một cơn bão.”

Thor Heyerdahl cùng cộng sự phải trải qua nhiều khó khăn hòng có được nguồn tài chính và trang thiết bị đặc biệt của Quân Đội Mỹ để chuẩn bị cho chuyến đi. Điều thú vị không chỉ bắt đầu khi Kon-Tiki rời bến cảng mà nằm ngay chính trong hành trình tìm kiếm cây gỗ balsa, hành trình đã hé lộ nhiều bí mật hoang sơ về thổ dân và thiên nhiên vùng rừng núi Andes ở Ecuador. Để tìm được nơi đóng bè Kon-Tiki, Thor Heyerdahl phải thuyết phục Tổng thống Peru và các cơ quan chức trách, như Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng ...  Khao khát khám phá và niềm tin mãnh liệt vào giả thuyết đã  đưa chiếc bè đã rời Lima vào ngày 28/04/1947 trong sự háo hức của công chúng và báo giới với nhiều dự đoán khác nhau về số phận của Kon-Tiki cùng thủy thủ đoàn.

Lôi cuốn bởi giọng kể dí dỏm, dẫn dắt bởi những hình ảnh minh họa có tính chất tư liệu, đáng chú ý bởi những chi tiết được ghi chép tỉ mỉ, nhưng có lẽ điều khiến Hải Trình Kon-Tiki có sức hút và sức sống bền bỉ đến vậy: đó là cuốn sách đã trở  thành hiện thân sống động cho khát vọng lên đường và khám phá của con người mọi thời đại.

Gia Bách