Chuyện vặt ở chung cư

ANTD.VN - Chung cư không phải là một dạng thức công trình xây dựng, nó là một phương thức sống mới, mà trong đó, đòi hỏi người ta phải tuân thủ nhiều nguyên tắc mới. Những nhịp điệu mới trong cả lối suy nghĩ lẫn hành xử 

Ở nhiều nơi, chung cư vẫn chỉ là một dạng công trình mới chứa đựng thói quen sống cũ. Ảnh: ĐỨC HẠNH 

Một ngày, giữa hành lang khu chung cư “cao cấp” dưới đường Tố Hữu, người ta phát hiện một dị vật màu trắng. Nó bị ném xuống từ một gia đình nào đó ở phía trên giếng trời. Dị vật rất đáng sợ: tất cả mọi người đều nói về nó, với một giọng bức xúc pha kinh hãi, nhưng không một ai dám tiến gần để chụp ảnh. Bức ảnh được đăng trên nhóm facebook của khu chung cư, được chụp từ rất xa.

Đó là một chiếc băng vệ sinh đã qua sử dụng. Chuyện không phải bịa, thậm chí rất dễ tưởng tượng. Bởi nó chỉ là cao trào của một lối sống không hiếm ở các khu chung cư tại Hà Nội bây giờ. Sự tùy tiện theo lối cũ.

Xả rác bừa bãi chỉ là một thói quen “vặt” của dân đô thị và nó xuất hiện ở khắp nơi. Nhưng khi thói quen ấy được đưa vào một môi trường khép kín như các chung cư và khu đô thị mới, thì sự khó chịu mà nó tạo ra tăng lên nhiều lần. 

Còn nhiều dạng thức khác của sự tùy tiện. Dưới hầm để xe, dân chung cư đối mặt với một vấn đề nan giải mà họ chưa gặp thời còn ở nhà riêng. Bản thân tác giả đã từng mất 3 chiếc mũ bảo hiểm trong vòng một tháng. Các bà nội trợ giờ tan tầm, vốn đã ba đầu sáu tay, một tay cầm rau củ thịt cá, một tay cầm túi xách của mình, tay kia xách cặp cho con, giờ lại phải xách nốt cái mũ bảo hiểm yêu dấu lên 30 tầng cho chắc. Gài vào trong cốp xe có khi vẫn mất.

Những nhà có xe hơi thì nơm nớp lo sợ, khi một ngày, nhà nọ phát hiện chiếc xe của mình mới được ai đó chạm trổ bằng chìa khóa một con “bạch long chầu nguyệt” dài suốt dọc thân xe. Một sự nghịch ngợm, hay ác ý? Hàng xóm ghét nhau? Không ai biết. Camera an ninh không ghi được hết mọi góc của tầng hầm.

Thang máy của khu chung cư ấy, thì đầy những dòng rao vặt được viết bằng bút dạ hoặc được dán lên. Có một nghịch lý là khu chung cư càng mới, càng tinh tươm thì thang máy sẽ càng có nguy cơ bị viết bậy: các vị tiểu thương hiểu rằng các dân cư mới sẽ là thị trường tiềm năng của mình. Từ giấy dán tường, kệ bếp, lắp bàn thờ, kính nhà tắm... cho đến cả dịch vụ mát-xa thư giãn. 

Bảo vệ rất quyết liệt. “Tao vừa đấm một thằng hộc máu mồm” - một ngày, tôi xuống tầng hầm và thấy ông bảo vệ đang hung hăng kể chuyện. Tay ấy chỉ trót dán tờ rao vặt lên thang máy thôi, nhưng bởi vì ông bảo vệ đã chịu quá nhiều ức chế với cái hành vi nhỏ nhặt ấy rồi và đến lúc bạo lực lên tiếng.

Chung cư không phải là một dạng thức công trình xây dựng, nó là một phương thức sống mới, mà trong đó, đòi hỏi người ta phải tuân thủ nhiều nguyên tắc mới. Những nhịp điệu mới trong cả lối suy nghĩ lẫn hành xử. Nó khác hẳn so với những khu tập thể 5 tầng của ngày xưa.

Ở đây số người sống trong cùng một tòa nhà, sử dụng cùng một cái thang máy, một sảnh và giếng trời bằng dân cư của cả một phường. Và sự chuyển dịch đột ngột, ồ ạt của nhiều cư dân cũ vào một lối sống mới, chỉ trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, tạo ra những xung đột.

Cái chung vẫn chưa lên ngôi. Người ta vẫn quen nghĩ về bản thân mình. Cái nút đóng cửa thang máy là một ví dụ nhỏ, nhưng kinh điển: nó thường xuyên bị bạo hành. Ai bước được vào thang máy rồi cũng nhanh tay nhấn nút đóng cửa, cho nó nhanh. Đang vội mà. Tiết kiệm được tận 3 giây chứ không phải ít ỏi gì.

Thế là nhiều người đi sau tẽn tò. Thậm chí, có lúc trẻ con còn bị kẹp vì chỉ đi sau vài bước nhưng cái ông trong thang nghiến ngấu nhấn nút đóng cửa. Họ không nghĩ cái hành động rất nhỏ ấy, tưởng rất đỗi bình thường ấy, thật ra là ăn cắp quyền của người khác.

Tất nhiên, những chủ đầu tư, vốn đang rao bán một phương thức sống mới, một cuộc đời mới trong những khu chung cư “cao cấp” của họ sẽ tìm ra đủ mọi nguyên tắc để đảm bảo cái sự “văn minh” mà họ quảng cáo. Nhưng nếu người ta muốn ném một chiếc băng vệ sinh đã qua sử dụng qua cửa sổ nhà mình rơi xuống giếng trời thì cũng chẳng lực lượng bảo vệ nào đỡ nổi. Có quy chế phạt thì cũng chẳng tìm ra được ai, ở tầng nào, đã phóng dị vật xuống.

Thậm chí thành phố, sau những áp lực và kêu than về việc người dân Hà Nội sử dụng nhà chung cư như sử dụng giếng làng, đun cả bếp than tổ ong ngoài hành lang, đã ban hành một quy chế cho việc sử dụng chung cư vào năm 2013. Nhưng thiết chế thì không thể thay thế được ý thức con người. Làm gì có quy định nào chi tiết được đến cái mức cấm người ta bấm nút đóng cửa thang máy khi thời gian chờ vẫn còn?

Có lẽ chỉ biết chờ thời gian, để một thế hệ sau, cái thế hệ không được nuôi nấng bằng những phương thức cũ, thì chung cư mới thực sự trở thành không gian sống mới. Bây giờ, nhiều nơi, nó vẫn chỉ là một dạng công trình mới chứa đựng thói quen sống cũ. 

Tác giả Đức Hoàng