Chuyển từ bao cấp sang tự chủ: Các nhà hát công lập đau đầu tìm kế sinh nhai

ANTD.VN - Theo lộ trình, đến năm 2020, tức là chỉ còn 1 năm nữa, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà hát dù khó khăn hay thuận lợi đều đã bắt nhịp với xu thế mới để “trở mình”vượt khó…

Đau đầu nghĩ kế sinh nhai

Từ năm 2016, toàn bộ 12 nhà hát thuộc quản lý của Bộ đã bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính. Trong đó có 2 đơn vị tự chủ 100% là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam.

10 đơn vị khác được giao tự chủ từ 30% đến 60% là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Dân gian Việt Bắc, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2020, 12 tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập trực thuộc Bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Vở cải lương xã hội hóa "Chuyện tình Khâu Vai" của Nhà hát Cải lương VN

Trong số các đơn vị này, các nhà hát nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương gặp nhiều khó khăn hơn cả trong lộ trình tiến tới tự chủ. Đó là nhiệm vụ vừa bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống của cha ông vừa phải biết "tự bơi" nền kinh tế thị trường mênh mông sóng gió. Đặc biệt, Nhà hát Cải lương Việt Nam còn không có sân khấu biểu diễn. Mỗi tác phẩm muốn công diễn phải đi thuê rạp. Tiền bán vé phải chi dùng vào việc thuê địa điểm, chưa kể còn trả lương, thù lao cho diễn viên và nhiều khoản khác.

Có thể nói, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp muôn vàn khó khăn để có thể tự chủ tài chính. Nhà nước rút dần bao cấp, đầu tư theo cơ chế đặt hàng tác phẩm. Nhưng muốn có tác phẩm tốt thì phải có kịch bản hay. Trong khi ấy, cả nước hiện chỉ có vài tác giả viết kịch bản tuồng, với cải lương hay chèo, số tác giả cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến khi có kịch bản, việc dàn dựng ra một vở diễn lại rất công phu; rồi bán vé để tự chủ thu chi tài chính cũng là nỗi đau đầu của các nhà hát.

Cái khó ló cái khôn

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, có đêm diễn, nhà hát chỉ bán được vài vé nhưng đêm diễn ấy vẫn diễn ra bình thường với đầy đủ các bước tuần tự và các chi phí để rạp hát sáng đèn. Việc bù lỗ cho những đêm diễn như thế là không thể tránh khỏi. Nếu chỉ trông chờ vào doanh thu biểu diễn sẽ càng đẩy các nhà hát truyền thống vào cơn bĩ cực. Chính vì những khó khăn như thế nên không ít người cho rằng, cơ chế tự chủ có khả năng biến các nhà hát có thâm niên trên nửa thế kỷ thành một gánh hát phải cắt giảm tối đa nhân lực, đồng nghĩa với việc đẩy các nghệ sĩ ra đường.

Thế nhưng, “trong cái khó ló cái khôn”, quá trình tự chủ không phải đẩy tất cả các nhà hát xuống vực thẳm mà lại mở ra những cơ hội phát triển nhất định. Bởi khi đã tự chủ về tài chính, về nhân sự, lãnh đạo các nhà hát sẽ có cơ hội tuyển dụng được người tài về với đơn vị của mình với những ưu đãi đặc biệt. Chưa kể, với cơ chế tự chủ, phương thức xã hội hóa sẽ được sử dụng tối đa nhằm mang lại cho các nghệ sỹ đời sống ấm no.

Nhà hát Tuổi trẻ ký kết được nhiều hợp đồng biểu diễn bằng phương thức xã hội hóa

Nhà hát Tuổi trẻ đã ký kết được nhiều hợp đồng biểu diễn mới bằng phương thức xã hội hóa, với nguồn kinh phí vài tỷ đồng mỗi năm. Nhà hát Cải lương Việt Nam bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã công diễn nhiều vở hợp tác công - tư  như: “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khau Vai”… với hàng trăm đêm diễn rộng rãi ở nhiều địa phương… Nhà hát Tuồng Việt Nam đã liên kết với các công ty du lịch mở tour biểu diễn nghệ thuật định kỳ tại rạp Hồng Hà và thu về nguồn kinh phí không hề nhỏ.

Việc áp dụng lộ trình xã hội hóa cũng đã tạo cơ hội cho Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam có những biện pháp chủ động trong việc tiếp thị sản phẩm nghệ thuật đến với khán giả, đồng thời kêu gọi tài trợ, xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Một số nhà hát đã có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ngoài ngành, tổ chức được hàng trăm đêm diễn, tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của công chúng yêu sân khấu.

Cuộc “trở mình” của các nhà hát trong lộ trình tiến tới tự chủ sẽ còn nhiều điều để bàn như chất lượng nghệ thuật, định hướng sáng tác, bản sắc văn hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống… Thế nhưng, rõ ràng, việc chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp được bao cấp sang mô hình tự chủ hoàn toàn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để mỗi đơn vị nghệ thuật công lập có thể phát huy hết nội lực của mình. Tuy còn nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng hầu hết các tổ chức nghệ thuật công lập đã và đang dần thích nghi với sự thay đổi.