Chuyến du hành khám phá quá khứ qua bảo tàng “ảo” (Bài cuối): Kéo tác phẩm mỹ thuật đến gần công chúng và tạo thói quen mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi bỏ tiền, bỏ của và bỏ cả công sức để xây dựng bảo tàng “ảo” 3D, liệu các đơn vị có thu được nguồn kinh phí trực tiếp từ những ứng dụng do công nghệ mang lại?
Tùy vào từng hoàn cảnh, các bảo tàng có thể lựa chọn việc áp dụng công nghệ trong hoạt động thực tế. Bởi cái cốt lõi trong hoạt động bảo tàng là nội dung trưng bày sao cho hấp dẫn (Ảnh: Tác phẩm “Lốc xoáy” cao tới 4,5m được ráp nối từ hàng trăm vật liệu nhựa đã qua sử dụng tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA)

Tùy vào từng hoàn cảnh, các bảo tàng có thể lựa chọn việc áp dụng công nghệ trong hoạt động thực tế. Bởi cái cốt lõi trong hoạt động bảo tàng là nội dung trưng bày sao cho hấp dẫn (Ảnh: Tác phẩm “Lốc xoáy” cao tới 4,5m được ráp nối từ hàng trăm vật liệu nhựa đã qua sử dụng tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA)

Thu phí khai thác trực tuyến từ bảo tàng “ảo” - tại sao không?

Câu hỏi này chẳng khó vì sẽ lập tức được lãnh đạo các bảo tàng trả lời rằng: Không thể hy vọng nguồn kinh phí trực tiếp từ xây dựng bảo tàng “ảo” bởi các ứng dụng này khi đưa lên website đều hoàn toàn miễn phí. Muốn thu được phí của du khách từ trưng bày trực tuyến cần làm các lớp thông tin dày dạn và có sự đầu tư bài bản. Nhưng cái lợi lâu dài từ bảo tàng “ảo” thì hoàn toàn có thể nhìn thấy được khi bảo tàng “ảo” 3D là một cách quảng bá thương hiệu hữu ích và sinh động”.

Bà Nguyễn Hồng Chi, Trưởng phòng Bảo quản trưng bày (Hoàng thành Thăng Long) cho rằng, dù hình thức trưng bày online không hoặc chưa trực tiếp thu phí về cho các đơn vị nhưng lại được xem như cách tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và gián tiếp đưa nguồn kinh phí từ hoạt động bán vé về cho đơn vị. Trong quá trình làm trưng bày online, Hoàng thành Thăng Long đang đặt vấn đề với các đơn vị xã hội hóa. Trong thời gian dịch bệnh, người tham quan được miễn phí. Nhưng đơn vị này có thể không dừng lại mà sẽ tiếp tục làm tiếp, hoàn thiện các lớp thông tin trưng bày ảo và tiến tới sẽ thu phí khai thác trực tuyến từ hoạt động này.

“Hình thức trưng bày trực tuyến là một cách hỗ trợ, giới thiệu hiệu quả với du khách, trước khi họ đặt chân tới tham quan thực tế tại bảo tàng hay di tích. Hay nói cách khác, đây là một cách “nhá hàng” demo, giới thiệu trước một phần về nội dung trưng bày, du khách xem trên mạng thấy hấp dẫn, tò mò muốn tìm hiểu tiếp thì phải tới tận nơi” - bà Nguyễn Hồng Chi nói.

Nhìn rộng ra thế giới, các bảo tàng hàng đầu như Lourve (Pháp), Bảo tàng Vangogh (Hà Lan)… cũng đều tiến hành các phòng tham quan “ảo” để “hút khách”. Như vậy, những hiện vật người xem thấy trên website trong chuyến chu du của mình cùng công nghệ 3D chỉ là những hiện vật đơn thuần, không phải hiện vật quý hiếm. Những thứ báu vật, không dại gì các bảo tàng hàng đầu thế giới trưng ra cho người xem. Ngay như Bảo tàng Lourve của Pháp trong lần mở cửa bảo tàng “ảo” vừa qua, cũng chỉ giới hạn người xem trong những phòng trưng bày thông thường.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo tàng “ảo” đã thể hiện được vai trò và khả năng tương tác của mình với người xem thông qua những ứng dụng công nghệ thông minh và tiện ích. Khoảng cách về địa lý, rào cản về văn hóa, về dịch bệnh đều không nghĩa lý gì. Khi có lượng truy cập cao đồng nghĩa với việc, bảo tàng “ảo” hoàn toàn có khả năng gọi quảng cáo cho đơn vị. Vì thế mới nói, bảo tàng “ảo” nhưng hiệu quả “thật” cũng không sai.

Ông Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, không nên hy vọng và đặt nặng vấn đề thu được nguồn kinh phí từ bảo tàng “ảo”. Bởi các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam phần lớn hoạt động để đầu tư về tinh thần (quảng bá đất nước). Nhưng cái lợi lâu dài có thể nhìn thấy là thông qua bảo tàng “ảo” để kích cầu du lịch, buộc du khách phải tới đất nước của chúng ta mới có thể thỏa trí tò mò. Từ đây sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm đến du lịch khác để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bảo tàng “ảo” cần dựa trên nền tảng công nghệ vững mạnh (website) và “đầu ra” vững chắc với lượng truy cập đông đảo của du khách

Bảo tàng “ảo” cần dựa trên nền tảng công nghệ vững mạnh (website) và “đầu ra” vững chắc với lượng truy cập đông đảo của du khách

Nhờ bảo tàng “ảo”, người dân hình thành thói quen mới

Hơn thế, hiện nay, công chúng Việt Nam chưa có thói quen đi tham quan bảo tàng. Một người có thể dành thời gian để đi mua sắm, đi cà phê với bạn bè hay gia đình vào dịp cuối tuần nhưng rất khó bỏ thời gian cho những giải trí văn hóa mang tính suy tư, chiêm nghiệm và tĩnh lặng như đến các bảo tàng. Do vậy, xây dựng bảo tàng “ảo” còn là một cách để xây dựng và hình thành nên thói quen đến các bảo tàng đối với người dân Việt Nam nói chung, dựa trên sự tiện ích của công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Cường cũng cho rằng, xây dựng bảo tàng “ảo” là cần thiết và nên làm. Nhưng mỗi bảo tàng có một đặc thù và hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt với bảo tàng địa phương với nguồn lực con người kiêm nhiệm nhiều việc và kinh phí đều hạn chế, việc xây dựng bảo tàng “ảo” cần tính toán. Có nghĩa, khi có “đầu ra” vững chắc cho bảo tàng “ảo” với lượng công chúng đông đảo và nền tảng công nghệ hiện đại (website) mới nên tiến hành. Bằng không, cuộc chạy đua với công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa khi mà các xu thế phát triển mới trong hoạt động bảo tàng vẫn luôn được thay thế và làm mới.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, nếu lãnh đạo các bảo tàng mà hợp tác với các công ty công nghệ như kiểu “mật với ruồi” thì thật nguy hại. Bởi công nghệ chỉ là cái giúp cho con người tiếp cận hiện vật một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, còn cái quyết định trong hoạt động bảo tàng vẫn phải là làm sao có những trưng bày hay, hấp dẫn, nội dung và hình thức phong phú, sâu sắc. Cần nghiên cứu cái gọi là bảo tàng “ảo”, trưng bày “ảo” một cách căn bản, thấu đáo; hiểu và thực hành cho đúng kỹ thuật này để xây dựng nội dung phù hợp và hiệu quả. Không nên “chạy đua” với công nghệ này theo kiểu thời thượng. Với những đơn vị không có điều kiện tiến hành bảo tàng “ảo” vẫn hoàn toàn tiếp cận du khách dựa trên fanpage và website thông thường. Chẳng hạn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ cần đưa từng bức tranh của danh họa nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng lên mạng Internet và biết cách giới thiệu lịch sử cũng như nghệ thuật của bức tranh, cũng đã đủ để người xem thấy mức độ hấp dẫn của các hiện vật hiện đang lưu giữ tại đơn vị.

Đặc biệt, cho tới nay, chưa có một đánh giá cụ thể có tính khoa học về hiệu quả thực sự của bảo tàng “ảo”. Với những bảo tàng đã tiến hành công việc này cũng mới thống kê về lượt truy cập. Còn những thăm dò và đánh giá về mức độ hài lòng, về những điều du khách chưa hài lòng hay mong muốn lại chưa được khảo sát cụ thể. Vì thế, cách làm bảo tàng “ảo” hiện nay là theo lối “mạnh ai người nấy làm”, thay vì đúc rút kinh nghiệm và xây dựng dựa trên thành quả và thất bại của người đi trước. Như các chuyên gia đã chia sẻ, các bảo tàng cần linh hoạt trong hoạt động bảo tàng, không nhất thiết phải dập khuôn theo một mô hình cố định, miễn sao huy động được nguồn lực con người và cơ sở vật chất hiện có của bảo tàng để đem lại cho người xem những triển lãm có chất lượng, những trưng bày hấp dẫn. Công nghệ nói cho cùng cũng chỉ giúp sức cho con người trong việc kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa được hun đúc qua nhiều thế hệ người Việt Nam.

Việc chạy theo công nghệ mà không hiểu và không có những đánh giá đúng mức sẽ chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường” (Ảnh: Tác phẩm “Hộp bí mật” tại VCCA - nơi khán giả có thể trải nghiệm bằng nhiều giác quan gợi mở những liên tưởng phong phú về thế giới xung quanh)

Việc chạy theo công nghệ mà không hiểu và không có những đánh giá đúng mức sẽ chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường” (Ảnh: Tác phẩm “Hộp bí mật” tại VCCA - nơi khán giả có thể trải nghiệm bằng nhiều giác quan gợi mở những liên tưởng phong phú về thế giới xung quanh)

“Nếu lãnh đạo các bảo tàng mà hợp tác với các công ty công nghệ như kiểu “mật với ruồi” thì thật nguy hại. Bởi công nghệ chỉ là cái giúp cho con người tiếp cận hiện vật một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, còn cái quyết định trong hoạt động bảo tàng vẫn phải là làm sao có những trưng bày hay, hấp dẫn, nội dung và hình thức phong phú, sâu sắc. Cần nghiên cứu cái gọi là bảo tàng “ảo”, trưng bày “ảo” một cách căn bản, thấu đáo; hiểu và thực hành cho đúng kỹ thuật này để xây dựng nội dung phù hợp và hiệu quả. Không nên “chạy đua” với công nghệ này theo kiểu thời thượng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

“Không nên hy vọng và đặt nặng vấn đề thu được nguồn kinh phí từ bảo tàng “ảo”. Bởi các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam phần lớn hoạt động để đầu tư về tinh thần (quảng bá đất nước). Nhưng cái lợi lâu dài có thể nhìn thấy là thông qua bảo tàng “ảo” để kích cầu du lịch, buộc du khách phải tới đất nước của chúng ta mới có thể thỏa trí tò mò. Từ đây sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm đến du lịch khác để đáp ứng nhu cầu của du khách”.

Ông Nguyễn Văn Cường(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

“Dù hình thức trưng bày online không hoặc chưa trực tiếp thu phí về cho các đơn vị nhưng lại được xem như cách tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và gián tiếp đưa nguồn kinh phí từ hoạt động bán vé về cho đơn vị. Trong quá trình làm trưng bày online, Hoàng thành Thăng Long đang đặt vấn đề với các đơn vị xã hội hóa. Trong thời gian dịch bệnh, người tham quan được miễn phí. Nhưng đơn vị này có thể không dừng lại mà sẽ tiếp tục làm tiếp, hoàn thiện các lớp thông tin trưng bày ảo và tiến tới sẽ thu phí khai thác trực tuyến từ hoạt động này”.

Bà Nguyễn Hồng Chi (Trưởng phòng Bảo quản trưng bày, Hoàng thành Thăng Long)