Chuyện của các sư kê

(ANTĐ) - Chọi gà trở nên hưng thịnh và phát triển mạnh mẽ nhất kể từ thời Tây Sơn. ở giai đoạn này, nó đã trở thành trò chơi dân gian mang đậm nét của tinh thần thượng võ dân tộc. Không ai đam mê môn chọi gà truyền thống lại không biết đến sự ra đời bài võ Hùng kê quyền nổi tiếng của Nguyễn Lữ - một trong  Tây  Sơn tam kiệt...

Chuyện của các sư kê

(ANTĐ) - Chọi gà trở nên hưng thịnh và phát triển mạnh mẽ nhất kể từ thời Tây Sơn. ở giai đoạn này, nó đã trở thành trò chơi dân gian mang đậm nét của tinh thần thượng võ dân tộc. Không ai đam mê môn chọi gà truyền thống lại không biết đến sự ra đời bài võ Hùng kê quyền nổi tiếng của Nguyễn Lữ - một trong  Tây  Sơn tam kiệt...

Hùng kê quyền và võ học Tây Sơn

Để khẳng định tính cách thượng võ của loài gà, ông Cường “quất” - một tay chơi gà có tiếng ở phố Khâm Thiên kể cho tôi nghe sự tích ra đời bài Hùng kê quyền (một trong những bài quyền thi đấu chính thức của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam):

Thuở anh em nhà Tây Sơn đang dựng nghiệp. Một hôm Nguyễn Lữ mời Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ tới xem một trận chọi gà. Đó là cuộc so tài giữa một con Ô to lớn, vạm vỡ và một con Nhạn nhỏ bé tinh khôn. Con Ô lợi thế về thể hình, tấn công như vũ bão từ phía trên với những cú đấm (đánh bằng mỏ) và song phi đầy uy lực vào đầu, mặt, lưng gà Nhạn. Con Nhạn bé hơn, nhưng nhanh nhẹn, nó dùng các miếng luồn dưới để trách né và chờ cơ hội phản công từ phía dưới vào những chỗ hiểm của con Ô.

Thỉnh thoảng Nhạn lại giả thua, bỏ chạy để con Ô đuổi theo, chờ con Ô mệt và sơ hở nó bất thần quay ngoắt lại phản công lao cả người mổ những đòn chí mạng. Phân tích lối đánh của hai con, Nguyễn Lữ tổng kết: Con gà lớn thường đá nước trên, con nhỏ thường chui lườn né tránh, tầm vóc và sức khỏe của người Việt như con gà Nhạn nên thân pháp, thủ pháp, nhãn pháp phải linh hoạt mau lẹ để khắc chế lối đánh vũ bão, đối cương của địch thủ. Nhưng khi cần dứt điểm phải chọn lối dũng mãnh, sát sạt kiểu con Ô.

Đó là tinh thần của bài võ mới Hùng kê quyền với sự kết hợp lối đánh nhu cương linh hoạt. Kể xong câu chuyện, ông “Cường” quất cười: “Chơi gà chọi phải hiểu gà như cụ Nguyễn Lữ mới là chơi”. Trong bài Hùng kê quyền có hai đòn đánh đặc trưng của con Ô và con Nhạn. Đó là thế Hồi mã thương và Uyên ương cước nổi danh võ lâm. Bài Hùng kê quyền đã cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách.

Nhọc nhằn đam mê

Trong số những người đam mê chơi gà, ông Cường không phải là người có quá nhiều những trận đấu “một thời để nhớ”, tuy thế, nhưng dân chơi gà đất Hà thành vẫn hay nhắc đến tên ông bởi ông là một trong những người đầu tiên cất công mang những chú gà miền Nam ra thi đấu trên đất Bắc.

Đến nay, ông Cường đã giải nghệ, nhưng thời cao điểm, ông có tới trên 3 chục chú “gà chiến” nhốt trong bu chen chúc từ đầu tới cuối cầu thang. Bây giờ, cứ hễ nhắc đến gà là mắt ông lại sáng lên. Ông Cường tâm sự: Nếu ai đã từng chơi gà chọi thì tôi đảm bảo cái thú ấy nó sẽ  ngấm vào máu. Ông Cường bảo, người chơi gà thường tính tình điềm đạm, phóng khoáng và biết kiên nhẫn vì nó là thú chơi đòi hỏi trí tuệ, không chấp nhận người tính khí hẹp hòi.

Cũng theo ông Cường thì chỉ bắt đầu từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, các sới gà Hà Nội mới trở nên sôi động. Ngày ấy những sới gà nổi tiếng phải nhắc đến sới Bách Thảo, An Dương (còn gọi là Thung lũng ma), Long Biên, Gầm Cầu, xa hơn nữa là Yên Sở, La Phù, La Khê, Chùa Dận...

Thông thường, người chơi gà thường nuôi ít nhất vài ba con, bất kể giống gà nào thì sự chăm sóc cũng... bận hơn con mọn. Mỗi con gà có một sở trường riêng, người nuôi phải biết tính tình, đòn thế gà của mình mà lựa đối thủ “lên sàn” cho phù hợp.

Nuôi cả chục chú gà, tham gia hàng trăm trận đấu, nhưng hỏi về những trận chiến bất hủ của mình, ông Cường đều lắc đầu quầy quậy: Chọi gà bây giờ ít nhiều đều mang tính ăn thua. Cũng không ít trường hợp nhiều chủ gà dùng tiểu xảo doping cầu thắng.

Thế cho nên, những trận đấu “kinh điển” phải quay lại từ thời các cụ. Ông Cường còn nhớ như in một trận đấu gà giữa con Cú của cụ cả Trầm đường Bưởi với con Xám Cóc của hai người miền Nam. Một trận đấu gà tiêu biểu cho lối đánh của 2 miền. Con Cú thiên về đòn thủ, Xám Cóc lại đánh đòn công.

Trận đấu bất hủ ấy đến giờ vẫn được lưu truyền trong giới chơi gà Hà Nội và thu hút đông đảo giới mê gà từ Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… đến nỗi người ta phải mua trước chỗ ngồi. Ông Cường nhớ lại: Trong suốt 5 hiệp đầu lợi thế nghiêng về Xám Cóc. Con Cú bị Xám vây đánh liên hồi bằng nhiều cú đòn hiểm. Cả đấu trường vang dội tiếng hò reo mỗi khi Xám Cóc ra đòn.

Riêng cụ cả Trầm là tỉnh rụi. Con Cú trước lối đánh như vũ bão của đối thủ bình tĩnh lên đè, xuống chui để giảm uy lực và nhuệ khí của địch thủ. Bất thần khi chuyển sang hiệp 8, chỉ cần một đòn phản công xuống luồn đá mé thành công con Cú đã lật ngược tình thế đánh bại Xám Cóc. Dân mê gà chọi Hà thành vô cùng hưng phấn.

Sư kê - chỉ đếm trên đầu ngón tay

Nói đến gà chọi, ngoài những người chơi gà, nuôi gà còn phải kể đến một đội ngũ những “doctor” chuyên làm nhiệm vụ “chăm sóc sức khỏe” cho những võ sĩ có cánh này. Giới chơi gà vẫn gọi họ là những sư kê - những người hiểu gà còn hơn cả chủ. Theo ông Cường, bản thân mỗi người chủ gà đều có thể làm bác sĩ riêng cho những chú gà thân yêu của mình, tuy nhiên sự săn sóc đó cũng chỉ có mức độ.

Thông thường khi những chú gà chiến đi thi đấu, bao giờ các chủ gà cũng phải nhờ một sư kê đi theo làm nhiệm vụ hậu trường để đảm bảo cho võ sĩ của mình luôn có một phong độ tốt nhất sau mỗi hiệp nghỉ giải lao. Trong số những sư kê chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tại chỗ phải nhắc đến Tùng trễ - một ông “đốc” có bàn tay vàng có thể phục hồi thể lực cực nhanh chỉ bằng vài miếng xoa bóp mát-xa.

Đây là một việc vô cùng quan trọng bởi trong trận đấu, có nhiều chú gà dính đòn khá nặng, nếu biết xử lý tổn thương của chú gà một cách hợp lý, đôi khi cón có thể lật ngược thế cờ. Có một sư kê như Tùng trễ hộ tống, phần thắng có thể chiếm tới  50%.

Tuy nhiên, nói đến những sư kê “ngoại khoa” chuyên chữa các bệnh nặng thì lại phải kể tới Hợi An Dương, một sư kê ngoại khoa có tiếng. Ông Hợi tên thật là Hoàng Văn Hợi trước đây cũng là một tay chơi gà, nhưng có biệt tài phẫu thuật. Nhiều chú gà tả tơi sau một trận đấu được đưa tới cho ông chăm sóc chỉ sau 20 ngày đến một tháng là lại có thể thượng đài tái đấu như thường.

Ông Hợi kể, sở dĩ đa phần khách chơi gà chọi tìm tới ông là bởi chỉ cần nhìn đấu sĩ ông cũng có thể biết phải phẫu thuật chỗ nào, khâu vá ra sao, tiêm loại thuốc gì là tốt nhất. Nhìn ông Hợi khâu những vết thương cho gà mới thấy hết sự công phu của các sư kê. Một chú gà bị đánh rụng mỏ, chỉ bằng vài sợi chỉ tết buộc lại, dăm bữa sau là chàng đấu sĩ lại có thể mổ thóc như thường. Những vết đá bị chảy máu trong đầu, chỉ cần vài nhát dao, ông Hợi đã có thể lấy kén ra và khâu lại đẹp như bác sĩ khoa ngoại.

Dân chơi gà chọi vẫn khẳng định quan điểm thượng võ của mình bằng sự ca ngợi những đức tính của một chú gà như sau: Khi chiến đấu, kẻ thua cuộc bỏ chạy mà không truy sát - ấy là đức Nhân. Đầu có mào (mũ), lông luôn óng mượt - đó là đức Lễ. Tìm thấy mồi thì tục tục gọi đàn, không bao giờ đánh gà mái, gà con - ấy là đức Nghĩa. Không sợ kẻ mạnh hơn, quyết chiến đến cùng - ấy là đức Dũng. Sáng nào cũng dậy vỗ cách gáy ò ó o chào Mặt trời - đó là đức Tín.

Nếu đấu sĩ gãy cánh, gãy chân thì chỉ với cặp nẹp tre qua tay ông Hợi chục hôm sau là chú gà lại có thể bay nhảy. Ông Hợi nói: Gà chung quy cũng như người, vết thương của nó cũng vậy. Nó cũng có cơ bắp, thần kinh và hơn cả, với người nuôi, nó còn là tri kỷ. Vì thế muốn chữa gà trước tiên phải hiểu được tâm tính của nó, phải biết yêu thương nó. Nếu chỉ dùng nó như một công cụ phục vụ cho mục đích ăn thua thì không bao giờ có thể làm việc này chu toàn được.

Chính vì thế mà ông Hợi có đầy đủ đồ nghề chữa bệnh cho gà như một bác sĩ thực thụ, cũng bông băng, thuốc đỏ, cũng dao mổ, kim khâu. Cả Hà Nội có hàng trăm tay chơi gà, nhưng sư kê thì chỉ có thể tính trên đầu ngón tay là vì thế.

Nguyễn Long