Chương trình nghệ thuật "Khát vọng thống nhất": Hào sảng và xúc động!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tối 28-4-2023, tại 5 điểm cầu trên khắp cả nước, chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt "Khát vọng thống nhất" đã diễn ra, tái hiện một giai đoạn lịch sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Cuộc hành trình "Khát vọng thống nhất" đưa khán giả trở lại dấu mốc lịch sử của thời khắc 48 năm về trước, vào buổi sáng ngày 30-4-1975 khi từng đoàn quân giải phóng như thác lũ tiến về dinh Độc Lập, chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh và lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Sài Gòn. Đó là khoảnh khắc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, ghi dấu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui thống nhất.

Xuyên suốt chương trình, "Khát vọng thống nhất" đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng được viết nên bởi ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc và cả tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của mỗi người dân nước Việt. Đó là câu chuyện về khát vọng đập tan nỗi đau chia cắt ở hai bên chiến tuyến của những người dân sống dọc bờ sông Bến Hải, là câu chuyện về những cán bộ trong Trại Davis luôn xác định tinh thần, dẫu phải hi sinh vẫn phải tiếp tục bám trụ để giành chiến thắng trên mặt trận ngoại giao. Đó còn là câu chuyện được kể ở hầm chỉ huy tác chiến T1, nơi ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, cam go và tập trung cao độ của cơ quan đầu não Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong những ngày tháng cam go nhất của cuộc chiến, ngọn lửa hy vọng vẫn luôn được nung nấu, gìn giữ và lan tỏa tới mọi mặt trận, để từ đó cháy lên khát vọng thống nhất Tổ quốc trong mỗi người Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh tư liệu về chị Phan Thị Quyên - vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được chiếu lại khiến người xem không khỏi xúc động.

Trong đoạn phim tư liệu, chị Phan Thị Quyên kể, khi người bạn đời của mình bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt, chị cũng chưa thật sự hiểu gì về cuộc đấu tranh Cách mạng, chỉ lo lắng không biết rồi chồng mình sẽ bị chính quyền ngụy xử thế nào. Thời điểm đó chị cũng bị chính quyền ngụy bắt giam để tra hỏi. Vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi nhớ lại, khi bị giam ở nhà tù Côn Đảo, chị đã được "chị Hoa" dìu dắt mình đi theo con đường Cách mạng.

Khi chị được thả ra và có dịp gặp chồng mình - anh Nguyễn Văn Trỗi trước khi anh bị tòa án quân sự của chính quyền ngụy kết án hành hình, anh có hỏi chị: "lúc em ở tù, em đã được các cô, các chú, mấy anh mấy chị dạy dỗ thế nào?". Đáp lại, chị kể cho anh nghe rằng mình đã được chỉ dạy rất nhiều, trong đó được dạy hát ca khúc "Bài ca hy vọng". Người dạy cho chị hát sáng tác này là "chị Hoa" - lúc bấy giờ là cán bộ vận động phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên. Sau này "chị Hoa" trở thành Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa. Còn "Bài ca hy vọng" đã trở thành suối nguồn cảm xúc đánh thức rất nhiều những chí sĩ Cách mạng yêu nước đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đan xen các thước phim tư liệu đầy cảm động là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với những ca khúc đi cùng năm tháng về tình yêu đất nước và khát vọng hòa bình, như: “Bài ca hy vọng", "Tình ca", "Xa khơi", “Nối vòng tay lớn”, ”Bài ca thống nhất”, “Tổ quốc yêu thương”, “Mùa xuân trên quê hương”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Đất nước trọn niềm vui”... Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tùng, ca sĩ Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Lô Thủy, Đinh Trang, Nhật Thảo, Trần Tùng Anh, Trịnh Quỳnh Anh, Quang Huy, Bùi Đăng Khánh, Trịnh Minh Hiền, Trần Quang Duy, Ly Hương, Hữu Hiệp…và dàn nhạc thính phòng Hà Nội.