Chưa “tròn vai” chủ đạo

ANTĐ - Trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình Quốc hội, Ủy ban dự thảo đề nghị quy định một nội dung hết sức quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trong rất nhiều ý kiến đóng góp cho bản dự thảo Hiến pháp, chỉ riêng hai từ “chủ đạo” đã có khá nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau.

Câu hỏi: Các doanh nghiệp Nhà nước đã đóng “vai trò chủ đạo” như thế nào, từng được phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau một cách khách quan và khoa học. Theo số liệu thống kê, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhận tới 37,8% vốn đầu tư và 43,5% ngân sách Nhà nước, trong khi khu vực DN ngoài Nhà nước nhận 38,9% vốn đầu tư và chỉ có 27% ngân sách. Song DNNN chỉ đóng góp 32,6% cho GDP và giải quyết được 14,7% việc làm.

Trong khi đó, DN ngoài Nhà nước đóng góp tới 49,3% cho GDP và giải quyết được 61,8% việc làm. Trong một cuộc khảo sát mới được công bố, cho thấy kinh tế Nhà nước mà trụ cột là DNNN vẫn được giao trọng trách đóng vai trò chủ đạo, được giao nắm “yết hầu” của nền kinh tế, có quy mô áp đảo so với khu vực kinh tế tư nhân.

Vì thế, trong hầu hết các trường hợp, DNNN mặc nhiên không phải cạnh tranh mà luôn giành phần thắng. Họ còn được hưởng vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, chi phối quyền và cơ hội kinh doanh thông qua quy hoạch và chiến lược phát triển ngành. Được ưu ái về nguồn lực, được sử dụng phần lớn tài nguyên, đất đai, vốn… nhưng lại gây lãng phí, thất thoát. Theo dõi sát sao con đường phát triển của khối DNNN, một số chuyên gia thẳng thắn cho rằng, vai trò và sự đóng góp của mỗi thành phần kinh tế với đất nước phải được nhìn nhận đa chiều chứ không thể nhìn phiến diện từ góc độ nộp thuế. Những ngành kinh doanh có ưu thế, thị trường và lợi nhuận cao đều tập trung vào tay DNNN, lấn át doanh nghiệp tư nhân, họ được lợi thế cao hơn nên đóng góp cao hơn là hiển nhiên. Một chuyên gia phát biểu: “Vấn đề là việc đóng góp đó có tương xứng với nguồn lực mà các DNNN đang sử dụng hay không? Cần xem lại những đóng góp đó đã đủ chưa, đã làm tròn nghĩa vụ chưa?”. Đó là chưa kể, DNNN còn được giữ lại lợi nhuận, lợi tức mà nhiều ý kiến từng đề nghị phải thu về cho ngân sách. Các công ty cổ phần, công ty tư nhân làm ra lợi nhuận phải chia đều cho cổ đông, trong khi DNNN vẫn được giữ lại để tái đầu tư, còn các DN ngoài Nhà nước đều phải đóng thuế bù vào nguồn lực mà DNNN làm hao hụt.

Một vài số liệu vĩ mô cùng với những phân tích khái quát trên, phần nào có thể phác họa những đường nét cơ bản nhất vai trò chủ đạo của DNNN đã và đang được Nhà nước giao phó và kỳ vọng, liệu đã tròn vai “chủ đạo” nền kinh tế hay không?