Lần đầu tiên kể từ tháng 3-2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2012, giảm 0,26%. Cùng với đó, nhập siêu vẫn duy trì ở mức thấp nhờ tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Sự sụt giảm nhanh CPI có thể giúp phần nào cho đời sống người dân “dễ thở” hơn. Cụ thể, sự sụt giảm của 3 nhóm hàng: giao thông (-1,64%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,21%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,23%). Giá xăng trong nước giảm mỗi lần 700-800 đồng/lít, đã làm cho chỉ số CPI tính theo năm chỉ còn 6,9%/năm.
Đà giảm của CPI là cơ sở để hạ lãi suất, lãi suất huy động ngắn hạn giảm về mức trần 9%, trong khi lãi suất dài hạn dao động từ 9-12%/năm. Đường cong lãi suất bắt đầu được thiết lập trở lại. Giá vàng trong nước đã bám sát hơn với giá vàng thế giới và ít tạo ra những “cơn sóng” về tỷ giá khi độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gia tăng. Mặc dù nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỷ giá ổn định, song nền kinh tế lại đang tăng trưởng chậm lại. Chỉ số CPI âm trong tháng 6 và theo hướng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm phản ánh sự suy giảm mạnh của tổng cầu trong nền kinh tế, làm gia tăng lượng hàng tồn kho. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% cuối năm 2011 lên 4,14% vào cuối tháng 5 vừa qua.
Tuy vậy, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “tiết lộ”, tỷ lệ nợ xấu thực tế của toàn bộ hệ thống tín dụng ước khoảng 10% chứ không phải ở mức 3-4% như các ngân hàng báo cáo. Nhìn bao quát “bức tranh” kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, CPI giảm chứng tỏ một điều tích cực là lạm phát 6 tháng đầu năm đã được “kìm cương” ở mức thấp. Thế nhưng, điều này lại phản ánh sức mua của người dân giảm mạnh. Theo đánh giá của của Hãng Tư vấn A.T Kearney, Việt Nam bị tụt hạng xuống vị trí 23 trong tổng số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Phân tích thêm về yếu tố cung ứng tiền tệ và tín dụng, vị chuyên gia này cảnh báo, 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tín dụng và cung ứng tiền thì cần phòng xa nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại, tăng trưởng thấp. “Đáy” kinh tế không nằm yên mà nó di động. Đáy của
quý I có thể chưa phải là đáy của quý III. Không ít ý kiến của giới nghiên cứu cũng nhìn nhận nền kinh tế chưa thể thoát khỏi đáy. Chỗ trũng sâu nhất là nợ xấu và hàng tồn kho, vì vậy cần có tiền, có quỹ bảo lãnh tín dụng. Quan trọng hơn, cần đoạn tuyệt cơ chế “Vina shin” cũng như “Vina cho”.