Cũng theo bản đánh giá này, tăng trưởng GDP năm 2013 dự kiến sẽ đạt 5,5%, cao hơn so với con số của Việt Nam đưa ra. Mặc dù dành lời đánh giá, các cơ quan chức năng đã đạt tiến bộ đáng ghi nhận trong việc ổn định kinh tế, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ nhấn mạnh cần tránh nới lỏng chính sách tại giai đoạn “giao cắt” này và cần thúc đẩy tái cấu trúc. Trong ngắn hạn, ít có dư địa để cắt giảm thêm lãi suất, một động thái có thể mang lại rủi ro đối với nỗ lực chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Khung chính sách tiền tệ có thể được củng cố hơn bằng việc dựa vào các công cụ thị trường và tầm nhìn xa của chính sách. Theo đó, nên cắt giảm thuế nhiều hơn và yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh có lãi phải trả cổ tức, ưu tiên tái cấu trúc đầu tư công và đảm bảo chi dùng xã hội.
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC trong báo cáo “Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam” mới công bố, trong khi lạm phát chung vẫn còn lo ngại sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9 do chi phí cho năm học mới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giá xăng dầu tăng cao, thì con số lạm phát so sánh cùng kỳ năm ngoái dường như sẽ được duy trì dưới 8% từ nay đến cuối năm do nhu cầu nội địa còn thấp. Tuy vậy, giá cả các mặt hàng đã tăng trong tháng 8 vừa qua khiến lo ngại lạm phát sẽ tăng cao trở lại. Giá cả đã leo thang từ 7,3% trong tháng 7-2013 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 7,5% trong tháng 8 năm nay, cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Song theo HSBC, môi trường kinh tế vĩ mô đã được cải thiện đáng kể. Cán cân thương mại đều thặng dư trong năm 2012. Thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay nằm trong tầm quản lý ở mức 577 triệu USD. Sở dĩ thâm hụt giảm là hiệu quả của việc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện tử và sản xuất xuất khẩu tăng cao, khiến tăng trưởng, nhập khẩu giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn. Lượng hàng tồn kho đang giảm và nhu cầu xuất khẩu tăng sẽ là xu hướng từ nay đến cuối năm 2013.
Cả hai bản đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng HSBC đều có chung một nhận định về nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc và phát triển. Lạm phát có tăng, nhưng không đáng lo ngại. Việt Nam đã vượt qua một chặng đường gian nan để kéo nền kinh tế “vượt dốc” đi lên. Song, từ nay đến cuối năm mới là đoạn đường khó khăn để chạm đích nên chưa thể nới lỏng tay.