Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng - bất khả xâm phạm

ANTĐ - Chúng ta chủ trương đàm phán với Trung Quốc để phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và giải quyết tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; nhưng không chấp nhận có tranh chấp với Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định; kiên quyết đấu tranh bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 khúc”) của Trung Quốc.
Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng - bất khả xâm phạm ảnh 1
Bộ đội đảo Trường Sa lớn luyện tập sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ảnh: Trần Thanh Giang
61 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950) đến nay, quan hệ Việt - Trung đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Hai nước đã ủng hộ và giúp đỡ nhau trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng nên mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Sau năm 1975, quan hệ Việt - Trung có lúc xấu đi, đến năm 1991 nước ta và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Từ đó đến nay quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt hai bên đã nâng tầm quan hệ lên một bước mới - “Đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện” trên cơ sở “Phương châm 16 chữ” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “Tinh thần 4 tốt” (Láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt). 
Sau khi kết thúc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc bộ, hai nước thỏa thuận đặt trọng tâm đàm phán vấn đề trên biển; duy trì hòa bình, ổn định trên biển; tăng cường hợp tác tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận; giữ gìn ổn định tình hình Biển Đông…
Chúng ta chủ trương đàm phán với Trung Quốc để phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và giải quyết tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; nhưng không chấp nhận có tranh chấp với Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định; kiên quyết đấu tranh bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 khúc”) của Trung Quốc.
Tuy nhiên gần đây, vấn đề Biển Đông đang có những dấu hiệu phức tạp, hoạt động của Trung Quốc vi phạm vùng biển của các nước xảy ra với quy mô, phạm vi ngày càng lớn, tính chất rất nghiêm trọng, tập trung chủ yếu đối với Việt Nam và Philippines. Với Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 5 đầu tháng 6-2011, tàu Trung Quốc đã 2 lần cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Những việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, đặc biệt là việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” đã làm cho nhiều nước, nhất là các nước ASEAN phản đối mạnh mẽ. Cộng đồng quốc tế quan ngại và cảnh giác, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông. 
Những xung đột lợi ích của các quốc gia ở Biển Đông, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Chúng ta kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác. Chúng ta không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó thực hiện mục tiêu thiêng liêng nhất là giữ vững nền độc lập, tự chủ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, trọng tâm trước mắt là chủ quyền biển đảo. Đồng thời luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề Biển Đông để chống phá sự hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.
Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng - bất khả xâm phạm ảnh 2
Một lớp học trên đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Thanh Giang
“Vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nước to, nhỏ cũng đều có nhận thức như vậy. Để giữ vững chủ quyền biển đảo, theo tôi có 3 cơ sở quan trọng: luật pháp, lịch sử và chiếm hữu, khai thác thực tế. Trong vấn đề luật pháp có luật pháp quốc tế và quốc nội. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, đặc biệt là các nước nhỏ. Do đó, chúng ta phải dựa vào Công ước Luật Biển, dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế.
Ngoài ra, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý, thực địa. Cơ sở lịch sử, pháp lý và chiếm hữu khai thác về thực tế là 3 mặt của vấn đề để xác lập chủ quyền biển đảo”.

(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII) 

“Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta sẽ làm hết sức mình, bằng mọi giải pháp, bằng xương, bằng máu và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; kết hợp với sức mạnh của quốc tế và thời đại để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!...
Chúng ta luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng chúng ta chủ trương dùng hòa bình và pháp lý để đấu tranh giữ vững chủ quyền chứ không chủ trương dùng vũ lực. Vì thông lệ quốc tế không cho phép”.

(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử tri TP Hải Phòng ngày 17-8-2011)

Xung quanh việc một nhóm người đều đặn kêu gọi, tụ tập nhau biểu tình ở khu vực hồ Hoàn Kiếm trong nhiều ngày chủ nhật thời gian gần đây, nhóm PV Báo ANTĐ đã gặp, trao đổi, ghi nhận ý kiến, suy nghĩ của nhiều công dân Thủ đô ở các công việc, vị trí khác nhau, về hiện tượng này.
GS.TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng: Bảo vệ đất nước bằng sức
 
mạnh trí tuệ


Tinh thần yêu nước có thể thể hiện bằng nhiều hình thức với những hành động thiết thực. Tôi luôn cho rằng mỗi cá nhân khi hành động nên đặt mình trong tổng thể xã hội và nhận thức rõ mình là tế bào của gia đình, xã hội, cộng đồng. Một đất nước vững mạnh sẽ không thể bị xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ. Vậy yêu nước có nghĩa là cần sử dụng mọi sức mạnh trong đó đặc biệt phát huy sức mạnh trí tuệ, tri thức... để nâng cao vị thế dân tộc mình, khẳng định sức mạnh mọi mặt của đất nước.

Một khi đã khẳng định được vị trí và chiếm được sự tôn trọng của cộng đồng thế giới thì khó có thế lực nào có thể ngang nhiên vi phạm chủ quyền của đất nước. Với lịch sử hàng nghìn năm giữ nước, chống giặc ngoại xâm, mỗi người Việt Nam đều có niềm tự hào về một dân tộc cần cù, thông minh và kiên cường. Tôi nghĩ rằng các thế hệ ngày nay vẫn luôn thừa hưởng và phát huy những đức tính tốt đẹp này trong quá trình xây dựng và giữ nước.

 
Bác Bùi Nam Hạnh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng: Thực chất, họ đang bị mua chuộc


 Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam biết được hành động gây hấn từ phía Trung Quốc đối với nhiều quốc gia có chung vùng Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Từ việc cố tình cắt cáp tàu thăm dò khí trên biển đến việc cho tàu có trang bị vũ khí gây sự với ngư dân Việt Nam… đó là những hành động, hành vi khiến tất cả những công dân yêu nước của Việt Nam đều bất bình.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn có niềm tin vào đường lối, đối sách, chủ trương giải quyết của Chính phủ Việt Nam đối với những hành vi gây hấn nêu trên. Và tôi được biết, ở tầm quan hệ ngoại giao cao cấp giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đang bàn bạc để giải quyết vấn đề này. Vậy nhưng trong bối cảnh ấy, một số người dân, trong đó có cả những trí thức, đã kêu gọi, tụ tập nhau đi “biểu tình” vào các ngày chủ nhật. Tôi từng là một người lính, từng chiến đấu trên mặt trận Khe Sanh từ năm 1968 đến năm 1970, tôi không thiếu một bầu nhiệt huyết, một tấm lòng với đất nước.

Và tôi thực sự bất bình, không đồng tình với cách thức bày tỏ lòng “yêu nước” mà số người trên đã và đang làm vào những ngày chủ nhật. Họ thực chất đã bị mua chuộc. Lấy danh nghĩa “biểu tình để thể hiện lòng yêu nước”, nhưng họ đang gây mất ổn định ANTT giữa Thủ đô. Tôi mong rằng ai đó nếu thật lòng yêu nước, hãy sống, làm việc, cống hiến hơn nữa cho đất nước, cho Thủ đô, đóng góp công sức mình cho sự phồn vinh của dân tộc. Còn nếu cố tình tham gia biểu tình, đình công trái quy định pháp luật, họ thực sự có tội với dân, với nước.
Chị Hồ Thị Kim Thu - Tổ phó tổ 2, Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2: Biểu tình kiểu gì mà chỉ
 
thấy nói xấu thành phố
Mấy chủ nhật gần đây, chứng kiến những gì diễn ra trong buổi sáng ngày chủ nhật, anh chị em chúng tôi chỉ thấy ngao ngán. Một nhóm người đi trên vỉa hè, vừa giương những tấm giấy, vừa hô hào phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, nhưng lén lút trong đó lại có những người rải tờ rơi để nói xấu thành phố Hà Nội, xuyên tạc việc lực lượng chức năng “đàn áp” người dân. Họ đi đến đâu là khiến khu vực đấy ùn tắc bởi những người hiếu kỳ đứng xem. Lạ nhất là đi “biểu tình”, thể hiện lòng “yêu nước” kiểu gì mà ai cũng hăm hở chụp ảnh. Hiệu quả của việc “biểu tình” không biết đến đâu, nhưng thấy rõ ngay hậu quả là tình hình an ninh trật tự ở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cứ sáng chủ nhật lại bị đảo lộn. Du khách đến Hà Nội, đến hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến hiện tượng trên đều sợ hãi hay e dè bỏ đi. Kiểu “biểu tình” này tôi thấy chẳng có tác dụng gì, mà chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh một Thủ đô văn hiến - vì hòa bình.
Anh Lê Văn Thái (Nhà OCT1 Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Người dân chúng tôi ủng hộ

Chiều qua 18-8, tôi xem trên mạng có thấy UBND TP Hà Nội ra thông báo về công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó, có yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát, tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn. Bởi tôi biết, mặc dù đã có lực lượng chức năng kiên trì giải thích, với thái độ đúng mực nhưng trong nhiều ngày chủ nhật vừa qua trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở Thủ đô. Tôi ủng hộ việc UBND TP Hà Nội ra thông báo trên để giữ thuần phong mỹ tục, không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Thủ đô.

Nguyễn Hoàng Long - sinh viên K52-KT3, trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Làm tốt phần việc của mình chính là thể hiện lòng yêu nước
 

Em được biết trong số những người tham gia “biểu tình” quanh hồ Hoàn Kiếm các buổi sáng chủ nhật thời gian gần đây, có cả những bạn trẻ. Là một người trẻ, em chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn đã có mặt ở hồ Hoàn Kiếm những ngày chủ nhật vừa qua. Những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc trên Biển Đông, ở cấp Nhà nước, quan hệ ngoại giao đã có những  chủ trương, đường lối lớn để giải quyết.  Lòng yêu nước của người dân với đất nước mình là hết sức cần thiết. Nhưng quan trọng là nhận thức và cách thức thể hiện lòng yêu nước ra sao. Không thể coi việc ra đường, hô hào, giơ biểu ngữ là cách thể hiện lòng yêu nước. Những người trẻ chúng ta đang nhận thức chưa chín chắn, hay đang bị kẻ xấu lợi dụng để gây mất ổn định an ninh trật tự ngay trên đất nước chúng ta. Em mong muốn mỗi người trẻ hãy thực sự tỉnh táo, ý thức được hậu quả từ mỗi hành vi của mình. Nếu yêu nước, hãy thể hiện bằng cách làm tốt phần việc, nhiệm vụ của mình. Và với một sinh viên như em, lòng yêu nước sẽ được thể hiện bằng việc học tập thật tốt.