Tư vấn tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2014:

Chọn nghề nên hướng đến nhu cầu thực tế

ANTĐ - Gần đến thời điểm đặt bút lựa chọn ngành nghề tương lai với việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2014, các chuyên gia tư vấn đều nhấn mạnh rằng thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin ngành nghề quan tâm, đồng thời xác định rõ năng lực, sở thích bản thân để có lựa chọn chính xác nhất.

Thí sinh cần tận dụng sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp 

Trắc nghiệm sở thích để chọn nghề

Ngày 6-3, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, các thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2014 sẽ được tư vấn miễn phí với nguồn thông tin lớn từ Ngày hội  tư vấn tuyển sinh Hướng nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 9-3 nhằm góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, trường học phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Ông Bùi Thanh, Thường trực chuỗi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp Báo Tuổi trẻ, đơn vị đồng tổ chức sự kiện này cho biết, thí sinh có thể tiếp cận với 80 trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại buổi hướng nghiệp này. 

Để giúp thí sinh được giải đáp và tư vấn chuyên sâu các thắc mắc về từng nhóm ngành, từng trường… các chuyên gia của 4 nhóm ngành được bố trí để trả lời trực tiếp mọi câu hỏi. Ngoài ra, thí sinh sẽ được gỡ rối hướng nghiệp – chọn lối vào đời, với các chuyên gia tư vấn tâm lý, sức khỏe và hướng nghiệp nhiều kinh nghiệm, giúp học sinh và phụ huynh giải tỏa các băn khoăn về việc chọn nghề, chọn trường, sức khỏe mùa thi và những thắc mắc chưa biết hỏi ai. Theo TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chuyên gia tư vấn của chương trình này, để xác định ngành nghề, thí sinh sẽ chọn lần lượt từ ngành nghề, đến ngành học và chọn trường. Một điểm không kém phần quan trọng, theo TS Phạm Mạnh Hà là thí sinh nên làm bài trắc nghiệm xác định nhóm sở thích nổi trội để biết được tố chất, thế mạnh của mình, từ đó mới xác định nghề nào phù hợp với tính cách của mình.

Chú ý những ngành có nhu cầu lớn

Thông tin mới nhất về nguồn nhân lực của Việt Nam là một trong những tài liệu để thí sinh tham khảo khi có nhiều ngành nghề không nằm trong danh sách ngành “hot” của thí sinh nhưng lại có nhu cầu thực tế rất lớn. Theo quy hoạch phát triển các ngành đến năm 2020 đã được chính phủ phê duyệt thì nhu cầu nhân lực của các ngành xuất bản, thể dục - thể thao, kỹ nghệ thực phẩm, dược, thủy sản… sẽ rất cao.

Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 nêu rõ sẽ ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học chuyên ngành công nghệ sinh học, các ngành ứng dụng công nghệ cao, các ngành nghiên cứu biển và kỹ thuật, công nghệ khai thác hải sản tiên tiến. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật thủy sản ngoài công lập nhằm thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật, tập trung nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản. Đặc biệt sẽ có chính sách ưu đãi cho con em ngư dân, học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ trong ngành thủy sản đi đào tạo trình độ đại học và sau đại học tại các trường đại học trong nước và các nước có trình độ tiên tiến về khoa học kỹ thuật thủy sản.

Nhu cầu nhân lực của ngành dược cũng sẽ rất lớn trong thời gian tới. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hoá, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong nhiều ngành học của trường, Công nghệ thực phẩm vẫn là ngành có sức hút đối với các doanh nghiệp. “Dù kinh tế khủng hoảng thì ngành này vẫn liên tục phát triển và liên tục có nhu cầu nhân lực trước nhu cầu thiết yếu của người dân về chất lượng, sự an toàn của thực phẩm. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành học này đều có việc làm ngay” – ông Hoàng Minh Sơn khẳng định.