Theo nhận định của Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa cơ bản tiếp tục hưởng lợi vì thị trường vẫn ổn định cộng với lãi suất thấp, thanh khoản không thiếu sẽ “tiếp sức” cho sản xuất. Mỗi doanh nghiệp cần đặt ra cho mình câu hỏi: Đã kiểm soát được khả năng tài chính của mình hay vẫn còn lệ thuộc vào nó? Làm gì để quản lý tốt dòng tiền? Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột về tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, “xương sống” của cả nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng thừa nhận tiến độ tái cơ cấu còn quá chậm dù đã “rất khẩn trương”. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ phê duyệt đề án tái cấu trúc.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá sự chuyển động như vậy chỉ diễn ra ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ giữa các doanh nghiệp Nhà nước, chưa có tiêu chí phân loại theo nhóm để có giải pháp tái cấu trúc. Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực buộc các doanh nghiệp phải “thay máu”, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh.
Thẳng thắn nhìn nhận với con mắt khắt khe, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một số công việc đã và đang làm liên quan tới tái cấu trúc, thực ra chỉ là xử lý phần “ngọn”, chứ không phải vấn đề “gốc” với cách làm vẫn là “Nhà nước dẫn dắt”, vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải vì cả nền kinh tế. Đặc biệt, nhiều động thái vẫn thiên về hành chính, chưa tạo ra động lực mới, chưa thấy sự “hy sinh, đánh đổi” cũng như chưa thấy trách nhiệm giải trình buộc những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ phải “trả giá” cho yếu kém, sau lầm của mình.
Khẳng định trong bối cảnh kinh tế đang “ấm” dần lên tuy chưa hết khó khăn, một số nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để đẩy nhanh, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Trong khó khăn vẫn “ló” cơ hội, nếu không tận dụng sẽ kéo dài tình trạng trì trệ của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.