Chỉn chu Hoàng Quốc Hải

ANTĐ - Ông là người tính tình nền nếp, cẩn trọng và luôn ngăn nắp, sạch sẽ. Khi ông ngồi viết văn trong phòng riêng cũng vẫn ăn mặc nghiêm chỉnh. Có thể ví tôi và ông như trời và đất, ông thánh thiện, tao nhã bao nhiêu thì tôi bề bộn, tếu táo bấy nhiêu.

Đợt ấy, tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải được Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch mời tham gia trại sáng tác Đại Lải. Tôi được tiêu chuẩn 20 ngày, nhưng vì bận nên phải chia ra 2 đợt. Nhà văn Hoàng Quốc Hải được ở những 2 tháng liền. Khi đó, ông đang viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Lý nên rất cần thời gian tập trung dài ngày.

Ngày tôi lên Đại Lải thì nhà văn Hoàng Quốc Hải đã ở được một tháng. Gặp tôi ông vui lắm, ít ra thì cũng có bạn ăn cơm cùng. Ông bảo nhiều đêm cả một khu mênh mông mà chỉ có mình với chú bảo vệ. Thời gian này hai anh em tôi ăn cơm cùng các chị em phục vụ. Tôi kém ông mấy tuổi nhưng hai anh em thân nhau đã lâu. Mấy nhân viên nhà sáng tác xếp cho tôi ở ngay cạnh phòng của ông. Hai phòng này có ban công liên thông nên sang với nhau cả hai lối đều được.

Ông đi sáng tác ngay gần Hà Nội nhưng mang theo một va li to tướng. Trên bàn viết của ông hàng chồng sách lịch sử, sách tra ngày âm dương, sách niên biểu các triều đại, sách ấn chương Việt Nam… Nói không ngoa ông mang một phần thư viện lên đây. Quần áo thì đủ loại hè-đông, mũ ấm, giày tất chu đáo từng li từng tí. Hàng ngày ông dậy sớm tập thể dục rồi ngồi thiền 30 phút. Vệ sinh cá nhân xong là đóng bộ như đi họp, áo “cắm thùng” nghiêm chỉnh xuống nhà ăn ăn sáng. Khi ông ngồi viết văn trong phòng riêng cũng vẫn ăn mặc nghiêm chỉnh như thế. Chả bù cho tôi rất chi bụi bờ, ngày nóng thì quần soóc, ngày se lạnh thì quần thể thao. Tôi nhìn ông thấy hơi ngại cho cái tính… “cơm bụi” của mình. Có thể ví tôi và ông như trời và đất, ông thánh thiện, tao nhã bao nhiêu thì tôi bề bộn, tếu táo bấy nhiêu.

Sáng ông thường mời tôi sang uống trà. Ông có một cái ấm đất đỏ au và một cái chén hạt mít. Chè thì đủ loại Quan Âm, Ô Long. Mỗi lần ông bỏ những hạt chè Ô Long vào ấm lại có tiếng kêu lanh canh. Ông bảo nghe tiếng “hát” đã thích nữa là nhâm nhi cái vị beo béo, ngậy ngậy, thơm dịu của vị chè. Quả là như thế, nâng chén chè lên hương ngào ngạt làm khứu giác kích hoạt, hít một hơi sâu thấy khoan khoái vô cùng…

Không biết có phải ông là người viết tiểu thuyết lịch sử nên cách làm việc, phương tiện làm việc của ông cũng rất chỉn chu, chính xác. Ông viết văn bằng bút máy, mực Parke mua những 80 ngàn đồng một lọ. Thời buổi này có một người viết bằng bút máy hơi bị hiếm. Trên bàn của ông xếp đầy lọ mực, bút, kính lúp, cứ như một cửa hàng bán văn phòng phẩm. Ngó vào chồng bản thảo tôi giật mình thấy chất ngất có dễ đến mấy trăm trang, chữ ngay ngắn như bộ đội duyệt binh, sạch sẽ rất ít tẩy xoá. Chỉ cách một bức tường, bên phòng tôi bày 2 “con” laptop, màn hình xanh lét, gõ máy rào rào, vậy mà có ra được chữ nào đâu.

 Những lúc trà dư tửu hậu Hoàng Quốc Hải hay nói chuyện về lịch sử. Những ý kiến của ông khiến tôi mê lịch sử, cứ há hốc mồm mà nghe. Tôi vốn lười đọc, nhất là lịch sử nay nghe ông nói mới vỡ ra nhiều điều. Ông kể rằng, sử sách Trung Hoa mô tả về Hồ Tây (Dâm đàm) như sau: Thành Thăng Long có cái hồ mà giữa trưa nắng không nhìn thấy mặt trời, chim bay va vào nhau rơi xuống lộp độp. Nước Giao Chỉ là loại người chuyên sống dưới nước, họ có thể đi dưới nước cả buổi mà không cần ngoi lên thở… Rồi ông còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ví như người Việt cổ làm ra thủy tinh thế nào, rồi cả chuyện lịch sử nghề dệt ở Việt Nam. Đặc biệt, cứ động đến chuyện trống đồng của người Việt là nhà văn Hoàng Quốc Hải nói như “lên đồng”. Xưa khi phong kiến phương Bắc sang xâm lược nước ta. Thấy trống đồng đất Việt đẹp liền bắt thợ thuyền về bên đó đúc. Có một điều lạ là thợ Việt sang Tàu đúc trống đồng nhưng những cái trống đúc bên đó âm thanh rất đục không như trống của ta. Nghe thấy vậy tôi liền hỏi, bác lấy đâu tài liệu mà nói khơi khơi như thế? Ông Hải cười, tôi đọc chính sử Tàu, họ công nhận như thế thì mình mới dám viết chứ. Và tất cả điều này đều được ông viết trong bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” đã xuất bản năm 2010.

 Lại nói đến bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này, khi tôi cùng ông đi trại sáng tác Đại Lải là lúc ông đang “nhuận sắc” cho bộ tiểu thuyết nói trên. Ông xuất bản trọn bộ, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Thật ra, khi bắt tay vào viết, nhà văn Hoàng Quốc Hải không nghĩ là lại đúng vào dịp kỷ niệm này. Tôi bảo với ông: “Thế thì bác trúng quả rồi, đúng lễ trọng nhé”. Ông cười:  “May hơn khôn”. Rồi ông kể, có một công ty xuất bản biết ông viết bộ tiểu thuyết này đã xin ký hợp đồng ràng buộc nhưng ông từ chối. Bây giờ thì đang thương thảo để bán trọn gói kiếm ít tiền tiêu. Tôi lại bảo, ông bác ghê thật, bộ “Bão táp triều Trần” thì ăn giải mấy lần lại sắp bán, nay triều Lý cũng sắp thành giá, quả này Hoàng Quốc Hải thành tỉ phú. Bậy nào, cậu chỉ hay nói tếu, nhà văn kì cạch bao nhiêu năm may ra đủ tiền mua cái “xách tay” như cậu. Thế hả, em đổi cho bác hai con xách tay này để lấy số tiền bác sắp bán “Tám triều vua Lý” nhé? Hoàng Quốc Hải biết cậu đàn em này hay chơi cùn nên cười xoà: Thôi mà, lộc ai ấy hưởng…