“Chỉ mặt” lãng phí

ANTĐ - Năm nay được coi là một năm “đặc biệt” trong cuộc chiến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Chịu trách nhiệm thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội bày tỏ, ông đã phải cân nhắc rất nhiều trước câu hỏi: Việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm nay so với năm trước như thế nào, có tốt hơn không? Cuối cùng ông Chủ nhiệm đã chọn được câu trả lời chủ yếu mang tính… động viên. “Thực sự cũng có chuyển biến, nhưng cải thiện chưa rõ nét”.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định các biện pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát. Nhận xét về những tồn tại, báo cáo chỉ rõ việc phân bổ vốn đầu tư còn dàn trải, dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, một số bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc Nghị định 11 của Chính phủ.

Nếu so sánh với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách thì thấy báo cáo của Chính phủ có khoảng cách và chưa thực sự nhìn thẳng vào sự thật. Chủ nhiệm Ủy ban đã phải dùng từ “nhức nhối” khi chỉ rõ tình trạng lãng phí vẫn còn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực, ở các mức độ khác nhau. Báo cáo của Chính phủ cũng như hầu hết báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đánh giá về tình trạng lãng phí còn thiếu cụ thể. Trong khi Chính phủ nhận xét vấn đề này là “chưa nghiêm túc”, thì Ủy ban khẳng định là “không nghiêm túc”.

Cụ thể là, một số bộ, ngành, địa phương không thực hiện nghiêm túc Nghị định 11, công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi; chi vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn khá phổ biến và chậm được khắc phục. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét: “Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối”. Trích dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho thấy, hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí đã và đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt đến quyết toán công trình. Đáng lo ngại, trong mọi lãng phí đã kéo dài quá lâu, không biết đến bao giờ ngăn chặn được là lãng phí đất đai. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết, đến nay cả nước còn tới 3.164.000ha đất bỏ hoang chưa đưa vào sử dụng.

Nhìn lại 10 năm sử dụng đất đai; các đại biểu Quốc hội cho rằng, còn quá nhiều tồn tại. Chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản, dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tại nhiều địa phương vẫn nặng hình thức dẫn đến việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp quá dàn trải, có địa phương chưa lấp đầy nổi 60% diện tích đất nhưng vẫn “tha thiết” đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2020, dân số nước ta sẽ đạt tới 100 triệu dân và đi dần vào ổn định khoảng 120 triệu người. Để đảm bảo an ninh lương thực nuôi sống dân và xuất khẩu, khi đó nước ta cần khoảng 47 triệu tấn gạo.

Lãng phí đất đai có thể nhìn thấy qua những con số, song còn những lãng phí hữu hình và vô hình cần phải được “chỉ mặt, gọi tên”. Thế nhưng vẫn chưa có những số liệu “cân đo” chuẩn xác sự lãng phí tính trên GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người. “Việt Nam là một ngoại lệ trong khu vực”, một chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận xét khi nói về tình trạng lãng phí ở nước ta. Thật đáng suy nghĩ và cảm thấy xấu hổ.