Chỉ lợi cho số ít người

ANTĐ - Anh Nguyễn Văn Hải (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng việc một số chuyên gia kiến nghị cho phép bác sĩ được kê đơn thực phẩm chức năng (TPCN) chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận.

- Tại sao anh lại có suy nghĩ như vậy?

- TPCN là sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nhưng cái lợi ấy có tương xứng với giá trị, giá cả của nó hay không lại là chuyện khác. Về bản chất, TPCN chỉ là sản phẩm dùng để hỗ trợ, tăng sức đề kháng, tăng sức khỏe cho người dân chứ không phải là thuốc chữa bệnh nên không yêu cầu bắt buộc sử dụng. Nếu bây giờ lại cho phép bác sĩ kê đơn sản phẩm này thì tôi e từ chủ trương khuyến khích sử dụng sẽ chuyển sang tình trạng lạm dụng chỉ định sử dụng trong giới bác sĩ, giống như chỉ định thuốc vậy. Khi đó, tất nhiên lợi ích của một bộ phận nào đó sẽ được nâng cao, song bộ phận lớn người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Thử nghĩ đến người bệnh nghèo, tiền mua thuốc đã khó, lấy đâu tiền mua TPCN.

- Vì không có bác sĩ kê đơn nên hiện người dân sử dụng TPCN một cách tùy tiện.

- Nếu muốn khắc phục tình trạng này thì không nhất thiết phải cho bác sĩ kê đơn TPCN. Theo tôi, có thể quản bằng cách phân loại TPCN, những sản phẩm nào có tác dụng hỗ trợ điều trị thì do ngành dược quản lý còn những sản phẩm chỉ có tác dụng tăng đề kháng, sức khỏe thông thường thì thuộc quản lý của lĩnh vực thực phẩm. Các cơ quan chuyên môn này sẽ có trách nhiệm cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách sử dụng TPCN.

- Nhưng nếu bác sĩ được kê đơn, hướng dẫn cụ thể cho người bệnh vẫn tốt hơn các khuyến cáo?

- Tôi được biết, ngay bản thân các y bác sĩ ở nước ta hiện nay, kiến thức về TPCN cũng rất hạn chế bởi đây là sản phẩm mới và chưa hề có mặt trong các tiết học nào. Như vậy liệu họ có thể kê đơn? Hơn nữa, nếu họ được kê đơn thì lại phải có cơ chế giám sát để tránh lạm dụng, còn nếu chỉ trông chờ vào lương tâm của họ thì rất khó khả thi.