Chạy trước hay chạy theo?

ANTĐ - Lâu nay, trong một số lĩnh vực kinh tế, công tác dự báo giữa kế hoạch đề ra và kết quả thực hiện chênh lệch rất lớn. Một vài năm trước, khi bàn về công tác dự báo của các cơ quan điều hành, giới chuyên gia cũng như một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại và thiếu tin tưởng về khả năng dự báo xa và gần. Dường như chỉ tiêu đề ra chỉ là cái đích chung chung để biểu quyết thông qua, chứ không có cơ sở tính toán khoa học, đáng tin cậy. Cuối cùng ít có ai dám dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm dự báo sai lệch. Lựa chọn khôn ngoan là không phát ngôn dự báo mà để cho tình hình diễn biến một cách… khách quan.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ chuyên đề dự báo tình hình xuất nhập khẩu năm 2012. Bản chuyên đề dày dặn cả nội dung lẫn hình thức được chuẩn bị khá kỹ lưỡng coi như một bước tiến đáng ghi nhận trong công tác dự báo vốn được một số chuyên gia ví như dự báo thời tiết.

Còn tròn 10 tháng nữa mới hết năm để xem chất lượng dự báo ra sao, liệu có vênh nhau hàng chục điểm phần trăm giữa chỉ tiêu đề ra và con số đạt được hay không. Đó là chuyện dự báo dài hơi, còn trước mắt thì sao? Diễn biến thị trường gần đây nhất cho thấy sự lúng túng, bị động trong điều hành giá gas và xăng dầu. Có ý kiến nhận xét, dường như chỉ khi giá cả rơi vào tình trạng hỗn loạn hoặc các doanh nghiệp dùng chiêu ép tăng giá gây sốc cho người tiêu dùng thì cơ quan quản lý, điều hành mới ra tay can thiệp, điều tiết. Quyết định khá muộn của Bộ Tài chính chỉ có thể kéo giá gas giảm xuống khoảng 1/3 so với mức giá tăng lên. Người dân đã lĩnh đủ “cơn sốc” đó, còn doanh nghiệp cũng “ăn đủ”.

Trong khi đó, hoàn toàn có thể thấy trước giá nhiên liệu thế giới tăng để sớm hạ thuế gas nhập khẩu, “hạ nhiệt” giá gas trong nước. Về nguyên tắc, gas là mặt hàng đăng ký giá nhưng phải đảm bảo theo cơ chế thị trường. Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý. Vậy mà, chỉ đến khi giá gas “bốc” lên hơn nửa triệu đồng mỗi bình, thì Bộ Tài chính mới đưa ra giải pháp ngăn chặn. Tương tự, chỉ đến khi diễn ra tình trạng không ít cây xăng trên cả nước đóng cửa găm hàng, khi báo chí lên tiếng, lúc đó giá xăng mới được điều chỉnh. Giá sữa cũng nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Tháng trước, khi sữa nhất loạt tăng giá và qua phản ánh của báo chí thì Bộ Tài chính mới có công văn đề nghị Sở Tài chính các địa phương phối hợp với các cơ quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thực hiện bình ổn giá sữa của các doanh nghiệp.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng theo hai “vòng xoáy”. Vòng trực tiếp sẽ tăng 0,24% và vòng gián tiếp tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu 0,61%. Nếu cộng với chỉ số giá tiêu dùng của 2 tháng đầu năm thì chỉ số CPI của quý I-2012 sẽ lên tới gần 4%. Có nghĩa là mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay dưới một con số là một thách thức không nhỏ đối với các bộ, ngành trong công tác dự báo, quản lý, điều hành.

Dự báo kinh tế hay dự báo thị trường luôn là một việc khó. Tuy nhiên, điều mà người dân, doanh nghiệp trông đợi và hy vọng ở các cơ quan quản lý là “chạy trước”, đón trước dù chỉ là một ngày, một tuần chứ không phải là… chạy theo lẽo đẽo. Phải lựa chọn giải pháp vừa tuân thủ quy luật thị trường, vừa kiểm soát giá cả biến động cho phù hợp với mục tiêu bình ổn giá.