“Cháu bà nội, tội bà ngoại”

ANTĐ - Dù mới sinh con được 8 tháng nhưng hầu như lúc nào chị Lê Thảo Chi ở đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy cũng ở trong trạng thái mệt mỏi. Nguyên nhân là do mẹ chồng chị đã phó mặc hoàn toàn cho chị việc nhà, trông con… để bà còn có thời gian đi chăm cháu ngoại.

Cháu ngoại mới là… cháu mình?

“Chúng tôi cưới nhau được 2 năm, tôi rất khó khăn mới có thai và sinh được con đầu lòng. Khi cháu còn ở trong bụng mẹ, mẹ chồng tôi ngày nào cũng nói với cả nhà “không cần thuê người giúp việc, tự tay bà sẽ chăm cháu đích tôn”. Tuy vậy, khi tôi sinh con ra dường như mọi lời hứa hẹn của mẹ chồng đã… bay hơi. Ngay từ lúc đón tôi từ bệnh viện về, khi mẹ đẻ tôi ngỏ ý muốn chăm cháu, mẹ chồng tôi đồng ý ngay và bảo tôi dọn đồ về bên ngoại đến hết thời gian ở cữ. Khi con tôi được 4 tháng, tôi phải đi làm trở lại nên dọn về nhà chồng ở. Lúc này mẹ chồng tôi phó mặc cho tôi mọi việc, từ cơm nước, giặt giũ đến chăm con để hàng ngày sang nhà chị chồng tôi từ sáng đến tối mịt… chăm cháu ngoại. Mẹ đẻ tôi thương con nên hàng ngày cũng phải lọ mọ sang trông cháu. Không những thế mỗi khi con tôi ốm đau, mẹ chồng tôi lại nói bóng gió “chắc bà ngoại trông cháu không cẩn thận”. Đúng là “cháu bà nội, tội bà ngoại” - chị Chi than thở.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, từ ngày bước chân về nhà chồng, chị Đỗ Thu Hồng ở  phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng luôn tâm niệm sẽ coi mẹ chồng như mẹ đẻ và cũng hi vọng mẹ chồng chị sẽ coi chị như con gái. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ đến khi cô em chồng chị Hồng sinh cháu. Ngay sau khi có cháu ngoại, mẹ chồng chị Hồng đón con gái và cháu về nhà chăm sóc. Bà yêu cầu vợ chồng chị phải đưa cậu trai chưa đầy 1 tuổi đi gửi nhà trẻ để tập trung cho việc chăm sóc cháu ngoại. Dù thương con nhưng chị Hồng đành phải chấp nhận vì nghĩ cháu bé mới sinh cần sự chăm sóc của bà nhiều hơn. “Đáng buồn là từ khi có cháu ngoại về bà nội thay đổi hẳn thái độ với cháu nội. Con trai tôi trước kia được cưng chiều bao nhiêu thì nay bị hắt hủi bấy nhiêu. Thậm chí khi cháu lân la đến gần em để chơi cũng bị quát mắng. Nhìn con cứ thui thủi một mình tôi đau từng khúc ruột. Tôi chỉ lo nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu” - chị Hồng chia sẻ.

Cháu nội hay ngoại đều là cháu

Theo bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm Tư vấn tâm lý tuổi trẻ hạnh phúc, gia đình Việt Nam, xuất phát từ tâm lý con gái có bổn phận phải làm dâu nhà người, nhiều bậc cha mẹ dành tình yêu thương cho con gái nhiều hơn. Khi thấy con gái mới sinh còn yếu và bận rộn nên bà ngoại luôn muốn chăm sóc cháu ngoại để giúp đỡ con. Ngược lại, nhiều bà mẹ chồng có suy nghĩ, con dâu phải có bổn phận và trách nhiệm gánh vác mọi việc ở gia đình chồng mà không được kêu ca, phàn nàn gì. Sự thiếu công bằng trong tình cảm khiến cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên căng thẳng. Những đứa cháu dù nội hay ngoại đều cần sự quan tâm và chăm sóc đồng đều của cả hai bên.

Cũng theo bà Túy, người xưa có câu: “Cháu bên nội, tội bên ngoại”. Sự việc này xuất phát từ quan niệm: “Con so thì về nhà mạ, con rạ thì ở nhà chồng”. Người phụ nữ ngày xưa cho rằng, khi sinh con đầu lòng là cần phải kiêng cữ nhiều điều, nên ở nhà mẹ đẻ tiện hơn ở nhà chồng. Đến thời điểm hiện tại, tâm lý này vẫn còn khá phổ biến. Ngay cả những phụ nữ hiện đại, khi sinh con, họ vẫn mong muốn có sự chăm sóc của mẹ đẻ. Và như vậy, bà ngoại vẫn là người đồng hành cùng con gái và cháu ngoại trong giai đoạn vất vả đầu tiên. Tuy vậy, tâm lý này đã dẫn đến việc đối xử không công bằng của các bà mẹ đã khiến nhiều gia đình bất hòa. Do đó, để tránh những xích mích không đáng có thì dù là bên nội hay bên ngoại, trong giai đoạn đầu, mẹ và bé luôn cần sự cảm thông, yêu thương, chăm sóc của cả hai bên. Và xét cho cùng, cháu nội hay cháu ngoại vẫn là cháu của ông bà. Vì vậy, hai bên ông bà hãy dành tình yêu thương cho tất cả các cháu của mình.