Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đảng, Quốc hội đã có chủ trương, Nghị quyết, Chính phủ có Quyết định về Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập.
Sau 3 năm tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta có thể đạt được một số thành tựu: Thứ nhất, đã có sự chuyển đổi nhận thức không chỉ ở cấp trung ương mà hầu hết các tỉnh thành, nhân dân đã tích cực vào cuộc và đã có những thành công bước đầu.
Thứ hai, một số ngành hàng lớn đã hình thành và bước đầu có thể hội nhập được. Cụ thể là, trong chăn nuôi, về giống đã tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới, sản lượng sữa bò đã xuất khẩu ra 40 nước, nhiều doanh nghiệp đã có xu hướng đầu tư vào nông nghiệp. Trong thủy sản, hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra đã có thể tiếp cận được với hội nhập.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình
Tuy vậy, nền nông nghiệp nước ta còn tồn tại một số bất cập: Sức sản xuất lớn nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, công nghệ không cao, nên rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm; Chuỗi sản phẩm tạo ra chủ yếu là sản phẩm thô nên giá trị khá thấp; Thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro (chất lượng, chế biến…); Nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn còn hạn chế (doanh nghiệp, HTX)
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhận thức tái cơ cấu chưa trở thành phổ biến, chính sách ban hành nhiều nhưng có một số chính sách chưa đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý Nhà nước về chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới cần xác định rõ nhóm sản phẩm lợi thế cấp quốc gia (có quy mô, có giá trị lớn như cá tra, điều, cà phê…), nhóm sảm phẩm có quy mô đặc thù cấp tỉnh (vải Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên), nhóm sản phẩm có quy mô địa phương.
Giải pháp thứ hai là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó nút thắt đầu tiên là vấn đề tích tụ ruộng đất để tập trung phát triển sản xuất. Quốc hội cần cho phép sửa quy định về giới hạn hạn điền thì vấn đề tích tụ sẽ đảm bảo ngưỡng cho phép.
Nút thắt thứ hai là chính sách, chúng ta cần tập trung chỉnh sửa các nhóm chính sách quan trọng, để có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, quan tâm phát triển HTX, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo cho đời sống sản xuất của người dân các vùng không có chênh lệch quá lớn.
“Theo tôi cần có nguồn vốn cho tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi phương thức đầu tư bằng cách đầu tư thẳng cho các tỉnh thành để tăng tính chủ động của họ. Có vậy mới giải quyết được căn cơ việc tái cơ cấu nông nghiệp”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị.