Cần tạo sự đồng thuận cao

ANTĐ - Trong các kỳ họp Quốc hội những năm gần đây, có lẽ chưa có bộ luật nào phức tạp, mất nhiều thời gian thảo luận, tranh luận đóng góp ý kiến, kéo dài thời hạn xem xét, thông qua như Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này cũng dễ hiểu bởi đất đai là lĩnh vực rắc rối, bức xúc nhất chiếm tới 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo kéo dài của người dân. Đồng thời đất đai cũng liên quan, ảnh hưởng và tác động tới nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội.

Mặc dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, nêu rõ 4 mục tiêu để xử lý những vấn đề “nóng bỏng” trong quản lý đất đai. Song, sau trọn một ngày thảo luận dự thảo Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật vẫn đưa ra nhiều quy định chung chung, xa rời thực tế. Chẳng hạn về quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, là điểm “tắc nghẽn” lớn nhất dẫn đến tình trạng khiếu kiện ngày một tăng, nhưng trong điểm sửa đổi Luật Đất đai lần này chưa có bước đột phá về nội dung. Những quy định đưa ra vẫn chung chung không bám sát thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương. Phó Trưởng đoàn Quốc hội Hải Phòng phân tích, điều quan trọng mà người dân có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi bị thu hồi đất. Thế nhưng dự thảo Luật chỉ quy định “trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì phải đảm bảo có hạ tầng kỹ thuật hoặc hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Quy định như vậy vẫn chung chung, chưa tính toán kỹ, cụ thể bồi thường, tái định cư như thế nào.

Theo quan điểm của một đại biểu tỉnh Bình Phước, khi người dân chưa được coi trọng trong lĩnh vực đất đai theo quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai, thì sẽ thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân. Không có cơ chế giám sát, dẫn đến lạm quyền, nguyên nhân của tham nhũng và khiếu kiện đất đai dai dẳng và bế tắc trong nhiều năm qua. Vì vậy, đại biểu này đề nghị phải giám sát ngay từ khi ra chủ trương thu hồi đất. Chủ trương có khách quan không, có ngăn chặn được sự lợi dụng thu hồi đất để tư lợi, không vì mục đích chung? Vấn đề con người chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phức tạp trong quản lý đất đai. Do đó, sửa đổi Luật cần làm rõ hơn về trách nhiệm người đứng đầu thì tình hình sẽ được cải thiện hơn nhiều. 

“Nút thắt” lớn nhất trong lĩnh vực đất đai được nhiều đại biểu tập trung tháo gỡ chính là: giá bồi thường khi thu hồi đất thường thấp xa so với thực tế bởi căn cứ để xác định giá đất là rất mơ hồ. Xác định giá đất theo sát giá thị trường hiện là một vấn đề bế tắc không chỉ trong dự án Luật mà cả trong ý kiến của các đại biểu. Có ý kiến nói Nhà nước không cần quy định giá này mà để cho nó tự vận động theo cơ chế thị trường. Có ý kiến lại cho rằng, khung giá đất là do Chính phủ ban hành, nhưng mỗi địa phương có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên rất khó thực hiện. Nếu bỏ khung giá đất thì các địa phương không có cơ sở để tính, tình hình càng phức tạp hơn. Một đại biểu “hiến kế” cần thành lập hội đồng thẩm định giá đất, vừa đưa ra được khung giá sát thực tế, vừa đảm bảo được sự công bằng, khách quan. Tính chất phức tạp của lĩnh vực đất đai cho thấy việc sửa đổi Luật không chỉ để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước, mà còn để giải tỏa những bức xúc của người dân trong lĩnh vực đất đai. 

Lường trước mọi tình huống để khi Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành Luật Đất đai quay trở lại phục vụ nhân dân, nhiều đại biểu cùng nhất trí cho rằng, phải đưa Luật này ra lấy ý kiến nhân dân. Nên để nhân dân “bấm nút” thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vừa huy động được trí tuệ mọi tầng lớp nhân dân, vừa tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.