Cần giảm dần nhập siêu

ANTĐ - Số liệu thống kê mới nhất khiến dư luận giật mình vì con số nhập siêu từ Trung Quốc đã vọt lên 26,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2013. Nhập siêu quá lớn từ thị trường này đã được nhiều cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng cảnh báo, song không những không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng, đặc biệt vào cuối năm, cận Tết. Hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc nhan nhản khắp các đô thị lớn, len lỏi về nông thôn. Sức tiêu thụ không giảm mà còn mạnh hơn trước vì giá ngày càng rẻ.

Ở những khu vực mua sắm sầm uất tại Hà Nội cũng như các chợ lớn ở TP.HCM, không ngạc nhiên khi đụng toàn hàng Trung Quốc từ đũa gỗ, tem các loại, bát đĩa đến đồ gia dụng, thực phẩm, đồ khô, phụ gia, giày dép, quần áo, mỹ phẩm… gắn nhãn “Made in China”. Chưa kể một lượng không nhỏ sản phẩm may mặc gắn mác hàng hiệu, hàng Việt Nam, nhưng thực chất đều là hàng Trung Quốc. Các chủ hàng luôn khẳng định là hàng Việt xuất khẩu, chất đẹp và bền. Song, theo một số đầu nậu chuyên “đánh” hàng từ biên giới phía Bắc thì “hàng Việt xuất khẩu lấy đâu ra nhiều thế”. Hầu hết là hàng Trung Quốc hoặc hàng gắn nhãn mác thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng.

Không riêng gì mặt hàng tiêu dùng, các loại trái cây, rau củ quả có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn đổ về đều đặn. Theo số liệu vừa được Bộ Công Thương công bố, Trung Quốc chiếm gần 29,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, bỏ xa kim ngạch của thị trường các nước ASEAN cộng lại. Ngay cả hai ngành chủ lực xuất khẩu của nước ta là dệt may, da giày chỉ được hưởng đơn giá gia công do phần lớn giá trị gia tăng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc.

Sang năm nay, con số 26,4 tỷ USD sẽ chưa dừng lại nếu không có chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho rằng, giảm phụ thuộc là cần thiết, nhưng không nên nóng vội, vì việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế có chi phí thấp trong một thời gian ngắn là khó khăn. Nước ta chưa tận dụng được lợi ích thương mại với Trung Quốc như Thái Lan, Singapore… Tăng xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, thay vì chủ yếu là hàng thô, sơ chế; đồng thời tận dụng quan hệ thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… có nghĩa là giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc.