Cần định rõ loại thông tin người dân được tiếp cận

ANTĐ - Ngày 14-1, tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào dự án Luật Tiếp cận thông tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải làm rõ thông tin nào công dân được quyền tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế hoặc cấm tiếp cận. 

Cần định rõ loại thông tin người dân được tiếp cận ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, quy định về mục “thông tin được cung cấp” trong dự án Luật Tiếp cận thông tin hiện còn 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp, theo đó, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Luồng ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra. “Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với ý kiến thứ nhất vì nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho công dân. Bởi nếu theo quy định này, với các văn bản do Bộ trưởng ban hành, các cơ quan thuộc ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện sẽ không được cung cấp thông tin vì lý do không phải do họ tạo ra” - ông Phan Trung Lý nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin. Theo đó, không chỉ có cơ quan Nhà nước mà cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách Nhà nước cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Dẫn chứng “người dân đến trường học, bệnh viện muốn hỏi về học phí, viện phí thì các đơn vị này phải có trách nhiệm cung cấp thông tin”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin là hết sức cần thiết. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý, quy định về “những thông tin cần phải được công khai” trong dự luật còn thiếu rất nhiều, cần tiếp tục rà soát, bổ sung.

Góp ý vào dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải quy định rõ trong luật thông tin gì thì được tiếp cận, thông tin gì được tiếp cận một phần hay không được tiếp cận. “Nếu không giải quyết được điều đó thì luật không có giá trị. Hiện nay, tất cả những thông tin được tiếp cận, không được tiếp cận đã có quy định trong pháp lệnh nên cần rà soát lại, đưa vào để đảm bảo minh bạch, nếu không Quốc hội sẽ không thể thông qua luật này” - Chủ tịch Quốc hội nói. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu không quy định rõ, sẽ xảy ra tình trạng người có trách nhiệm không muốn cung cấp thông tin thì “cứ đóng dấu mật là xong”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Luật phải nói rõ thông tin nào là “mật”, thông tin nào được tự do tiếp cận, có luật mà vẫn để “cửa” cho ai đó đóng dấu “mật” thì chỉ khổ dân”.

Cũng trong ngày 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào việc xây dựng các tiêu chí để thành lập Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân ở một số địa phương; thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày chủ nhật, 22-5-2016.