Khủng hoảng giá trị gia đình (1)

Các mô hình gia đình và sự kết nối

ANTĐ - Con người hiện đại có quá nhiều nhu cầu, có quá nhiều mối quan tâm, có quá nhiều công việc. Những công việc hàng ngày để đảm bảo nhu cầu tồn tại, những mối quan tâm về tương lai cá nhân và những mối quan tâm lớn hơn về đất nước, về cộng đồng dân tộc cả hiện tại, cả tương lai. Nhưng sâu thẳm trong mỗi trái tim…. lên tất cả các mối quan tâm, các công việc, đến bỏ qua cả những nhu cầu cá nhân là gia đình.

Vâng, gia đình với cha mẹ và những người thân, gần gũi hơn cả là vợ chồng và con cái. Gia đình trong xã hội hiện đại, chính là tế bào của xã hội, không có nó sẽ không có xã hội, không có gì cả. Nhưng cũng chưa bao giờ gia đình lại đứng trước nhiều nguy cơ, nhiều cuộc tấn công, mà thậm chí những cuộc tấn công có quy mô toàn cầu mà gia đình thì đơn lẻ, mong manh làm sao. Hình như những nỗi lo lắng về kinh tế, về giáo dục, về tài chính, về môi trường, thậm chí là về ách tắc giao thông đang lấn át, đang chiếm hết tâm sức của con  người, của toàn xã hội, làm cho người ta quên đi một nỗi lo lắng khác, nỗi lo cho cho sự tồn tại của gia đình.

Tất cả những người đã từng thụ giáo nhà triết học Nguyễn Hồng Phong đều biết một cách nhìn của thầy về sự phát triển của xã hội loài người. Đó là sự chia nhỏ đơn vị của xã hội. Từ loài đến các bộ lạc, rồi đến các thị tộc (dòng họ) rồi đến gia đình và tương lai, đơn vị xã hội sẽ là cá nhân. Xã hội loài người của thiên niên kỷ thứ 2 và đầu thiên niên kỷ thứ 3 đang ở giai đoạn đơn vị xã hội là gia đình và chúng ta có thể phấn đấu hết sức mình và mừng vui cho mọi thành tựu phát triển của xã hội loài người nhưng sẽ đau đớn vô cùng nếu sự phát triển này làm tan vỡ gia đình. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 70, những hồi chuông kêu gọi sự bảo vệ gia đình đã được gióng lên trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng…

Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước vẫn là mô hình gắn chặt với thị tộc (dòng họ). Gia đình nhỏ vẫn có nhưng tồn tại trong các giao ước với dòng họ, chưa độc lập. Mọi quyết định riêng lẻ chỉ được thực thi nếu được dòng họ chấp nhận. Mô hình phổ biến của gia đình trong giai đoạn này là mô hình tứ đại hoặc tam đại, có thể đồng đường (chung nhà) cũng có thể không, nhưng tam đại, tứ đại mới là yếu tố quyết định. Vào những năm đó gia đình không gắn chặt với dòng họ được coi là những kẻ ngụ cư, những kẻ tha phương cầu thực, những kẻ mất gốc… mà trong đời sống không ai giúp đỡ. Với những biến động lịch sử làm rung chuyển dân tộc, gia đình có những thay đổi lớn lao. Các gia đình nhỏ bắt đầu tách ra khỏi dòng họ và tự quyết số phận của mình. Mô hình gia đình vào nửa sau của thế kỷ 20 tại Việt Nam là mô hình chỉ gồm ông bà, cha mẹ, con cái (tam đại). Trong mô hình này ông bà đóng vai trò quyết định dần dần thay thế bằng vai trò hướng dẫn, chỉ bảo… Và gia đình nhỏ gồm cha mẹ, con cái dần được quyết định số phận mình. Dĩ nhiên nguồn gốc của sự thay đổi này chính là sự thay đổi về quyền sở hữu tài sản. Khi các công dân có quyền sở hữu tài sản, họ sẽ được tự quyết số phận mình.

Mô hình phổ biến nhất của gia đình hiện nay là mô hình vợ chồng và các con chưa trưởng thành. Theo kết quả tổng điều tra dân số đến ngày 1- 4- 2009, cả nước có 85.784.573 người với khoảng trên 3 triệu hộ gia đình. Theo điều tra của chúng tôi hiện chỉ còn khoảng dưới 1 triệu hộ còn có mô hình tam đại đồng đường. Như vậy mô hình gia đình phổ biến chỉ gồm khoảng 4 người, gia đình với hai vợ chồng đóng vai trò chủ yếu với một hoặc hai con nhỏ. Tìm hiểu mô hình này chúng ta sẽ xác định những mối liên kết giữa các thành viên gia đình, những yếu tố quyết định sự tồn tại gia đình, từ đó sẽ xác định được những nguy cơ đối với sự tồn tại của gia đình.

Với mô hình gia đình phổ biến hiện nay, trách nhiệm gia đình đặt lên vai hai vợ chồng, hai người lớn của gia đình. Họ có trách nhiệm làm việc để có thu nhập đảm bảo nhu cầu kinh tế của gia đình. Họ có trách nhiệm nuôi dạy các con đến lúc trưởng thành. Trưởng thành không chỉ theo nghĩa pháp luật tròn 18 tuổi, mà còn có nghĩa vụ khi các con có thể tự lập được. Ngoài mối liên kết về kinh tế, còn có mối liên kết về tình cảm. Hai người phải thực sự thương yêu nhau và có nhu cầu sống chung với nhau mới có thể tồn tại một gia đình. Theo nghĩa truyền thống, gia đình chỉ tồn tại được nếu đủ nghĩa tình với nhau. Nghĩa là có trách nhiệm với nhau cả về kinh tế lẫn tình cảm.

Vào khoảng trước năm 1970, trách nhiệm về kinh tế trong gia đình chủ yếu do đàn ông (người chồng) gánh vác, cho đến nay trách nhiệm này là bình đẳng, cả hai người cùng gánh vác. Câu thành ngữ "chồng là cái giỏ, vợ là cái hom" của các cụ là chỉ tình trạng này, chồng là người tạo ra thu nhập, vợ là người nắm giữ, điều hành. Những năm đó, chồng đi làm, nộp lương cho vợ, nộp toàn bộ cho vợ chỉ giữ lại ít tiền tiêu vặt, người vợ lo toàn bộ nhu cầu gia đình bằng khoản thu nhập của chồng cùng các khoản thu phụ. Đến nay, về kinh tế trong gia đình cả hai đều chịu trách nhiệm. Hai vợ chồng thường công khai các khoản thu và các khoản chi để cùng nhau gánh vác. Tất nhiên đó là những người thực sự muốn duy trì gia đình.

Về tình cảm, trước những năm 1970, lỗi ngoại tình được coi là vấn đề rất nghiêm trọng và ít xảy ra do quan niệm đạo đức cổ truyền còn rất coi trọng, mặt khác những điều kiện kinh tế, xã hội cũng không thuận cho việc ngoại tình. Vì vậy, chữ tình chủ yếu phụ thuộc vào ứng xử giữa hai vợ chồng. Những năm đó, thậm chí tình yêu nam, nữ cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ, người ta nói tới chữ "tìm hiểu" để đi đến hôn nhân tức là tìm hiểu những điều kiện để cùng nhau xây dựng một gia đình. Như vậy cái tình đi sau cái nghĩa. Nhưng đến bây giờ tình cảm giữa hai vợ chồng đang là yếu tố quyết định mà những điều kiện về trách nhiệm, nghĩa vụ chỉ còn là yếu tố được soi dưới ánh đèn phòng xử án.

Tôi có quen một gia đình nhỏ, chồng làm kỹ sư xây dựng, vợ làm kế toán, hai vợ chồng yêu nhau trên công trường xây dựng và lấy nhau. Một gia đình tuyệt vời với một đứa con trai bụ bẫm sống trong một ngôi nhà nhỏ do chính tay người chồng chỉ đạo xây dựng. Một thời lúc nào họ cũng tay trong tay và là niềm ao ước của bao người. Vậy mà bão nổi. Do một sai sót trên công trường, một việc chẳng liên quan đến tình cảm của hai vợ chồng, anh chồng phải đền cho công trình một số tiền lớn, gia đình phải bán ngôi nhà của hai vợ chồng, cũng vì sai sót ấy, anh chồng mất vị trí trong cơ quan, kèm theo là giảm thu nhập. Chị vợ phải đưa con về gửi nhà ngoại. Những khó khăn về kinh tế là liều thuốc độc cho tình yêu của họ, hai năm sau vụ tai nạn, họ ra tòa chia tay trong sự tiếc nuối không chỉ của những người quen biết mà của chính hai vợ chồng.

Theo luật sư Phạm Hồng Hải trong cuộc trao đổi với tôi, thống kê của tòa án cho thấy tỷ lệ ly hôn do ngoại tình chiếm tới trên 58% số vụ ly hôn, nhưng ngoại tình chỉ là cái cớ, có đến 70% các vụ ly hôn có nguyên nhân từ kinh tế gia đình sa sút. Trong các vụ ly hôn do nguyên nhân kinh tế, rất khó quy kết ai sai, ai đúng, nhu cầu của gia đình là có thật, kinh tế là xương sống của gia đình, không có tiền để nuôi con, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, tiền học cho con… Không thể có gia đình.

Anh bạn thân của tôi, cùng nghề báo chí có đứa con trai 20 tuổi, bỗng nhiên một ngày, cậu con trai đưa một cô gái bụng lùm lùm về đòi bố tổ chức cưới. Nhìn cái bụng của cô con dâu tương lai, anh bạn tôi đành nhắm mắt đồng ý. Đám cưới đơn giản vì anh bạn tôi tiên cảm rằng mối quan hệ của hai trẻ sẽ không dài lâu. Hai vợ chồng nghề nghiệp đều chưa đâu vào đâu, thu nhập thất thường, mọi nhu cầu gia đình đều trông cậy vào hai bên nội ngoại. Anh bạn tôi cẩn trọng thuê cho hai vợ chồng một căn hộ chung cư ở riêng, anh tặc lưỡi: Để chúng nó tự đương đầu với mọi khó khăn. Nhưng đương đầu làm sao được. Nay con ốm, mai vợ đau, tiền điện, tiền nước, tiền thuốc, tiền viện… Và khi hai họ ngãng ra, cô con dâu trả con về  cho nhà chồng đi thẳng, không ngoảnh lại. Thế là kết thúc một gia đình. Trường hợp này là một ví dụ về việc lập một gia đình mà không quan tâm tới các điều kiện tồn tại của gia đình. Tức là bản thân cái gia đình nhỏ của hai cô cậu đã tan vỡ từ trước khi nó ra đời, đúng nhất là gia đình này không tồn tại như gia đình mà chỉ là cái biện pháp để hợp thức hóa cái bụng của cô gái, khi cô gái sinh đẻ xong cái gia đình nhỏ này đương nhiên hết nhiệm vụ và nó sẽ bị thải hồi.

Trường hợp của một ông ở Bộ Y tế lại cho một bộ mặt khác. Ông chức tước cũng khá, thời đương chức cũng có nhiều người cầu cạnh và vì vậy bổng lộc cũng khá. Vợ con ông coi ông là niềm tự hào lớn. Ngày ông sắp về hưu, biết trước bổng lộc không còn, ông đã lập cho vợ một quán cà phê ở ngay nhà của ông. May thay quán cà phê cũng có khách. Ngày ông về hưu, lễ tiễn ông được tổ chức ngay tại quán cà phê của ông, vui và cảm động lắm. Anh em ở cơ quan thán phục chị vợ ở chỗ chăm chút cho ông, trông nom quản lý quán cà phê đâu ra đấy. Thu  nhập không cao cũng đảm bảo đời sống sung túc cho gia đình. Ai ngờ một năm sau, dẫu ở tuổi 61 rồi, ông công chức già bất ngờ đâm đơn ly dị. Mặc cho bà vợ khóc lóc van vỉ, mặc cho các con thuyết phục, ông nhất quyết ly dị. Tòa án xem xét, hai ông bà không có quan hệ ngoài hôn nhân, sống thanh bạch, không cãi chửi nhau… không cho ly hôn. Nhưng do ông quá cương quyết, tòa án đành chấp thuận. Mãi sau này ông mới tâm sự: từ ngày về hưu ông hay ra quán giúp đỡ vợ. Nhưng lâu dần bà coi ông như người phục vụ, sai bảo không khác người làm thuê. Một lần ông bê cà phê cho khách, bị đánh đổ, bà mắng một câu: ông đúng là đồ vô tích sự. Ông bỏ lên phòng nằm. Một tháng sau ông đâm đơn ly dị. Còn bà khi biết chuyện bà rất đau khổ, bà chỉ nghĩ đây là quán gia đình, mọi việc lấy lợi ích gia đình làm trọng, có nhờ ông ấy là vì gia đình chứ có phải vì bà đâu?

Ở vụ này nguyên nhân tan vỡ gia đình là do thay đổi vị trí, trách nhiệm về kinh tế của gia đình mà một trong hai vợ chồng không thích ứng được.

Còn nhiều nữa những lí do để gia đình tan vỡ vì lý do kinh tế. Dân số nước ta có trên 85 triệu người trong đó có 25,4 triệu người sinh sống tại đô thị, chiếm 26,6%, phần lớn (14%) mới gia nhập đời sống thì phải đối mặt với nhiều bất trắc của một nền kinh tế thị trường, đối mặt với những cơ hội bất ngờ và cả những vụ thất bại bất ngờ. Những bất trắc ấy cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ đổ vỡ của gia đình. Phá sản, nợ nần, mất việc, thay đổi vị trí công tác… Tất cả đều là nguy cơ. Nhưng mới là một nửa, phần cái nghĩa, còn nửa kia, nửa lớn hơn là chữ tình còn chứa đựng nhiều nguy cơ với gia đình hơn.