Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi có một tình yêu rất riêng với Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không rình rang về mặt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc, song Vũ Thắng Lợi lại có sự bứt phá cực kỳ ngoạn mục so với lứa ca sĩ cùng thời và cùng dòng nhạc với mình. Giọng ca sinh năm 1985 được xem “hậu sinh khả úy” trong mắt lớp nghệ sĩ tiền bối của dòng nhạc “đỏ” và nhạc thính phòng. Không chạy “sô” nhiều, cũng ít xuất hiện, nhưng mỗi lần “bung” ra của Vũ Thắng Lợi là một lần khiến người yêu nhạc không khỏi ngạc nhiên.

Luôn tìm thấy sự tươi mới

- Phóng viên: Chào Vũ Thắng Lợi, chỉ 1 năm sau khi ra mắt đĩa than “Quê”, anh lại sửa soạn ra mắt đĩa than thứ 2 “Hà Nội riêng tôi”. Làm đĩa than vừa tốn công, vừa tốn kém. Điều gì khiến anh quyết định “chịu chơi” đến vậy?

- Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nhưng bố tôi lại là người gốc Hà Nội. Vợ tôi cũng là người Hà Nội và tôi đã có nhiều năm sinh sống, lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất này. Có lẽ vì thế mà tôi có một tình yêu rất riêng với Hà Nội. Hơn nữa, ngần ấy năm sống ở đây, tôi nghĩ mình cũng phần nào thấm được tinh thần của người Hà Nội. Vả lại, tôi rất tâm đắc với câu nói “không quan trọng việc mình là người ở đâu, mà quan trọng là mình sống ở đây và mang tinh thần người Hà Nội thì sẽ là người Hà Nội”. Trong suy nghĩ của tôi thì người Hà Nội không chỉ hào hoa, phong nhã mà còn lịch thiệp và tri thức. Tôi ấp ủ làm đĩa nhạc này cách đây 2 năm rồi, nhưng tới giờ mới có thể hoàn tất và giới thiệu tới mọi người.

- Chữ “riêng” trong tựa đề đĩa gợi sự tò mò không nhỏ. Anh lý giải thế nào về sự “riêng” mà mình muốn gửi gắm ấy?

- Như tôi đã chia sẻ, “Hà Nội riêng tôi” là sự cảm nhận của riêng tôi về Hà Nội. Nhưng trong cái riêng đó sẽ có cả cái riêng của mọi người nữa. Tôi nghĩ, ai cũng có những cảm nhận riêng, muốn nói lên cái riêng đó nhưng chưa hoặc không dám thể hiện ra thôi. Tôi vẫn nghĩ, dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng mình có một tình yêu riêng với mảnh đất này và có cách riêng để thể hiện tình yêu đó. Như những ca khúc về Hà Nội đã có rất nhiều nghệ sĩ thể hiện, nhưng tôi nghĩ mình sẽ có cách biểu đạt riêng.

- Nghe nói hành trình để ra đĩa này khá vất vả. Anh có thể chia sẻ một chút không?

- Đúng vậy, dù đây không phải lần đầu tôi làm đĩa than, nhưng lại là lần đầu gặp khá nhiều trắc trở (cười). Sau khi đĩa nhạc được phối khí xong, tôi gửi sang Mỹ để làm hậu kỳ nhưng lúc nhận về thì sản phẩm lại bị lỗi, chưa được ưng ý lắm nên tôi và nhạc sĩ Hồng Kiên quyết định gửi lại để làm lần 2. Không may, lúc gửi sang bên đó thì nhà sản xuất lại quá đông, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quá trình sản xuất bị chậm lại và phải xếp hàng rất lâu mới tới lượt. Vì thế chúng tôi lập tức chuyển hướng từ Mỹ sang Nhật. Trong cái rủi lại có cái may, nhờ thế mà văn hóa và âm nhạc Hà Nội lại có dịp đi ngao du khắp thế giới, giống như “lửa thử vàng” vậy. Cuối cùng phải mất 3-4 lần mới quay trở về Việt Nam. Cũng chính bởi thế mà tôi lại càng quyết tâm làm liveshow cùng tên cho thỏa sự vất vả đó (cười).

- Để chọn ra được những ca khúc về Hà Nội đưa vào đĩa này, anh có phải cân não lắm không, bởi viết về mảnh đất Kinh kỳ thì có vô khối sáng tác hay?

- Có đấy, quả thật rất khó vì kho tàng các bài hát về Hà Nội quá nhiều, quá hay rồi, mình chọn ca khúc với tâm lý “bỏ bài này, tiếc bài kia”. Song, cuối cùng tôi quyết định sẽ chọn những ca khúc mà mình cảm nhận được sâu sắc nhất, rõ rệt nhất. Đó là những sáng tác quen thuộc và nổi tiếng về Hà Nội của nhiều nhạc sĩ khác nhau như: “Hướng về Hà Nội”, “Hà Nội và tôi”, “Quê nhà”, “Nỗi lòng người đi”, “Hoa sữa”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”, “Hà Nội ngày ấy”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Phố nghèo”, “Hà Nội ngày trở về”... Thực tế đứng hát trên sân khấu có cả trăm, cả nghìn khán giả ngồi xem phía dưới rất khác với khi đứng một mình trước micro trong 4 bức tường của phòng thu. Vì thế, tôi chọn hát những bài mà mình phải dung nạp được tất cả năng lượng tốt nhất về tình yêu Hà Nội, từ đó tự mình bày tỏ tâm hồn mình. Khi làm đĩa này, tôi mong muốn khán giả khi nghe không cảm thấy bị mệt quá, nặng nề quá về mặt cảm xúc mà luôn tìm thấy sự tươi mới mỗi khi thưởng thức.

Cuốn sách về âm nhạc và văn hóa Hà Nội

- Thường các nghệ sĩ làm đĩa than thì rất ít khi ra định dạng đĩa CD, còn Vũ Thắng Lợi làm “Hà Nội riêng tôi” với cả 2 định dạng, hẳn anh có lý do riêng?

- Thật lòng cả tôi, nhạc sĩ Hồng Kiên và cộng sự đều mong mỏi “Hà Nội riêng tôi” cần phải được mở rộng đối tượng người nghe nên mới quyết định làm thêm định dạng đĩa CD. Chứ còn thực ra, đối tượng người nghe ở 2 định dạng này là khác nhau, làm đĩa than rồi mà in thêm đĩa CD cũng không phải là “thượng sách” nếu không muốn nói là càng làm càng lỗ. Song, chúng tôi rất muốn chiếc đĩa này sẽ giống như một cuốn sách về âm nhạc và văn hóa Hà Nội mà ai cũng có thể tiếp cận được.

- Nghe đĩa có thể thấy có chút gì đó hơi hướng âm nhạc điện tử, anh nghĩ sao nếu ai đó nói chưa quen nghe những ca khúc về Hà Nội với phong cách này?

- Có thể nhiều người quen nghe các ca khúc về Hà Nội với cách phối nhạc trước kia. Tôi thì nghĩ, ngày xưa nếu muốn thu những sáng tác này với cả một dàn nhạc mang hơi hướng bán cổ điển semi-classic, với dàn dây, đòi hỏi cần có cả hệ thống thu âm hiện đại… thì chắc chắn là khó rồi. Vì bối cảnh và điều kiện kỹ thuật lúc đó khác. Nhưng bây giờ mình đang sống ở thời đại có điều kiện làm việc đó thì tại sao mình lại không làm? Tuy nhiên, dù là mang phong cách âm nhạc như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là gợi lại những gì mà người ta có thể đã đánh mất hay chưa tìm thấy trong quá khứ khi nghe lại những ca khúc đó. Bản thân các ca khúc về Hà Nội vốn dĩ đã rất hay rồi, có sức sống và giá trị nhân văn riêng rồi, mình chỉ làm thế nào để giúp khán giả tìm thấy ký ức trong bài hát đó thôi.

- Không chỉ làm đĩa mà anh còn làm hẳn liveshow “Hà Nội riêng tôi”. Nếu đứng ở góc độ làm liveshow hát về Hà Nội mà bán vé “tay bo” thì với một nghệ sĩ trẻ như anh, có vẻ hơi mạo hiểm. Anh có nghĩ vậy không?

- Tôi có nói vui với nhạc sĩ Hồng Kiên rằng, cũng vì không thể chọn nhiều bài hát về Hà Nội để đưa vào đĩa nên mình phải làm hẳn liveshow để hát cho bõ. Nói vui vậy nhưng có thể xem đó là một trong những lý do tôi quyết định làm liveshow lần này. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc sau này cứ ra đĩa thì sẽ làm đêm nhạc song hành. Tôi làm đĩa than và liveshow “Hà Nội riêng tôi” chỉ vì âm nhạc. Với tôi, tên tuổi không quan trọng bằng việc làm thế nào để khơi gợi ký ức của người nghe, để đưa người nghe về được bản ngã của họ. Nói thật, làm liveshow rất vất vả, nhất là với những người theo đuổi dòng nhạc như tôi. Dạo này tôi già đi nhiều vì phải bươn chải lo làm đấy (cười). Tôi đã hy sinh rất nhiều mới có được cuộc chơi này nên mong là chương trình sẽ bán được vé. Có thể mình thiệt thòi chút về kinh tế, nhưng cần những đêm diễn như thế này để tôn vinh các tác giả, tôn vinh các bài hát hay sống mãi với thời gian. Đó là một phần trách nhiệm của người nghệ sĩ.

- Đêm diễn tới, ngoài những ca khúc quen thuộc về Hà Nội, anh có định đưa vào những bài hát nào đặc biệt khác không?

- Hầu hết các ca khúc trong chương trình này là những sáng tác lần đầu tiên tôi trình diễn. Trong đó sẽ có cả những bài hát tưởng chừng như đã bị lãng quên như “Im lặng sông Hồng” của nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng. Ca khúc này anh ấy viết về Hà Nội, nhưng sau đó không may qua đời nên bài hát không được lan tỏa nhiều.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Vũ Thắng Lợi sinh năm 1985, tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc ở Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội; tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Biểu diễn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh từng giành giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2008; giải Ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và giải Người thể hiện ca khúc hay nhất về Hà Nội; giải Nhì dòng Thính phòng cuộc thi Sao Mai 2011... Vũ Thắng Lợi được đề cử giải Âm nhạc Cống hiến năm 2015 ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm. Vũ Thắng Lợi đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Trong đêm nhạc “Hà Nội riêng tôi” diễn ra vào tối 3-12-2022 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, anh sẽ tạo sự khác biệt với việc mời họa sĩ Lê Thiết Cương tạo ra cuộc đối thoại giữa âm nhạc và hội họa.