Ca sĩ Trọng Tấn: Đôi lúc chọn giải pháp im lặng

ANTĐ - Nghỉ dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trọng Tấn liên tục “việt dã” với những dự án âm nhạc riêng. Nam ca sĩ xứ Thanh cũng là giọng hát hiếm hoi ở dòng nhạc chính thống nhận được lời mời kết hợp với nhiều ca sĩ ở dòng nhạc trẻ. Anh đã chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về cuộc sống hiện tại của mình.

Trọng Tấn hạnh phúc bên người bạn đời có ảnh hưởng rất lớn đến anh

Không định “lấn sân” sang showbiz

- PV: Kể từ khi nghỉ dạy ở Nhạc viện, cuộc sống của anh có xáo trộn nhiều lắm không? 

- Ca sĩ Trọng Tấn: Xáo trộn thì không, nhưng thay đổi thì chắc là có. Nghỉ dạy, tôi có thể chủ động hơn trong việc sắp xếp quỹ thời gian cho cuộc sống của mình. Trước kia muốn lên lịch đi nghỉ ngơi cùng gia đình cũng khó vì kín lịch dạy với lịch diễn, giờ thì tôi có thể đưa gia đình về quê nghỉ ngơi, thăm người thân và bạn bè. Thật ra nghệ sĩ chúng tôi rất cần có khoảng thời gian như vậy để nạp năng lượng cho những kế hoạch âm nhạc mới, nếu không rất dễ rơi vào trạng thái kiệt sức.

- Bận “chạy sô” liên miên, nhận lời hát chung với những giọng ca không cùng dòng nhạc với mình như: Bằng Kiều, Nguyên Thảo… khiến nhiều người nghĩ anh đang có ý định “lấn sân” sang showbiz?

- Tôi không có ý định đó. Tôi nghĩ mình ít nhiều cũng đã tạo dựng được chỗ đứng riêng nên không định làm điều gì đó khác biệt để gây “sốc” hay thu hút sự chú ý của mọi người. Trước bất kỳ lời mời kết hợp nào, tôi đều đắn đo cân nhắc rất kỹ xem sự kết hợp ấy có ý nghĩa thế nào và có đem lại điều gì mới mẻ cho công chúng hay không. Mọi người vẫn quen nghe tôi hát ở dòng nhạc chính thống nhưng thật ra tôi có thể hát được cả nhạc trẻ, thậm chí là cải lương. Thế nên nếu có lời mời đi hát ở những dòng nhạc này, có khi tôi cũng…dám (cười).

- Người ta đồn sau khi nghỉ dạy, “cát sê” của anh cũng tăng đáng kể?

- Tôi vẫn đi diễn bình thường, không có sự tăng hay giảm mức thù lao diễn cả. Tôi cũng nói vui là mong được đóng thuế thu nhập cá nhân đến 1 tỷ đồng vì kiếm được nhiều tiền nhưng đó cũng chỉ là mong ước vậy thôi. Có chương trình không có cát-sê, tôi vẫn nhận lời hát. Có chương trình chỉ bồi dưỡng ca sĩ vài trăm nghìn đồng, tôi cũng hát. Điều quan trọng là ý nghĩa xã hội của chương trình đó thôi.  

Tin tưởng “cố vấn vợ”

- Quay trở lại với chuyện nghỉ dạy, nghe nói vợ anh cũng tác động không nhỏ đến quyết định này?

- Thật ra tôi đã có ý định này cách đây 2 năm nhưng không quyết định được vì cả hai vợ chồng đều trăn trở và băn khoăn rất nhiều, nhất là vợ tôi. Cô ấy lo tôi đang là một giáo viên, một người hát nhạc chính thống, có công việc ổn định, nếu nghỉ dạy ở trường thì sẽ thế nào. Vợ tôi đúng là có tác động rất lớn đến tôi trong việc này. Ngay cả khi đi đến quyết định vừa rồi, cô ấy cũng mất ăn mất ngủ và lo lắng hơn tôi rất nhiều. Tôi đã phải nói chuyện rất nhiều để cô ấy hiểu và đồng tình. 

- Nghe như vợ anh đúng là người có ảnh hưởng đến anh rất nhiều trong sự nghiệp?

-Bà xã tôi không làm nghệ thuật nhưng ảnh hưởng đến hầu hết các bước đường tôi đi, từ chuyện đầu tóc ăn mặc đến việc làm đĩa, tôi cũng luôn trao đổi rất kỹ với vợ. Có nhiều tác phẩm chính cô ấy là người đề nghị tôi đưa vào và đã thành công, như ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, tôi chỉ định hát chơi nhưng cô ấy khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: “bài này nếu đưa vào đĩa sẽ sống với Hà Nội”. Tôi nghe theo đưa ca khúc này vào đĩa “Tiếng đàn bầu” và quả thật đã để lại cho người nghe nhiều cảm xúc. Với tôi, cô ấy đúng là một người bạn đời thật sự.

- Điều gì khiến một ca sĩ chuyên nghiệp như anh tin tưởng vào sự cố vấn của một người không chuyên về âm nhạc như vợ anh thế?

- Có lẽ vì chúng tôi là… vợ chồng (cười), từ quyền lợi đến mọi thứ đều là của nhau thì không có lý gì để không hiểu và làm tất cả vì nhau. Tôi thấy nhiều đôi vợ chồng sống “lạc” nhau, ai làm gì thì làm dù rằng vẫn tôn trọng nhau, gần như chỉ đơn giản là chung một mái nhà. Tôi lại nghĩ khác, hai vợ chồng ít ra phải là hai người bạn. Đó là điều vô cùng quan trọng vì những cảm xúc lãng mạn khi yêu sẽ không có nhiều lắm trong cuộc sống gia đình. Nếu không hiểu thì rất dễ bị hẫng. Cũng may tôi và vợ không bị rơi vào cảm giác đó. 

-  Dù sao “bát đĩa cũng có lúc xô”, anh và vợ anh hẳn cũng có những khi như vậy?

- Cũng có nhưng chúng tôi vượt qua được vì biết nhìn vào những điểm tốt và mặt tích cực của nhau. Tôi là người tương đối điềm tĩnh trong mọi vấn đề và học được chữ “Nhẫn”. Đôi lúc tôi chọn giải pháp im lặng và vợ tôi luôn là người nhận ra điều tôi muốn nói. Đó chính là sợi dây gắn kết quan trọng nhất giữa chúng tôi. 

- Xin cảm ơn và chúc anh thành công!