Ca sĩ Phạm Phương Thảo: "Tôi sợ cha mẹ khuất núi mà mình không về kịp"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giọng ca xứ Nghệ tâm sự, cô từng rất sợ mỗi khi đến chuyện một ngày nào đó bậc thân sinh ra mình lìa xa trần thế. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, cô lại rơi nước mắt.

Trong buổi gặp gỡ giới thiệu MV "Cõng mẹ về trời" - MV được chính Phạm Phương Thảo phổ nhạc dựa trên bài thơ "Cõng mẹ đi chơi" của tác giả Khánh Dương, giọng ca xứ Nghệ bày tỏ, cô không phải tuýp người biết thể hiện tình cảm bằng lời nói. Đó là lý do cô gần như không bao giờ nói ra lời yêu thương với bậc thân sinh ra mình mà chỉ lặng lẽ thể hiện bằng việc làm và sự quan tâm cụ thể. Nữ ca sĩ bày tỏ, cô làm gì cũng nghĩ đến cha mẹ trước tiên. Suốt một thời gian dài, cô từng rất lo sợ khi nghĩ đến cảnh một ngày nào đó phải nói lời chia ly với những người đã sinh thành ra mình và mỗi lần hình dung ra cảnh tượng đó, cô lại không kìm nén được xúc động.

Cho tới giờ khi đã thành danh, có cuộc sống ổn định, có thể tự lo liệu cho mình và đỡ đần người thân trong gia đình, Phạm Phương Thảo vẫn giữ tính cách kín kẽ, có chăng là những trải nghiệm trong cuộc sống giúp cô thấu hiểu và giác ngộ nhiều giá trị ý nghĩa, kể cả chuyện "sinh ly tử biệt".

"Tôi vẻ ngoài mạnh mẽ như vậy thôi nhưng đôi khi lại rất yếu đuối. Tôi từng trải qua hai lần mất mát bất ngờ chia ly hai người thầy lớn của mình là thầy Quý Dương và thầy An Thuyên. Tôi không lường trước sự chia ly người thân đau đớn thế nên tôi rất sợ. Tôi thường ám ảnh khi tưởng tượng chuyện cha mẹ một ngày sẽ rời bỏ mình. Khi đó tôi quyết tâm không cho phép mình yếu đuối, không lo lắng sợ hãi mà nghĩ phải sống thế nào để cha mẹ hạnh phúc, yên tâm và làm mọi điều để không phải nuối tiếc điều gì khi cha mẹ còn sống." - giọng ca xứ Nghệ trải lòng.

Dần dần, từ chỗ lo sợ đến đau thắt lòng mỗi khi nghĩ đến cảnh biệt ly âm dương cách trở, cô tập làm quen với suy nghĩ nhẹ nhàng, rằng sống ở trên đời này chẳng ai tránh được cảnh "sinh ly tử biệt", quan trọng là khi sống ở trên đời, mình cố gắng làm tròn bổn phận của một người con, sống hiếu thuận và yêu kính mẹ cha, có vậy thì dù có "tử" cũng không bao giờ "biệt". Phạm Phương Thảo bộc bạch, phận làm con thì ai cũng ít nhiều có lỗi với cha mẹ. Riêng cô tự cảm thấy mình không chỉ có lỗi mà còn nhiều tội nữa. Ngay như chuyện cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con cái yên bề gia thất, vuông tròn trọn vẹn bề riêng nhưng cho tới bây giờ, cô vẫn chưa làm được điều đó, vẫn "né" nhắc tới chuyện này mỗi khi ai đó nhắc.

Trong một lần gần đây khi "lướt" mạng xã hội và bắt gặp bài thơ "Cõng mẹ đi chơi" của tác giả Khánh Dương, Phạm Phương Thảo cảm thấy vô cùng rung động, đồng cảm và những giai điệu đầu tiên dựa trên bài thơ này bất chợt vang lên trong suy nghĩ của cô. Ghi nhớ những cảm xúc đó, cô xin phép tác giả phổ nhạc bài thơ này và chắp bút viết nên ca khúc "Cõng mẹ về trời". Nói về việc đổi tên từ "đi chơi" thành "về trời", nữ ca sĩ lý giải, bài thơ của tác giả Khánh Dương có tứ thơ và ngôn ngữ là cuộc chơi về thế giới bên kia. Thế nên cô nảy ra ý nghĩ đổi tên ca khúc thành "Cõng mẹ về trời" với ý nghĩa, đó là cuộc du ngoạn về cõi thiên thai và trong chuyến đi ấy, người con luôn đồng hành với mẹ của mình chứ không phải "đi chơi lang thang".

Nói thêm về việc phổ nhạc dựa trên ý thơ của người khác, Phạm Phương Thảo cho biết, cô viết nhạc khó hay dễ phụ thuộc tâm trạng cảm xúc của bản thân mình, có khi cô dành thời gian viết cả tháng không thành, nhưng có khi vô tình bắt gặp ý thơ nào đó thì lại viết rất nhanh. "Cõng mẹ về trời" là mối duyên tri ngộ của cô và tác giả mà cô rất nâng niu và trân trọng. Tác giả bài thơ là một người anh mà cô quen biết đã lâu, một người rất chân thành tử tế. Cô thường đọc các bài thơ của anh và thích tứ thơ, ý thơ được gửi gắm qua từng câu chữ.

Sau khi sáng tác xong ca khúc "Cõng mẹ về trời", Phạm Phương Thảo hát cho mẹ mình nghe đầu tiên. Lần đầu nghe, mẹ cô bảo hay nhưng “hơi quai quái, liêu trai" trong khi bà thích sự dịu dàng, ngọt ngào. Đến khi thu âm xong bài hát này, cô mở cho mẹ nghe, lúc này dường như bà mới cảm nhận được hết tình cảm mà con gái muốn gửi gắm trong đó và khen hay, điều đó giúp cô cảm thấy tự tin hơn. Phạm Phương Thảo chia sẻ, cô làm MV ca khúc này cũng với tinh thần truyền tải thông điệp ý nghĩa về nhân sinh quan, quan niệm luân hồi trong đạo Phật, cụ thể là chia ly nhưng sẽ có ngày gặp lại chứ không phải mãi mãi biệt ly.

Về trang phục trong MV, Phạm Phương Thảo tiết lộ, ban đầu cô định sẽ xuất hiện trong vai trò một người con hát về mẹ, khóc về mẹ. Tuy nhiên sau đó khi trao đổi với đạo diễn Lam Hạ, cô nảy ra ý tưởng muốn xuất hiện với vai trò một vị thần dẫn lối cho linh hồn người mẹ tới cõi an lạc, dẫn dắt người con thoát khỏi nỗi đau của kẻ phàm trần khi phải chia lìa với đấng sinh thành ra mình. Trong vòng 2 ngày sau đó, cô liên hệ với nhà thiết kế Vũ Lan Anh nhờ hỗ trợ thực hiện trang phục phù hợp để quay MV.

MV “Cõng mẹ về trời” do đạo diễn Lam Hạ thực hiện, DOP Tuấn Trịnh đã cùng âm nhạc vẽ nên một giấc mơ cõng mẹ phiêu bồng và an nhiên. Từ ý tưởng của chính Phạm Phương Thảo rằng cần sử dụng ngôn ngữ múa để chuyển tải tinh thần tác phẩm, với sự thể hiện của hai nghệ sĩ múa Quang Huy, Tuyết Anh, đạo diễn Lam Hạ đã hoàn thiện một giấc mơ “Cõng mẹ về trời”, một cuộc tiễn đưa có xót xa nhưng nhẹ nhàng, lạc quan.

Đối với cá nhân Phạm Phương Thảo, “Cõng mẹ về trời” tiếp tục là sáng tác ấn tượng của cô sau hàng loạt sáng tác ghi dấu ấn được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao trước đó như: Gái Nghệ; Chàng vinh quy; Đất mẹ ngày về; Chút tình em gửi; Mơ duyên; Mong manh em… Hiện Phạm Phương Thảo là một trong số hiếm những ca sĩ theo đuổi sự nghiệp sáng tác dòng nhạc dân gian trữ tình. Đặc biệt, cô luôn mở rộng biên độ sáng tác của mình sang các dòng nhạc khác chứ không khu biệt ở dòng nhạc dân gian.

MV "Cõng mẹ về trời" cùng một số hình ảnh đẹp của Phạm Phương Thảo: