“Buôn” chuyện với Đào Anh Khánh

ANTĐ - Bôi xanh bôi đỏ lên người, đóng độc một cái khố, tay cầm tàu lá chuối đi quanh bờ hồ. Chán đóng khố, hắn lại cởi trần mặc cái quần bó sát nửa trắng nửa đỏ, chân tay khua múa, mắt gườm gườm. Chưa hết, hắn còn “làm loạn” cả bờ đê Ngọc Thụy khiến công chúng phát khiếp với các chương trình “đáo xuân” được đánh số, mà đến bây giờ đã là “Đáo xuân 7”. 

Đó là khi trình diễn, còn “bức chân dung” của hắn ngoài đời trông cũng chẳng giống ai, đầu rối bù xù, tóc tai rũ rượi, dạo này hắn hay mặc mấy cái bộ quần áo xanh lét trông như con bọ nẹt. Cả lên truyền hình lẫn đi từ thiện cho đồng bào nghèo tận Hà Giang cũng thấy hắn mặc cái bộ “bọ nẹt” ấy. Có hỏi thì hắn bảo may cả chục bộ xanh lét như thế, hắn còn mặc sang tận… Mỹ. Nhiều người bảo trông hắn lập dị và khó gần. Nhưng nếu nói chuyện với hắn về nghệ thuật trình diễn thì hắn rất say sưa, điều hắn làm người ta thích thú là cách nói chuyện thoải mái không hề cảnh giác người đối diện và hắn cũng mấy không bận tâm xem người khác đánh giá về mình thế nào. Có người bảo nghệ thuật của hắn là điên, khùng. Hắn cũng kệ. Hãy nghe Đào Anh Khánh giải thích về cái sự điên của mình.

Có những cái điên có giá trị

- Anh đã bao giờ nghe thấy người ta bảo mấy cái chiêu trò nhảy múa đốt lửa hú hét của anh là điên chưa?

- Rồi chứ, tôi nghe nhiều rồi.

- Anh thấy sao?

- Tất cả những cái điên của các nghệ sĩ đích thực tạo ra đều là những cái điên có giá trị. Có cái điên phải trả giá bằng lao động nghệ thuật, bằng khát khao tìm kiếm mới có được. Cho dù điên mà làm cho công chúng đặc biệt là công chúng có trí thức vẫn phải gần gũi nó, vẫn phải đến xem nó thì đó là giá trị được đánh dấu. Điên là vượt lên trên mức độ bình thường của sự sáng tạo. Người nghệ sĩ thì rất cần điều đó.

- Thế còn cái điên nào không có giá trị?

- Chúng ta cứ đánh đồng, không phải cái gì cũng gói vào một từ “điên” để xí xóa tất cả. Cũng không nên vì thấy sự khác thường mà đặt một từ chung là… điên. Ở nước ngoài người ta có sự phân biệt giữa “cái điên ngu xuẩn” và “cái điên sáng tạo”, “cái điên quá ấn tượng”.

- Anh hãy chứng minh cái điên sáng tạo của anh đi?

- Tôi một anh bạn người Úc. Anh này có một ao ước là được “chết” ở  khắp nơi trên thế giới. Đến nước nào anh ta cũng mang theo một cái quan tài, rồi tự nằm xuống để người ta chôn mình. Sau đó lại mang cái quan tài đến một nước khác và làm như thế. Đúng là điên chứ còn gì. Chỉ có thằng dở hơi mới tự chôn mình đúng không?

- Biết đâu anh ta muốn tìm hiểu về văn hóa phong tục của các nước?

-  Tôi đã đọc được cái điên giá trị ở đây. Đó là một cái điên đẹp. Con người ta khi nằm xuống bao giờ người ta cũng muốn trở về nơi mình sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Với anh này thế giới là một mái nhà. Như thế có phải là cái điên đẹp không? Đẹp quá đi còn gì.

- Nhưng không phải lúc nào công chúng cũng hiểu được thông điệp nghệ thuật của người nghệ sĩ. Quay trở lại với các buổi trình diễn của anh, thú thực là tôi cũng như nhiều người chả hiểu anh trình diễn cái gì? 

- Câu chuyện hiểu là một câu chuyện còn ở phía xa nhưng cái điều cuốn hút được người xem và có rất nhiều câu hỏi: Tại sao thế nhỉ? Lạ thế nhỉ? Không hiểu cái ông này làm cái gì thế nhỉ? Chính quá trình đặt ra những câu hỏi đó cũng là vấn đề thú vị. Người nghệ sĩ tạo ra cho cái đầu của người xem động, khiến người ta có nhiều liên tưởng, suy nghĩ khác nhau, kích thích sự phát triển tư duy xem của người xem. Có thể người xem chưa hiểu ngay nhưng họ rất háo hức, rất muốn được tiếp cận, rất muốn được xem tức là nghệ thuật đó có cái gì đó lôi cuốn được người ta.

- Tôi cho rằng một tác phẩm được coi là nghệ thuật có giá trị tức là tác phẩm đó phải đánh thức  được sự rung cảm của người xem?

- Đúng, nghệ thuật nếu không có tính hấp dẫn, không tạo cảm xúc thì nghệ thuật đấy sẽ trở thành công cụ máy móc. Nghệ thuật quá cao siêu khiến tôi không nhìn thấy cả cái cao siêu, cảm xúc tôi cũng không nhìn thấy thì đấy cũng không phải là nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật không phải là thứ mà người ta phải nhìn nó một cách lạnh lùng, trơn tuột, nghệ thuật phải vượt lên sự lạnh lùng. Nếu nghệ thuật quá xa với công chúng thì nghệ thuật đó sẽ bị rơi vào sự cô đơn, không được người khác chia sẻ. Tuy nhiên không phải bất cứ cái gì đều phải giải mã ngay được. Thậm chí nếu xem một tác phẩm mà lộn trái nó ra ngay lập tức thì đôi khi chưa phải là điều tuyệt vời nhất mà nghệ thuật đặt ra sự trăn trở cho người xem lại thú vị hơn nhiều. Khi tác giả đặt ra cho người xem sự trăn trở, đó chính là quá trình đánh thức sự rung cảm rồi đó.

Sẽ vứt đi 50% tác phẩm của mình

- Có thể nói anh là một trong những người đi tiên phong với nghệ thuật trình diễn? Anh thấy nghệ thuật trình diễn của Việt Nam đang ở đâu?

- Sự tồn tại đang ở mức độ duy trì, khá là khiêm tốn, chủ yếu mới diễn ra phía Bắc, phía nam ít. So với khu vực châu Á, thì chúng ta đang tụt sau họ.

- Hình như nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đang bế tắc?

- Không thể nói là nghệ thuật bế tắc mà nhiều nghệ sĩ còn lúng túng, khô cứng có nhiều người quá khiên cưỡng mà quên đi các yếu tố khác của nó. các nghệ sĩ phải làm sao tìm được lối thoát, tìm ra được cái mà để nghệ thuật trình diễn đến với công chúng, truyền hơi ấm đến công chúng.

- Thực tế vẫn có sự không công nhận  ngầm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn. Người ta cho rằng hội họa giá vẽ mới là nghệ thuật, mới tồn tại với thời gian, còn trình diễn, sắp đặt thì sau buổi biểu diễn là tắt lịm? Quan điểm của anh thế nào?

- Tôi có quan niệm rõ ràng là nghệ thuật có rất nhiều trạng thái để lưu giữ cho con người. Có người muốn lưu giữ trong bảo tàng, có người muốn lưu giữ trong sưu tập, có người lại muốn lưu giữ nó trong đầu của công chúng. Nói cho cùng thì tác phẩm  nghệ thuật nào dù là giá vẽ hay sắp đặt trình diễn nếu nó có giá trị đích thực thì người xem sẽ giữ nó, người ta sẽ nhớ nó và in nó vào trong đầu, còn nếu không nó sẽ ra đi.

- Tác phẩm của anh, sau khi trình diễn xong, đốt luôn, anh có tiếc không?

- Nếu một ông nghệ sĩ mà cứ lưu giữ các tác phẩm của mình thì chẳng mấy chốc sẽ thành một kho đồ cũ khổng lồ mà chẳng có có chỗ nào cho thế giới của những cái mới của nhưng người mới, những người trẻ. Con cháu mình đầu chết khô chết cứng không có chỗ để sáng tạo. Khi đó “di sản” lại trở thành một gánh nặng cho thế hệ sau. Tới đây tôi cũng  sẽ phải ra đi đến 50% tác phẩm của cho mình để đầu mình nạp thêm những cái mới cho dù cái mà tôi vứt đi vẫn còn có giá trị.

Chuẩn bị làm đám cưới và lên kịch bản cho đám ma

- Anh có vẻ thích cái mới, cả trong cuộc sống lẫn trong nghệ thuật?

- Quan niệm nghệ thuật của tôi là muốn đưa đến với công chúng những gì mới nhất. Đưa cái mới đến với công chúng tức là đẩy sự tư duy phát triển tốt nhất. Thà như thế còn hơn là sự nhàm chán, cô đơn, lạnh nhạt. Còn cuộc sống ư. Tôi quan niệm cuộc đời của mỗi con người là sự đi tìm, đi tìm chính bản thân mình. Có già rồi tôi vẫn phải đi tìm một người bạn, một người hợp với tôi có thể sống với tôi, liên kết với tôi, quan hệ với tôi.

- Ở một mình trong một không gian rộng thế này, xung quanh chỉ có tranh và những bức tượng, có lúc nào anh cảm thấy buồn và cô đơn?

- Không, tôi chả buồn. Tôi chỉ buồn  khi một năm đầu chia tay vợ sang đây ở? Bây giờ thì hết rồi. 

- Thế sao anh không lấy vợ?

- Tôi có thể làm vừa lòng những người yêu nhưng lại làm đau khổ những người vợ.

- Vì sao vậy?

- Vì sự yêu thích tự do của tôi.

- Thế có nghĩa là bây giờ anh vẫn đang yêu?

- Có chứ. Tôi đang yêu? Và tôi nói với người tình của tôi rằng không cần phải làm đám cưới làm gì. Biết đâu đấy khi tôi khoảng 70 tuổi, râu tóc bạc phơ, tay phải chống gậy tôi sẽ làm đám cưới. Một đám cưới đẹp tuyệt vời. Tôi mời những bạn bè là người thân đến nhưng nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, đốt nến đi thuyền để chúc mừng đám cưới của tôi. Đám cưới chỉ vài chục người bạn và cô dâu chú rể thôi. Thật là lãng mạn. Tôi sợ nhất là cái kiểu đi ăn đám cưới giả tạo như bây giờ. Nếu tôi tổ chức đám cưới kiểu đó thì các bạn tôi sẽ đòi tôi phải tổ chức vài cái đám cưới nữa. Tôi đã nghĩ đến mấy nơi có cảnh đẹp tuyệt vời, nếu mà tổ chức đám cưới ở đấy thì lãng mạn vô cùng.

- Nếu nói như anh thì có lẽ đám cưới của Đào Anh Khánh sẽ lại phải đánh số 1,2,3… như là đáo xuân ấy?

- Ừ, ừ, hay quá, thế mà tôi không nghĩ ra. Sẽ có đám cưới 1, đám cưới 2, đám cưới 3… của Đào Anh Khánh được diễn ra khi ông ta 70 tuổi. Có thể lắm chứ, điều đó sẽ xảy ra. Cũng như cách đây mười mấy năm tôi đã xây dựng một kịch bản cho đám ma của mình rồi mà.

- Kịch bản cho đám ma? người ta bảo anh lập dị cũng không sai?

- Có gì đâu, cái chết là quy luật mà ai sinh ra rồi cũng phải trở về với cái chết. Tôi coi cái chết thật nhẹ nhàng. Kịch bản đám ma của tôi cũng hết sức lãng mạn. Các bạn tôi sẽ đến dự đám ma như đến dự một buổi tiệc. Sẽ có những nhạc công kéo đàn du dương, các bạn tôi sẽ uống rượu rả rích và hát như không hề có chuyện gì xảy ra. Thế mới hay chứ, nếu cứ khóc lóc não nề thì chán ngắt. Cái chết của tôi mà lại làm những người khác phải buồn thì tôi không muốn chút nào. Phải vui lên mới được. 

- Thôi, chuyện “thì tương lai” của anh còn xa lắm, anh nói đến dự án nghệ thuật mới nhất của anh đi, sau chuyến đi từ thiện ở Hà Giang anh sẽ làm gì?

- Tôi đi Mỹ biểu diễn theo lời mời của một trường đại học. Đây cuộc trình diễn có  quy mô lớn nhất của tôi tại Mỹ. Ý tưởng của cuộc trình triễn là sự giao thoa văn hóa Đông Tây.  Còn chuyến đi Hà Giang là một chuyến đi  đã ám ảnh tôi. Tôi bị  ám ảnh bởi những hoàn cảnh mà tôi không biết phải tả lại như thế nào, tôi chỉ biết rằng khi tôi nhìn thấy những phận người như thế người tôi run lên, chân tay tôi bủn rủn. Nếu như không có chuyến đi ấy, tôi sẽ không bao giờ gặp được những thân phận như thế. Có lẽ gần đây nhất tôi và ca sĩ Thanh Lam sẽ quay lại đó.