Bồi hồi “Song xưa phố cũ”

ANTĐ - Từ năm 1997 cho tới nay, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhẩn nha ghi lại hình ảnh xưa cũ những cánh cổng, những hàng rào, cửa sổ, ô gió, lan can… của những ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Anh ví von, những hàng rào, ô gió, lan can… đó chính là “cái răng cái tóc” của Hà Nội. Và từ suy nghĩ này một cuốn sách khảo cứu rất Hà Nội đã ra đời, dày dặn, ý nghĩa với tên gọi “Song xưa phố cũ”.

Bồi hồi “Song xưa phố cũ” ảnh 1
Bản vẽ cửa chính viện Radium Đông Dương- Công trình kiến trúc này nay là viện K trung ương
ở 43 Quán Sứ


Muốn yêu thì phải hiểu

Rất nhiều người bảo rằng, khi nhắc tới Hà Nội là người ta nghĩ ngay đến  hình ảnh mái ngói lô xô, phố cổ trầm mặc và rêu phong. Nhưng cứ thử hỏi những người yêu Hà Nội nhất, gắn bó với Hà Nội nhất mà xem, tình cảm của họ đối với Hà Nội lại không hề nằm ở… mái ngói. Hà Nội như một mạch ngầm thẩm thấu và rồi một ngày họ ngỡ ngàng nhận ra. Yêu là yêu thôi. Chẳng vì cái gì cả. Đương nhiên, muốn yêu, để yêu được thì phải hiểu. Và Trần Hậu Yên Thế đã chọn cách hiểu để yêu Hà Nội một cách đặc biệt. Anh để ý đến tất thảy những hàng rào, những cánh cổng sắt, cửa đi, cửa sổ, ô gió, lan can và ban công. Anh kể, khu tập thể nơi anh lớn lên cũng như những căn nhà ở Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Nhàn hay Thanh Xuân đều có hình khối đơn giản, màu sắc nghèo nàn, các song cửa giống hệt nhau, luôn là những đường thẳng lạnh tanh. 

Có thể là may mắn chăng khi Trần Hậu Yên Thế không phải là “con giai phố cổ”, không phải là người Hà Nội gốc nhưng anh lại có cảm xúc đặc biệt với hệ thống trang trí kiến trúc ở khu phố Tây và khu phố cổ. Dựa trên những nghiên cứu có tính hệ thống về di sản sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc của Thủ đô, cuốn sách “Song xưa phố cũ” tập trung viết về sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc nửa đầu thế kỷ XX ở Hà Nội. Chính những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa đi, cửa sổ, ô gió đã tạo cho Hà Nội vẻ cổ điển, lịch lãm. Để có được cái nhìn khách quan, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã dành thời gian tìm hiểu so sánh về sắt mỹ nghệ ở đây với các thành  phố khác như Sài Gòn, Huế, Nam Định, làng Cự Đà và cả Paris- Pháp.

Công nghệ “biến” sắt thành hoa

Dù “Song xưa phố cũ” chỉ phác họa lại “điểm nhấn” của một ngôi nhà nhưng người đọc có thể mường tượng được phố xá ngày xưa. Nhà và cửa thế nào, cái sự kỳ công của chủ nhân khi xây dựng ngôi nhà ra sao. Ví như ngôi nhà số 61 phố Hai Bà Trưng, ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Art Deco. Hoa sắt mạch lạc, tinh tế. Đặc biệt phần gỗ bên dưới cửa được chạm khắc những đường chéo diễn tả tia nắng, nguồn sáng. Cũng như nhiều ngôi nhà mặt phố ở Hà Nội có mặt tiền không đủ rộng, giải pháp làm cửa đi 4 tấm đòi hỏi phải trang trí cho các tấm cửa. Hay như ngôi nhà số 218 phố Bà Triệu, cũng theo phong cách Art Deco từ hệ thống song hoa cửa đi, cửa sổ cho đến các đường nét trang trí mặt tiền. Sau một vài lần sửa đổi, đến đầu năm 2013, ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Art Deco đầu thế kỷ XX đã biến mất hoàn toàn khi trở thành một chuỗi cửa hàng ủy quyền của Apple tại Việt Nam. Ngoại trừ trán nhà, toàn bộ mặt tiền được cải tạo, bọc kín bởi hộp kính cường lực. 

Cửa đi nhà số 96 phố Lê Duẩn cũng mang những nét trang trí độc đáo, thể hiện rõ sự gặp gỡ, giao thoa văn hóa Đông- Tây. Chữ “Hồi” trên cửa có nghĩa là trở về. Trong khi, phần chạm bên dưới có kiểu thức đồ án phương Tây, mang ý nghĩa thịnh vượng, lại có hình con dơi, hàm ý hạnh phúc. Gần đó, ngôi nhà số 104 phố Lê Duẩn cũng có cánh cửa đặc biệt. Dù phố Hàng Lọng không còn, nhưng người ta vẫn thấy biển 100 Hàng Lọng gắn trên cánh cửa. Cửa bên chính là Trần triều Bảo điện thờ An Tư công chúa- con gái út của vua Trần Thái Tông. Hoa sắt trên cửa này có đường xoắn lạ, tựa như khói hương trầm mặc bên trong điện bay ra…

Trong “Song xưa phố cũ”, tác giả- họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng cất công tìm hiểu về lịch sử sắt uốn, cũng như con đường du nhập vào Việt Nam đặc biệt là Hà Nội và các đô thị lớn từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong khoảng từ 1925 đến 1945, số lượng chất song hoa sắt mang phong cách Art Deco ở Hà Nội chiếm số lượng lớn và rồi trào lưu này nhanh chóng bản địa hóa tạo nên một phong cách vừa địa phương vừa quốc tế đồng thời phảng phất dấu ấn của mỹ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt hơn nữa, dù hoa sắt theo chân người Pháp từ Nam ra Bắc, nhưng cũng không cần quá lâu dân Hà Thành đã làm chủ được kỹ thuật chế tác, làm nên vô số các chấn song, hàng rào, cửa đi, ban công, ô gió… theo kỹ thuật hoàn toàn thủ công. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng khi nhận xét về cuốn sách cho rằng “Cuốn sách đi chuyên vào lĩnh vực hẹp, nhưng cũng rất kịp thời trước khi những giá trị văn hóa Đông- Tây nằm trên song sắt có thể ngày nào đó biến mất vĩnh viễn hoặc chui vào nồi nấu thép vụn”.