Vũ Ngọc Đãng trên phim trường “ Bỗng dưng muốn khóc”
- PV: Anh đã từng chia sẻ, làm đạo diễn không khó, tức là dễ?
- Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Thì… dễ (cười). Thực ra, làm đạo diễn hay mới khó, còn làm chơi chơi, có phim để chiếu thì dễ lắm. Các việc khác đều có người hỗ trợ, nên nhiều khi không biết gì cũng ngồi được ghế đạo diễn. Việt Nam mình có nhiều trường hợp như vậy. Cứ nhìn vào chất lượng phim thì biết, 1-2 năm mới có một vài phim hay, còn lại trung bình hoặc kha khá.
- Hỏi thật, có phải anh và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là đối thủ cạnh tranh nhau?
- Tôi với Dũng là bạn rất thân, luôn động viên nhau. Đề cương còn có thể viết giùm nhau, diễn viên chỉ cho nhau, không bao giờ cạnh tranh cả. Bởi tôi và Dũng đều nghĩ rằng càng có nhiều người làm phim ăn khách thì càng tốt cho điện ảnh, tức là tốt cho bản thân mình về lâu dài. Còn nếu tôi làm dở, rồi Dũng làm dở và người khác làm dở nữa thì khán giả sẽ quay lưng lại, và điện ảnh Việt Nam sẽ lại chết như thời phim “mì ăn liền”.
- Nghe nói Nguyễn Quang Dũng khùng và kiêu hơn anh, vì thế mới có biệt danh Dũng “khùng”?
- Thực ra, Dũng không khùng cũng chẳng chảnh mà còn rất khôn và dễ thương. Chữ “khùng” cũng là do Dũng tự đặt chứ không phải người khác gọi. Một người tự nhận mình khùng thì chắc không khùng đâu (cười). Dũng thông minh và có tầm nhìn tổng quát giỏi hơn tôi. Tôi rất phục Dũng về tính nhạy bén, nhìn vấn đề ở nhiều chiều. Dũng rất giỏi và khéo. Tôi học được nhiều từ cậu ấy.
- Anh bảo phim dở là do đạo diễn, trong khi nhiều người tin là do kịch bản, kinh phí…?
- Nếu phim hay thì do nhiều yếu tố, nhưng phim dở là do đạo diễn. Vì, thứ nhất, nếu thấy kịch bản dở thì anh phải sửa cho hay, diễn viên diễn dở là do mình chọn sai. Thứ hai là do mình không biết hỗ trợ diễn xuất. Thứ ba là do mình không biết khơi gợi cho người ta diễn hay, quay đẹp. Đôi khi, kịch bản hay nhưng phim cho ra rất dở vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
- Làm đạo diễn kiêm luôn viết kịch bản có điểm tốt, điểm dở nào, thưa anh?
- Tốt, vì mình viết câu chuyện, nhân vật mình thích. Mình làm chủ được sự nghiệp của mình, thích thể loại nào thì mình sẽ viết thể loại đó. Còn nếu mình đạo diễn kịch bản của người khác, nếu thích thì không sao, nếu không thích thì giống như nuôi con giùm người khác, mà đứa con đó mình cũng không ưa nên kết quả sẽ không tốt lắm. Làm mà chờ kịch bản từ người khác hồi hộp lắm. Hết phim này lại chờ, băn khoăn không biết kịch bản tới là gì, có hay không, có hợp với mình hay không. Điểm không hay nữa là sự chủ quan, nghĩ rằng mình hiểu thì khán giả cũng sẽ hiểu, nhưng nhiều khi không phải vậy.
- Giả sử đủ kịch bản hay, anh có thể “chạy” bao nhiêu phim một năm?
- Nếu tốt như thế thì một năm làm được 2 phim. Còn hiện nay, trung bình một đến một năm rưỡi một phim. Thực ra, thời gian quay phim rất ngắn, chỉ mất khoảng 1 tháng, thêm dựng phim nữa tổng cộng khoảng 3 tháng, nhưng thời gian viết kịch bản rất lâu. Phim “Bỗng dưng muốn khóc”, 14 tháng mới xong kịch bản, cộng thêm quay và dựng phim cũng mất hơn hai năm. Trong làm phim, kịch bản là vấn đề đau đầu nhất chứ không phải quay phim. Quay phim là phụ thuộc tay nghề, nhưng viết kịch bản đòi hỏi vốn sống, kinh nghiệm. Viết kịch bản mình phải vận dụng hết vốn sống, văn hóa, hiểu biết của mình. Còn nếu sử dụng kịch bản hay của người khác thì mình chỉ dùng nghề của mình thôi chứ không phải bỏ nhiều “vốn”.
- Làm nghề, ngoài mục đích kiếm sống, anh có đang thực hiện một sứ mệnh nào mà anh thấy có ý nghĩa?
- Mình không nghĩ nó là một sứ mệnh gì cả, chỉ nghĩ đó là niềm vui, là công việc mình yêu thích và cảm thấy hạnh phúc khi mình được làm điều mình yêu thích. Với tôi, bi kịch là cả đời cứ phải làm những điều mà mình không thích. Nhiều người thấy tôi đứng nắng làm phim thì hỏi: Cực lắm hả? Nhưng tôi chẳng thấy cực tí nào mà lại thích được như vậy và cố gắng làm thật tốt. Để làm gì? Để có việc làm nữa, và những người cộng tác với mình đều thu lợi nhiều hơn sau bộ phim đó. Niềm vui của tôi là thế.