Bát nháo đào tạo lái xe

ANTĐ - Việc đi học lái xe hiện nay đang được coi như một trào lưu. Mọi người đổ xô đi học lái xe ô tô, người có xe đi học đã đành, người không có xe cũng đi học để cầm chắc tấm bằng. Trào lưu này đã dẫn đến việc các trung tâm đào tạo lái xe mọc lên như nấm. Nhưng không phải cơ sở cũng đảm bảo chất lượng, thậm chí còn nhiều cơ sở sai phạm…

Việc mọc lên như nấm sau mưa của các trung tâm đào tạo lái xe đã khiến cho chất lượng đào tạo xuống cấp trầm trọng. Trong các đợt thanh tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải tại các địa phương đều phát hiện sai phạm. Điển hình như vào tháng 7-2011, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra 3 cơ sở đào tạo lái xe của tỉnh Quảng Ngãi, phát hiện cả 3 cơ sở đào tạo lái xe đã tuyển sinh, đào tạo lái xe vượt lưu lượng của giấy phép được cấp… Theo điều tra của chúng tôi, tuyển sinh quá mức quy định là tình trạng diễn ra rất phổ biến. Thực tế có rất nhiều cơ sở còn thông qua các “văn phòng vệ tinh” tuyển số lượng học viên càng đông càng tốt, càng đông càng thu được nhiều tiền, không cần biết đến cơ sở vật chất có đảm bảo hay không. Số lượng học viên đông dẫn đến tình trạng các học viên được thực hành ít, chất lượng đào tạo kém.

Bên cạnh đó, rất nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe nhưng đã cấp phép cho những lái xe không qua đào tạo. Chỉ nộp tiền trọn gói là có bằng, hoặc cũng có trường hợp đi học, đi thi hẳn hoi, nhưng không đạt yêu cầu, song chỉ cần nộp một khoản phí gọi là “chống trượt” là nghiễm nhiên có bằng lái. Không ít các bạn đọc đã phản ảnh tới các cơ quan báo chí về những biểu hiện tiêu cực của các trung tâm tổ chức đào tạo cấp phép lái xe như chuyện giám thị làm bài hộ học viên, hay bỏ qua lỗi cho học viên một cách thô thiển...

Nhiều cơ sở đào tạo lái xe cơ sở vật chất không đủ điều kiện sân tập lái, xe ô tô nhưng vẫn đứng ra quảng cáo, thu hồ sơ ầm ầm. Nhiều cơ sở đào tạo lái xe nhưng lại phải đi thuê ô tô tập lái, thậm chí thuê cả người dạy lái xe thì không ai dám chắc rằng chất lượng đào tạo được đảm bảo. Cũng có không ít trung tâm còn rút ngắn thời gian tập từ 3 tháng theo quy định xuống còn 2 tháng. Đó là chưa kể rất nhiều cá nhân không có chức năng, không được cấp phép đào tạo lái xe chỉ cần có xe ô tô, biết lái xe là cũng đứng ra “thầu” thu gom hồ sơ, mồi chài học viên làm trọn gói. Tất cả những điều đó đã tạo nên sự bát nháo trong việc đào tạo lái xe dẫn đến hậu quả nhiều học viên có bằng nhưng không đủ điều kiện lái xe vẫn liều mạng cầm lái gây tai nạn. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, số vụ TNGT năm 2010 tăng thêm 1.778 vụ so với năm 2009. Trong các nguyên nhân gây TNGT, thì một nguyên nhân  không thể không tính  đến là trình độ lái xe.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 271 cơ sở đào tạo lái xe ôtô (trong đó Hà Nội là 46 cơ sở, TP Hồ Chí Minh là 45 cơ sở) có thể đáp ứng cùng lúc là 147.101 học viên; hơn 400 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 78 trung tâm sát hạch lái xe.  Bộ GTVT hàng năm liên tục đi thanh tra, kiểm tra và hầu như ở đâu cũng phát hiện sai phạm.
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Để xảy ra tình trạng bát nháo đào tạo lái xe trước hết là do sự quản lý lỏng lẻo. Tiếp đến là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Muốn siết chặt quản lý cũng như xử phạt mạnh các cơ sở vi phạm thì ngoài việc các Sở GTVT phải nâng cao vai trò giám sát của mình cũng cần phải có chế tài rõ ràng. Chế tài xử phạt hiện giờ thanh tra đang áp dụng có từ năm 2002 đến nay chưa được thay thế nên phần nào bộc lộ nhiều “lỗ hổng”. Trong quy chế xử phạt có quy định cơ sở đào tạo nào cố tình đào tạo vượt quá lưu lượng cho phép thì sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, lại không quy định rõ là vượt số lượng bao nhiêu phần trăm, hay cụ thể là bao nhiêu người. Mà để mở một cơ sở đào tạo đủ tiêu chuẩn, chi phí cũng mất tới triệu USD/cơ sở. Nếu bị đình chỉ một ngày thiệt hại sẽ rất nặng nề, do đó, khi quy chế chưa quy định cụ thể thì thanh tra cũng khó áp dụng hình thức đình chỉ. Hay như trong quá trình thi lái xe ô tô, phần thi đường trường rất khó giám sát chặt chẽ nên dễ dẫn đến tiêu cực. Vấn đề đến nay vẫn đang được nghiên cứu giải pháp khắc phục, song không dễ dàng gì.

Ông Trịnh Viết Lộc (Phó Chánh Thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải)

Cần thắt chặt việc mở trung tâm đào tạo

Tai nạn giao thông là hiểm họa của toàn quốc. Trong các nguyên nhân gây tai nạn giao thông có yếu tố người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng, và quan trọng nhất là vấn đề đào tạo lái xe. Với chính sách xã hội hóa, các trung tâm đào tạo lái xe được mở tràn lan. Nhiều trung tâm hơn 10 năm không có sân tập, trường học, xe ô tô đi thuê, không có giáo viên cố định nhưng mỗi năm cũng cho ra lò 7000-10.000 học viên. Từ việc có quá nhiều trung tâm dẫn đến việc tranh cướp nhau học viên bằng cách giảm bớt thời gian học, dẫn đến việc chất lượng ngày càng xuống cấp. Học viên cứ thấy nơi nào quản lý lỏng lẻo, thời gian ít thì chạy vào. Đó là nguyên nhân khiến nhiều học viên có bằng rồi mà không chạy đường trường được. Cục Đường bộ nên quay lại chính sách cũ, chỉ cho các địa phương tối đa 2-3 trung tâm đào tạo lái xe, thắt chặt việc mở trung tâm. Trung tâm nào phải có đầy đủ các điều kiện mới được đi vào hoạt động. Chế tài xử phạt các trung tâm sai phạm còn quá nhẹ, không đủ mức răn đe. Nhiều cơ sở chỉ nhận hồ sơ như cai thầu, rồi gọi những ai có xe, biết lái đến dạy dẫn đến những tiêu cực nảy sinh, giáo viên ăn tiền của học sinh, chất lượng đào tạo không đảm bảo. 

Đại tá Vũ Văn Tứ (Giám đốc Trung tâm dạy nghề, đào tạo, sát hạch lái xe, Học viện Cảnh sát nhân dân)
Nên học ở những trung tâm uy tín

Tôi đã từng theo học lái xe tại một trung tâm đào tạo lái xe trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo quảng cáo của trung tâm thì mức phí đưa ra rất hấp dẫn, đảm bảo chất lượng cho học viên, không mất tiền bồi dưỡng thầy, thời gian học thoải mái… Nhưng do trung tâm không có sân bãi, không có giáo viên cố định nên chúng tôi thường xuyên bị động về vấn đề thời gian tập lái. Giáo viên chỉ là những người đã biết lái chứ chưa có kinh nghiệm dạy nên rất lúng túng. Việc đào tạo rất nghiệp dư, khác hẳn với những gì quảng cáo. Ngoài ra trong thời gian học chúng tôi còn phải chịu nhiều vấn đề bực bội khác. Số tiền phải đóng thực gấp 2-3 lần quy định. Trung tâm không đảm bảo đủ thời gian tập lái dẫn đến việc học viên phải ra ngoài thuê thầy tập thêm. Khi thi ai nộp tiền “chống trượt” thì qua, ai không nộp thì trầy trật mãi không xong. Vì vậy tôi khuyên các bạn hãy đăng ký những trung tâm có uy tín, có sân bãi, ô tô, giáo viên riêng. Vì chất lượng đào tạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bạn và những người khác.

Anh Nguyễn Ngọc Huy (Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân)