Bắt đúng mạch

ANTĐ - Trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, đã có những ý kiến đánh giá khác nhau xung quanh câu hỏi: “Tình hình kinh tế có suy giảm hay không?”. Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012 đã được trình bày trước Quốc hội.

Chính phủ khẳng định, tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2012, tuy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng là mức tăng hợp lý. Sức ép tăng trưởng 6 tháng cuối năm là rất lớn mới đạt được dưới 6%.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội lại cho rằng, mức hợp lý, theo nghị quyết của Quốc hội phải là 6-6,5%. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý, năm 2012 phải tăng trưởng được ít nhất 6% mới là hợp lý. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư thì nhấn mạnh, tăng trưởng 5,5% là hài hòa, đạt 6% là quá tốt. Vì sao có sự tranh luận, còn nhắc đến mức “chi li” từng phần trăm con số tăng trưởng GDP? Bởi vì, khi nhìn vào GDP quý I chỉ tăng 4% trong khi cùng kỳ năm 2010 tăng 5,84% và năm 2011 tăng 5,57%, lập tức một vấn đề được đặt ra: nền kinh tế đang suy thoái hay suy giảm? Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đúng là kinh tế quý I có thấp hơn nhiều, nhưng chỉ nên đánh giá là nền kinh tế gặp khó khăn, có dấu hiệu của sự suy giảm. Dự kiến GDP quý II đạt 4,5%. Muốn đạt mục tiêu đề ra, hai quý còn lại phải đạt mức tăng trưởng 7-7,5%.

Mặc dù năm 2012, tình hình doanh nghiệp phá sản, giải thể có thể tương đương như năm 2011 với khoảng 50.000 doanh nghiệp, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư không tỏ ra quá lo ngại. Hiện nay sản xuất công nghiệp đã “rục rịch” chuyển động và chuyển biến, có nhiều hướng cải thiện rõ nét. Có thể hy vọng sáng sủa hơn khi triển khai gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại có cái nhìn sát thực hơn. Ông nhận định, đúng là tiền còn nhiều có thể thúc đẩy, “tiếp sức” cho doanh nghiệp, nhưng nền kinh tế lại không hấp thụ được vốn. Nếu tình hình này không giải quyết được sớm thì sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể yếu quá, cho ăn cũng không ăn được, tiếp nước cũng không nhận được.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, phải có đánh giá nghiêm túc thì mới có giải pháp mạnh mẽ. Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ủy viên Ủy ban kinh tế bày tỏ, đời sống người dân quá khó khăn, mà khó khăn trong năm nay khác các năm trước. Không chỉ kinh tế mà xã hội cũng đang có “vấn đề”. Chính phủ phải có phân tích rõ về tình hình kinh tế-xã hội trước Quốc hội và trước cử tri. Chính phủ nhận định “tình hình có chuyển biến” thì được, nhưng nói rằng “tích cực” thì chưa phải. Ngay trong báo cáo Chính phủ đã thống kê đến 5-6 điểm đang tồn tại như tồn kho tiếp tục tăng cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế, quá tải bệnh viện, tai nạn giao thông, khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp…

Khám “sức khỏe” của nền kinh tế hay “bắt bệnh” kinh tế, có lẽ phải kết hợp đông tây y. Suy thoái hay suy giảm phải bắt đúng mạch để có giải pháp cắt cơn bệnh kịp thời và bốc thuốc điều trị tận gốc căn nguyên.