Bao giờ biếm họa hồi sinh?

ANTĐ - Mặc dù đã xuất hiện khá sôi động trên báo chí đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tranh biếm họa trên báo chí đi vào giai đoạn thoái trào. Nguyên nhân thì có nhiều, những sự đi xuống này để lại không ít tiếc nuối trong lòng bạn đọc. 
Bao giờ biếm họa hồi sinh? ảnh 1

Tranh biếm họa của họa sỹ Leo tại triển lãm “Hướng về Biển Đông” năm 2014

Đang bị lãng quên

Lý giải sự thiếu vắng của tranh biếm họa trên báo in, họa sỹ Lê Phương, người được biết đến với bút danh Leo nhận định, trước hết đó là do nhu cầu của các cơ quan báo chí, các tòa soạn đang giảm dần. Sự cạnh tranh của báo mạng, báo điện tử khiến báo giấy phải cắt giảm các góc, các chuyên mục để tiết kiệm chi phí. Hơn thế nữa, với đặc điểm mang tính chiến đấu cao, không “né” những vấn đề tiêu cực nên nhiều tòa soạn cũng “lựa”, cân nhắc kỹ càng để sử dụng đúng mục đích, không đi chệch định hướng bài viết.

Bao giờ biếm họa hồi sinh? ảnh 2

Tranh biếm họa ngày càng ít đất trên báo chí vì đề cập đến vấn đề “nóng” 
(Tác giả: Lý Trực Dũng)

 

Tuy nhiên, theo họa sỹ Lê Phương, nguyên nhân quan trọng là vẽ tranh biếm họa hiện nay thường ít được coi là một nghề. “Những “cây bút già”, có tên tuổi đã nghỉ hẳn, trong khi lớp trẻ thì ít. Phần lớn họa sỹ chỉ vẽ thêm, lấy việc tranh của mình được xuất hiện trước công chúng làm niềm vui là chính” - anh cho biết. Trong khi đó, có một thực tế là thay vì sáng tác biếm họa, họa sỹ thường vẽ minh họa theo đặt hàng của các tờ báo vì nó… an toàn. Là một người chuyên thiết kế bìa cho báo Tuổi trẻ cười, cũng như giữ chuyên mục cho nhiều tờ báo, anh nhận định: “Biếm họa hay thì phải có ý, nét vẽ phải khúc chiết cô đọng, ý tứ rõ ràng.

Chúng tôi thường lấy mốc 7 giây là thời gian tối đa để độc giả nhìn và hiểu được ý tứ của tác phẩm. Nếu quá 7 giây coi như thất bại. Theo tôi, hiện nay tay nghề của các họa sỹ yếu hơn ngày xưa. Các bức tranh chưa toát lên được chất châm biếm, thiếu đào sâu, thiếu suy tưởng, thiếu tư duy mạch lạc, khúc chiết. Nếu chỉ để vẽ một bức tranh biếm họa làng nhàng, chỉ để bông đùa thì không ổn”.

Nhận định về điều này, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, mỹ thuật Việt Nam đã từng có thời kỳ có những họa sỹ biếm họa thành công như Lý Trực Dũng, Nguyễn Viết Thưởng (bút danh Satế), Trần Minh Dũng (Nhốp)… Họ đều là những họa sỹ “bảo trọng” sự đam mê, khai thác đề tài đương đại, dám nghĩ, dám làm và thẳng thắn đấu tranh với những thói hư tật xấu, gây hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc và công chúng. Tuy nhiên, “cũng có một số ít họa sỹ lớn tuổi gần như hết năng lượng, qua thời kỳ sáng tạo nên dần dần ít có tác phẩm xuất hiện trên báo chí. Bên cạnh đó, số họa sỹ trẻ tiếp cận với thể loại này chưa nhiều và khả năng quy tụ của các báo đối với số cộng tác viên biếm họa chưa được thường xuyên và chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý đối với họa sỹ”. 

“Giải cứu” tranh biếm họa báo chí

Thẳng thắn nhìn vào thực trạng đi xuống của tranh biếm họa, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết: “Sự thoái trào của tranh biếm họa cũng phải kể đến việc e ngại của một số họa sỹ trước các vấn đề nổi cộm tế nhị, do đó họ chọn giải pháp an toàn để né tránh những bất lợi cho mình. Đề tài tranh biếm họa trên báo chí nhiều lúc bị lãng quên, không còn tạo một thói quen cho bạn đọc tìm đến góc biếm họa trên tờ báo hàng ngày nên các họa sĩ cũng không hào hứng gửi tranh cho tòa soạn”.

Trong bối cảnh đó, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng nhiều lần tổ chức các triển lãm tranh biếm họa, hỗ trợ kinh phí sáng tác cho các họa sỹ châm biếm nhằm đánh thức niềm đam mê, nhiệt huyết đối với mảng đề tài  lâu nay bị lãng quên. Một số cơ quan báo chí đã nỗ lực tổ chức các cuộc thi trong đó phải kể đến “Giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre” (Báo Thể thao Văn hóa). Mới đây, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Thư viện quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm trưng bày những tác phẩm biếm họa của các họa sỹ Thụy Điển và Việt Nam về đề tài “Đối mặt với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của cả những họa sỹ 9x. Chỉ tiếc rằng, triển lãm này chỉ dừng lại trong phạm vi của một nhóm tác giả với một chủ đề khu biệt nên không nhiều họa sỹ có cơ hội thể hiện mình. 

Có thể nói, trong thời buổi kinh tế thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt của các trang báo điện tử, việc vực dậy trào lưu vẽ tranh biếm họa không đơn giản chút nào. Chia sẻ về điều này, họa sỹ Lê Phương bày tỏ: “Sự trọng thị của các tòa soạn, có chế độ thù lao thỏa đáng cho những người có bút lực, những người thực sự xuất sắc là điều các họa sỹ cần. Tuy nhiên, xét cho cùng, chủ quan chúng ta không thể làm sống dậy chất lượng tranh biếm họa. Cái cơ bản là đời sống tranh biếm họa trên báo chí phải sôi động đã”.